Hiện nay, thuế khoán là khoản thuế trực thu quan trọng trong cơ cấu ngân sách Nhà nước (NSNN) bởi số lượng hộ kinh doanh cá thể ngày càng lớn, nhất là ở các đô thị trọng điểm như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số thu thuế khoán vẫn chưa tương xứng với quy mô của khu vực này và có dấu hiệu thất thu đáng kể.
Thuế khoán khiêm tốn
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã khảo sát tình hình kinh doanh thực tế và đối chiếu với số thu thuế khoán và cơ quan Thuế dán công khai tại trụ sở các Chi cục Thuế trên địa bàn Hà Nội. Qua khảo sát có thể thấy, nhiều khu vực có tình hình kinh doanh tốt, nhiều lợi thế nhưng theo danh sách công khai thuế khoán tại một số Chi cục Thuế lại không thấm vào đâu.
|
Tiểu thương chợ Long Biên phải đóng những khoản thuế khoán khác nhau. Ảnh: Trần Anh |
Điển hình phải kể đến khu vực chợ Long Biên (phường Phúc Xá - quận Ba Đình). Đây là một trong những chợ đầu mối hoa quả lớn nhất, nhì Thủ đô với lượng hàng hóa bán buôn, bán lẻ không hề nhỏ. Tuy nhiên, khảo sát số thuế khoán của hàng trăm hộ kinh doanh khu vực này tại Chi cục Thuế Ba Đình thì số thuế khoán cao nhất là hộ kinh doanh tại đây phải đóng thuộc về chủ hộ Nguyễn Ánh Đào (gian hàng C6 chợ Long Biên) với số tiền 2,205 triệu đồng/tháng, tương ứng với doanh thu khoán 147 triệu đồng/tháng. Một số ít hộ kinh doanh phải đóng thuế khoán hơn 1 triệu đồng/tháng. Còn lại, phần lớn hộ kinh doanh tại đây chỉ phải nộp cho cơ quan thuế từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng (tương ứng với doanh thu khoán tháng chỉ từ 20 - 40 triệu đồng).
Chợ Long Biên có lượng hàng hóa ra vào với tần suất lớn mỗi ngày cho thấy doanh thu của mỗi hộ kinh doanh ở đây là không hề nhỏ. Vậy số thuế khoán "cỏn con" không thấm vào đâu mà cơ quan Thuế đang áp cho phần lớn hộ kinh doanh tại đây liệu có đúng và sát với thực tế là điều đáng để bàn.
"Để hạn chế thất thu thuế ở khu vực hộ kinh doanh, cần tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan thuế cấp trên đối với việc thực hiện quy trình và các phương pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh của các cơ quan thuế cấp dưới; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và xử lý nghiêm các trường hợp “thông đồng” giữa công chức thuế đối với hộ kinh doanh." - PGS.TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính |
Không chỉ riêng trường hợp chợ Long Biên, thực tế cho thấy, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cơ sở kinh doanh, nhất là những quán hàng ăn và phòng khám có doanh thu cực lớn nhưng số thuế khoán đang nộp lại tỷ lệ nghịch. Tương tự, khu vực chợ Thành Công, số thuế khoán cao nhất cũng chỉ ở mức khoảng 5 triệu đồng/hộ kinh doanh.
Có hay không thông đồng “chia thuế”
Theo Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, quy định kê khai thuế khoán dựa trên doanh số hiện nay áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể đang tồn tại nhiều bất hợp lý tạo điều kiện cho hộ kinh doanh gian lận trong kê khai doanh thu, làm giảm số tiền thuế phải nộp. “Hiện tại, rất nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động sầm uất và nhộn nhịp. Tuy nhiên, số thuế mà các hộ phải đóng không lớn do khoán thuế được ghi nhận trên doanh thu. Mà doanh thu lại được hạch toán trên hóa đơn, trong khi người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt và không lấy hóa đơn nên việc kiểm soát doanh thu rất khó khăn. Thực tế này cũng xuất hiện tình trạng bán một mặt hàng nhưng không có hóa đơn và lợi nhuận đó sẽ đi về đâu?” - ông Phong đặt câu hỏi.
Ngoài gian lận về doanh thu bằng việc “lờ” đi việc xuất hóa đơn thì “chia thuế” cũng là nguyên nhân làm giảm đóng góp của hộ kinh doanh vào NSNN. Nhiều ý kiến cho rằng, không có lý do gì mà cán bộ thuế lại không thể nắm được việc hộ kinh doanh không xuất hóa đơn cho khách hàng hay khai khống doanh thu. Câu trả lời cho tình trạng này chỉ có thể là việc có hay không sự thông đồng giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh trong việc giảm nghĩa vụ thuế khi hai bên cùng nhau thỏa thuận mức thuế khoán thấp để “cùng có lợi”.
Ngại minh bạch doanh thu cũng là nguyên nhân khiến thời gian qua, dù cơ quan thuế có nhiều hỗ trợ để hộ cá thể chuyển lên DN nhưng kết quả của chủ trương này vẫn rất khiêm tốn.
Đại diện Công ty Thực phẩm An Việt cho hay, DN ông chỉ chấp nhận làm việc với các đối tác là DN hoặc hợp tác xã vì mức độ tin cậy cao hơn, chuyên nghiệp hơn hộ kinh doanh cá thể. Việc có con dấu, pháp nhân khi thành DN cũng sẽ khiến các hộ kinh doanh chấp nhận “lớn” có nhiều đối tác hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sau khi chuyển đổi, DN sẽ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng hóa cũng dễ được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi trong huy động vốn. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn ngập ngừng vì ngại minh bạch chế độ kế toán” - vị đại diện này nói.
(Còn nữa)