Trong những năm gần đây, tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên Facebook với đối tượng bị nhắm tới là cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đang bùng phát với chiều hướng ngày càng tăng về số lượng và đã trở thành vấn nạn chưa thể giải quyết của mạng xã hội này. Không chỉ người dùng cá nhân, quan chức nhà nước mà ngay cả cách DN cũng bị đối thủ chơi xấu bằng những chiêu trò "bẩn thỉu" qua môi trường mạng.
|
Ảnh minh họa |
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Pepsi Việt Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây DN này từng nhiều lần là nạn nhân của tin giả trên Facebook. Sau mỗi sự cố đến từ những thông tin thất thiệt, không có kiểm chứng như vậy, uy tín cũng như tình hình kinh doanh của DN bị ảnh hưởng rất tiêu cực.
Cụ thể, vào năm 2016, một địa chỉ Facebook từ Tuyên Quang đã đăng tải thông tin không có thật về 15 em học sinh có dấu hiệu ngộ độc sau khi uống sản phẩm Sting của Pepsi. Thậm chí nguồn tin còn đưa hình ảnh nạn nhân nằm trong bệnh viện để giải quyết hậu quả cũng như đám tang được cho là của 2 học sinh tử vong do uống đồ giải khát trên. Tuy nhiên, sau khi phía Pepsi Việt Nam kiểm chứng lại thì đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật, các hình ảnh trong đó đều lấy từ một trang web ở Pakistan. Mặc dù vậy bài viết trên vẫn được lan truyền chóng mặt trên Facebook.
Thậm chí sau khi đọc được thông tin xấu nói trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tuyên Quang đã phải tiến hành kiểm tra tất cả các bệnh viện trong tỉnh và đều nhận được phản hồi là không tiếp nhận hay cấp cứu bất cứ trường hợp nào ngộ độc vì uống nước Sting.
Cũng tại thời điểm đó, Pepsi Việt Nam đã liên tục liên hệ với Facebook qua cả điện thoại và email nhưng phải tới gần 10 ngày sau, qua hàng loạt các quy trình kiểm tra cũng như thủ tục khác đi kèm thông tin sai sự thật trên mới được gỡ bỏ.
Chưa hết, tới giữa năm 2018 vừa qua, một lần nữa nhãn hàng Sting lại trở thành nạn nhân của tin giả. Theo đó, tài khoản Facebook Nguyễn Công Minh đã chia sẻ thông tin về việc người này mỗi ngày uống 3 chai nước Sting trong một thời gian dài và hậu quả là hiện nay anh ta đang bị suy thận nặng. Nguyên nhân được cho rằng là do uống quá nhiều nước Sting. Chỉ trong vòng 6 ngày tin trên được đăng tải trên Facebook đã có 65.114 lượt chia sẻ và 93.600 lượt tiếp cận.
Đến lần này, Pepsi Việt Nam đã nhờ tới sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng như Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cùng liên hệ với Facebook nhằm cung cấp bằng chứng chứng minh thông tin trên là sai sự thật. Tuy nhiên, cũng tương tự như sự cố năm 2016, phải mất tới 1 tuần thông tin này mới được gỡ xuống khỏi Facebook.
Theo đại diện Pepsi Việt Nam, khi gặp phải sự cố tin giả, tin sai sự thật trên Facebook, DN luôn rất vất vả để xử lý bởi mạng xã hội này luôn tìm cách trì hoãn thậm chí đưa ra đủ loại lý do để từ chối. Nếu kẻ xấu bỏ tiền ra để chạy quảng cáo cho những tin dạng này, không chỉ giúp thông tin lan tỏa tới nhiều người dùng hơn mà còn gây khó khăn càng lớn cho DN khi khiếu nại lên Facebook. Thực tế, nếu Facebook mất khoảng 7 ngày, có trường hợp là 3 tháng mới xử lý xong tin giả cho DN thì lúc đó DN đã lãnh đủ hậu quả.
Một trong những cản trở lớn nhất khiến DN gặp khó khăn khi xử lý thông tin sai sự thật trên Facebook là do mạng xã hội này không có Văn phòng đại diện ở VIệt Nam vì vậy không có nơi để khiếu nại. Do đó, Pepsi Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài bắt buộc Facebook phải có văn phòng đại diện hoặc bộ phận giải quyết khiếu nại đặt tại Việt Nam nhằm xử lý phản ánh của DN một cách nhanh chóng.
Không riêng gì Pepsi Việt Nam, nhiều DN trong nước khác như: Heineken, Toyota, Honda, VTVcab, VFF cũng gặp thiệt hại nhất định khi từng là nạn nhân của tin giả, tin sai sự thật trên Facebook. Ngay cả cựu Giám đốc Facebook Việt Nam bà Lê Diệp Kiều Trang cũng từng là nạn nhân của những tin dạng đó trên mạng xã hội này.