Giải quyết thủ tục thuế cho các hộ kinh doanh tại Chi cục Thuế quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công. |
Số thu khiêm tốn
Đến nay, hộ kinh doanh vẫn đang là chủ thể có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước, trên 30% GDP. Trong những năm gần đây, bên cạnh những hộ kinh doanh quy mô nhỏ chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình thì cũng có nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn.
Kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, với cá nhân kinh doanh TMĐT, các nước thực hiện hàng loạt các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật để quản lý và kiểm soát giao dịch kinh doanh. Ví dụ, Nhật Bản thực hiện thanh tra các nhà điều hành trang web bán “tài liệu thông tin thương mại”. Cán bộ kiểm tra còn kiểm tra các dữ liệu trong máy tính cá nhân, hàng hóa là thông tin thường được bán dưới định dạng PDF và thông tin liên lạc, trao đổi từ các khách hàng thường được thực hiện thông qua thư điện tử. Cơ quan thuế Hàn Quốc thực hiện kiểm tra việc khai sai doanh thu khi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Cơ quan thuế Trung Quốc ban hành quy định cài đặt phần mềm quản lý thuế thông minh là bắt buộc đối với tất cả các hoạt động TMĐT từ máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ mạng để quản lý thuế tự động đối với từng giao dịch TMĐT. |
Theo số liệu quản lý thuế năm 2017 của Bộ Tài chính, số hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên là 102.095 hộ, nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thường xuyên có doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm. Nhiều hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù không phù hợp với mô hình hộ khoán như: Kinh doanh hóa chất; vật tư và thiết bị y tế; máy móc thiết bị xây dựng; vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản... Ngoài hình thức truyền thống, nhiều hộ kinh doanh đã áp dụng các hình thức kinh doanh hiện đại, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) qua mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử...
Đáng chú ý, số thu từ thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách Nhà nước, năm 2017 chiếm 1,56%, không kể dầu thô. Đây là lĩnh vực được đánh giá thất thu về đối tượng nên rất cần phải có giải pháp để mở rộng cơ sở thuế, từ đó tăng thu ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính thừa nhận, khung pháp luật về hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ và tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan còn nhiều bất cập. Hiện vẫn chưa có tiêu thức để phân loại hộ kinh doanh cũng như cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ công tác quản lý thuế. Cùng với đó chưa có biện pháp để giám sát doanh thu đối với những hộ kinh doanh trong một số ngành nghề đặc biệt, nhất là chưa có giải pháp để khuyến khích người dân lấy hoá đơn từ các hộ kinh doanh. Đây là những nguyên nhân vì sao việc quản lý thuế khu vực này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Ngoài hộ kinh doanh cá thể, thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều loại hình kinh doanh mới như bán hàng trên facebook, google, Ebay... hay các loại hình taxi công nghệ như Grab, GoViet... đã tạo ra các thách thức mới trong quản lý thuế. Đó là nan giải trong xác định doanh thu của các cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là với các hoạt động kinh doanh có quy mô lớn hơn và xuyên biên giới như Uber, Grab... Câu chuyện nhiều cá nhân thu hàng trăm tỷ đồng với kinh doanh qua mạng mới đây hay câu chuyện Uber thu tiền tỷ khi kinh doanh trên thị trường Việt Nam mấy năm trước, nhưng nguồn thu lại được chuyển về công ty mẹ và nộp thuế ở Hà Lan đang khiến cơ quan quản lý thuế đau đầu.
Quy định có cũng như không
Theo quy định hiện hành, việc bán hàng hóa, dịch vụ có tổng thanh toán trên 200.000 đồng đều phải xuất hóa đơn. Với các giao dịch lớn, cần được thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Quy định là vậy, tuy nhiên, việc thực hiện này vẫn rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng người nộp thuế có thể dễ dàng khai khống doanh thu nhằm trốn thuế.
Trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT, để quản lý thuế khu vực này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Cục Thuế Hà Nội... đã gửi thư yêu cầu người bán hàng qua mạng kê khai doanh thu nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Tại Cục Thuế TP Hà Nội, qua công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế và thông tin phản hồi tại phiếu khảo sát gửi về, cơ quan thuế đã nhận được những phản hồi tích cực từ các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều chủ tài khoản vẫn chần chừ chưa cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 14.500 giấy mời đã được cơ quan thuế gửi cho các chủ tài khoản facebook, youtube, zalo… để vận động thực hiện nghĩa vụ thuế. Dù khẳng định quyết tâm chống thất thu thuế trong thương mại được tập trung cao hơn trong năm 2018 nhưng đại diện Cục này cũng thừa nhận, việc định hình rõ hoạt động TMĐT hay mô hình khác như facebook, google, Grab,… còn khó khăn.
Một vấn đề khác là công tác thanh, kiểm tra các hình thức kinh doanh mới này còn khiêm tốn vì các yêu cầu cao như cán bộ, công chức thuế ngoài trình độ nghiệp vụ thuế chuyên sâu còn phải tinh thông tin học, ngoại ngữ, có kiến thức về các giao dịch TMĐT... Trong quá trình thanh tra, phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng có liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán dịch vụ trên hệ thống máy tính, máy chủ của DN. Thậm chí phải có sự hỗ trợ của chuyên gia công nghệ thông tin để phục hồi dữ liệu trong trường hợp DN cố tình xóa thông tin liên quan đến kinh doanh, cung ứng dịch vụ… Tất cả những điều này đang là “khoảng trống” khiến các cá nhân, hộ kinh doanh dễ dàng né thuế.
(còn nữa)