Trang trại trồng cam của ông Tam trước kia là đất đồi hoang ngập trong lau lách và cỏ dại, mà dân địa phương thường gọi là “đất thó”. Năm 2003, ông Tam mua lại mảnh đất đồi này của một người bạn để làm trang trại. Không máy móc khai hoang, vợ chồng ông cần mẫn phát cây, cuốc đất. Với đức tích cần cù, chịu khó, mảnh đất hoang xưa giờ được ông Tam biến thành vườn cam trĩu quả.
Ông Bùi Quốc Tam, xã Khánh Lộc bên vườn cam trĩu quả của gia đình. Ảnh: T.H |
Theo ông Tam, cam là loại cây ăn quả phổ biến, thị trường tiêu thụ rộng. Thiếu vốn, ban đầu ông chỉ trồng với số lượng ít, chỉ 100 - 200 gốc cam giấy, cam bù. Sau khi thấy hiệu quả và rút ra được nhiều kinh nghiệm, ông quyết tâm vay vốn ngân hàng mở rộng quy mô trang trại.
Đến nay, vườn cam của ông Tam rộng 3ha, với hơn 1.500 gốc gồm nhiều loại đặc sản như cam giòn, cam đường, cam sành, cam chanh…“Trồng cam quan trọng nhất là khâu bón phân. Phải làm sao cho đúng tỷ lệ và kỹ thuật để cam phát triển tốt và cho thật nhiều quả. Tôi thường bón phân theo chu kỳ, mỗi năm 4 lần, với tỷ lệ hợp lý, theo liều lượng khuyến cáo” – ông Tam chia sẻ.
Từ chỗ là nơi hoang vu rậm rạp, trang trại trồng cam của ông Tam giờ đây không hiếm thời điểm đông vui, nhộn nhịp. Đó là thời điểm đến mùa thu hoạch, các thương lái lại tấp nập vào tận vườn mua. Năm 2015, đồi cam của ông Tam thu hoạch được hơn 10 tấn quả và đạt tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng.
Vụ thu hoạch cam năm nay, nhờ mở rộng quy mô, diện tích nên sản lượng cam tăng lên 13 tấn, và cứ giá cam như năm ngoái, gia đình ông Tam thu về hơn 700 triệu đồng. Ông Tam dự tính sẽ còn mở rộng thêm diện tích trồng cam, tận dụng triệt để gần 5ha đất mà vợ chồng ông đã cải tạo để tạo nguồn thu cao nhất. Ở địa phương, ông Tam cũng là người nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ cùng trồng cam để có thu nhập khá.