Chuyển nhượng lòng vòng…
Năm 2006, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Phú Gia triển khai dự án KCN Phú Gia (nay là KCN Phú Tân) có tổng diện tích hơn 133,3 ha.
Với lý do khó khăn về tài chính, ngày 15/2/2007, Công ty TNHH Phú Gia chuyển nhượng KCN này cho Công ty CP XNK Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (IMEXCO) với giá gần 25 triệu USD.
Khu công nghiệp Phú Tân vẫn hoang hóa sau gần hai chục năm được cấp GCN đầu tư...
Ngày 23/5/2011, Công ty IMEXCO chuyển nhượng dự án KCN Phú Tân với giá 450 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kinh doanh Địa ốc Việt (R.E.M.A.X) ở Q.5, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 17/01/2014.R.E.M.A.X tiếp tục chuyển nhượng KCN này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công nghiệp Nam Kim (Công ty Nam Kim) với giá 570 tỷ đồng
Trong khi các KCN khác ở Bình Dương phát triển sôi động thì Phú Tân với 133,3 héc ta sau lần thứ 3 “đổi chủ” về tay Công ty Nam Kim vẫn chỉ có được vài nhà xưởng hoạt động.
“Sáng kiến đổi vận”.
Để “làm mới” hoạt động đầu tư, trong kế hoạch điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, và theo đề nghị của Bộ Kế hạch và Đầu tư tại Công văn 298/BKHĐT-QLKKT ngày 14/01/2016, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 173/TTg-KTN ngày 28/02/2016 đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 cho phép giảm diện tích KCN Phú Tân từ 133 héc ta xuống còn 107 héc ta. Ngày 14/11/2019 Bộ Xây dựng có công văn số 358/BXD-HĐXD khẳng định, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư KCN Phú Tân thuộc quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng. Theo quy định của Luật Đầu tư thì Công ty Nam Kim cần lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ngày 29/11/2019, Bộ Tài Chính có công văn số 14493/BTC-ĐT nêu rõ căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và khoản 4 Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014, dự án thuộc quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, ngày 04/01/2019 UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định 20/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng và phát triển KCN Phú Tân.
Với 26 héc ta dôi dư, lẽ ra phải thực hiện xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại khu công nghiệp, để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 173/TTg-KTN ngày 28/02/2016... Thế nhưng, ngày 30/5/2019 UBND tỉnh Bình Dương lại ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UBND, phê duyệt đề án 1/500 cho Công ty Nam Kim thành lập Khu Đô thi – Dịch vụ Hòa Phú tại phần đất 26 héc ta này, trái với Văn bản số 173/TTg-KTN ngày 28/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, cùng với sự “ra đời” thêm Khu đô thị- dịch vụ Hòa Phú, tình hình ảm đạm nhiều năm tại KCN Phú Tân đang có chiều hướng… đổi vận (?). Dù cả hai dự án này của Công ty Nam Kim là chưa phù hợp pháp lý để đi vào hoạt động.
...OCB đã "hào phóng" định giá KCN Phú Tân để cho chủ đầu tư thế chấp vay 1.085,8 tỷ đồng!
Tín dụng rủi ro?
Ngày 8/10/2019, Công ty Nam Kim do bà Nguyễn Thị Nhung làm Tổng giám đốc đã ký Hợp đồng 0058/2019/BĐ với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh thế chấp tài sản là 775.580,8 m2 đất khu công nghiệp của KCN Phú Tân trong tổng số 1.165.121,6 m2 (778.180,8 m2 nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, và 386.940,8 m2 nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất).
Giá trị tài sản thế chấp do Công ty Nam Kim và OCB thỏa thuận để bảo lãnh khoản vay 1.085,8 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng Giám đốc, với thời hạn vay đến tháng 10/2024. Điều đáng chú ý là Công ty Nam Kim thế chấp dự án KCN Phú Tân để cho Công ty Thuận Lợi vay chứ không phải để đầu tư dự án.
Như vậy, từ giá nhận chuyển nhượng chỉ 570 tỷ đồng, sau gần 6 năm tài sản này được OCB thỏa thuận định giá cho khoản vay hơn 1.085,8 tỷ đồng. Trong khi, việc kinh doanh của KCN này chưa có gì khởi sắc khi đến nay chỉ có 2 nhà máy đang hoạt động là Công ty TNHH Ka Shen và Công ty TNHH Sunjin Vina. Vậy lý do nào khiến OCB định giá trị KCN này cao như vậy?
Ngoài ra, cũng cần nhắc lại rằng, và việc bảo lãnh của bên thứ 3 là Công ty Nam Kim chưa có đủ tư cách chủ đầu tư, và chưa đánh giá được chính xác là chủ sở hữu đầy đủ tài sản thế chấp khi KCN chưa phù hợp pháp lý để đi vào hoạt động?
Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về việc thỏa thuận giá tài sản thế chấp trong quan hệ tín dụng này… Khi bất động sản được đem thế chấp vay vốn ngân hàng nhưng giao dịch chuyển nhượng bất động sản trước đó vô hiệu; đồng thời nếu việc thẩm định giá tài sản không được thực hiện một cách chính xác, sai quy chuẩn (định giá cao hơn giá trị thật, định giá nhầm tài sản…), thì nguy cơ gây ra thiệt hại là không tránh khỏi.
Theo khoản 15 Điều 4 của Luật Giá năm 2012, thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Quy trình thẩm định giá tài sản được quy định rõ tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 30 của Luật Giá năm 2012. Theo đó, cơ sở thẩm định giá tài sản là giá trị thị trường. Việc xác định giá tài sản căn cứ vào địa điểm và thời điểm ký hợp đồng thế chấp. |