Liên quan tới sự việc nữ sinh T.P.T.L (20 tuổi) bị mù mắt sau khi tiêm filler ở spa Đ.A trên đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, Thanh tra Sở Y tế TP HCM phối hợp với phòng y tế quận 3 và công an kiểm tra cơ sở này nhưng chủ cơ sở spa hiện đã bỏ trốn.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói rằng trước khi rời đi, chủ cơ sở này cũng đã thu dọn tất cả dụng cụ ở spa. Cơ sở spa Đ.A không có giấy phép hoạt động, mà hoạt động chui, thường quảng cáo trên facebook. Chủ spa thuê lại tầng 1 của căn nhà 3 tầng trên đường Lê Văn Sỹ để hoạt động và không có biển hiệu.
Nữ sinh tiêm filler bị mù mắt trái. |
Spa Đ.A có 3 người, ngoài người chủ là 1 phụ nữ thì còn 2 nữ nhân viên. Ngày 18/9, sau khi xảy ra sự việc nữ sinh 20 tuổi bị mù mắt khi tiêm filler thì cơ sở này cũng không hoạt động nữa.
“Công an đang truy tìm chủ spa này. Hiện đã có 1 số đầu mối thông tin, công an sẽ vận động để chủ spa ra trình báo sự việc” – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Trước đó, nữ sinh viên L. (20 tuổi, ngụ Bình Dương) đang theo học tại một trường đại học ở TPHCM, đã tới một Spa ở quận 3, TPHCM tiêm chất làm đầy (filler) với giá 600.000.
Sau khi tiêm xong mũi filler, mắt trái của L. không nhìn thấy gì và đau nhức dữ dội nên được nhân viên Spa đưa tới bệnh viện (BV) Trưng Vương cấp cứu.
Qua thăm khám, các BS xác định bệnh nhân L. bị tắc động mạch võng mạc trung tâm. Dù được y bác sĩ bệnh viện Trưng Vương tích cực cứu chứa, nhưng sau 3 ngày, hiện thị lực mắt trái của nữ sinh L. không có dấu hiệu phục hồi. Mắt trái của nữ sinh gần như sẽ mù vĩnh viễn.
Theo các bác sĩ, filler (chất làm đầy) là hợp chất có cấu tạo từ axit hyaluronic, được tiêm vào da để tạo khối mô dày dưới nếp nhăn vùng cần nâng độn, tạo hình cằm, đường cong mũi… mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, việc tiêm chất làm đầy rất dễ dẫn đến một số biến chứng.
Việc tiêm filler nhằm vào mạch máu, tĩnh mạch rất dễ dẫn đến mù mắt do vùng mũi có rất nhiều mạch máu. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện, không được tiêm ở spa hay những nơi không có chứng nhận hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra khi công tác vô trùng không được đảm bảo.
Loại filler dành cho tiêm mũi khác với vùng cằm và các bộ phận khác trên cơ thể. Việc sử dụng filler không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ như đào thải hoặc hoại tử. Filler chỉ an toàn nếu tiêm đúng kỹ thuật, đánh giá đúng tình trạng cơ thể với liều lượng thích hợp.