Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Nhật Thiên Kim (địa chỉ: số 15 đường 40, phường Bình An, quận 2, TP Hồ Chí Minh) có đơn gửi VPCP phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến quá trình thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính về việc nhập khẩu hàng hóa của Công ty.
Như Tieudung.vn đã phản ánh, Công ty TNHH Một thành viên Nhật Thiên Kim đã phải “đóng cửa” oan vì hành vi ngoài công vụ của Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính. Bởi, theo Quyết định số 158/QĐ-TTr ngày 31/10/2018 của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Đoàn Thanh BTC chỉ được phép thanh kiểm tra với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc.
Công văn Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính giải quyết. |
Theo Quyết định số 158/QĐ-TTr, Đoàn thanh tra BTC có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra thực thi công vụ đối với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong đó có đơn vị trực thuộc là Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 4 (Hải quan KV4). Như vậy, có thể gói gọn chức năng và nhiệm vụ chính của Đoàn Thanh tra BTC chỉ dừng lại ở các buổi thanh kiểm tra tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và các Chi cục Hải quan trực thuộc và không mở rộng thêm các đối tượng khác.
Thế nhưng, Công ty TNHH Nhật Thiên Kim lại “bất đắc dĩ” bị lôi vào đợt thanh tra thực thi công vụ này, lấy lý do là đơn vị hỗ trợ và giúp sức. Và sau đó, Nhật Thiên Kim đã “ngã ngửa” khi biết công ty mới là “đối tượng chính” của Đoàn thanh tra BTC. Điều này thể hiện tại buổi làm việc ba bên (ngày ngày 17/12/2018) giữa Đoàn Thanh tra BTC, Chi cục Hải quan KV 4 và Công ty Nhật Thiên Kim.
Cụ thể, Đoàn Thanh tra BTC gồm: Các ông Trần Văn Trọng (Tổ trưởng), Vũ Hồng Vĩ (Thành viên), Vũ Hà Chung (Thành viên) và bà Trịnh Phương Thu (Thành viên). Chi cục Hải quan KV4 chỉ có ông Vũ Hồng Sơn (Tư cách Quản lý Nhà nước về Hải quan và là người quan sát). Công ty Nhật Thiên Kim có sự tham gia của ông Mã Chí Hiếu (Người được ủy quyền).
Trong biên bản làm việc, Đoàn Thanh tra BTC đã “soi lại” việc Công ty Nhật Thiên Kim có mở 9 tờ khai hải quan nhập khẩu các mặt hàng cáp điều khiển hiệu Sang Jin có xuất xứ Trung Quốc (C/O form E do Trung Quốc cấp). Các loại sản phẩm gồm: Cáp tín hiệu điều khiển bọc lưới chống nhiễu; Cáp điều khiển không lưới chống nhiễu; Cáp điều khiển dẹp (gồm nhiều kích cỡ khác nhau); Điện áp sử dụng từ 300-500v, tổng giá trị khai báo 7.530.645.248 đồng. Trong đó có mã HS là 8544.49.49 được xếp vào danh mục “loại khác” (thuế suất NK ACFTA là 0%, thuế suất GTGT 10%).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn Thanh tra BTC thì sản phẩm nhập khẩu của Công ty Nhật Thiên Kim phù hợp với phân loại vào mã số 8549.49.41 - Cáp bọc cách điện bằng “plastic” thuộc “loại không dùng cho viễn thông, điện áp trên 80V nhưng không quá 1000V” thuộc phân nhóm 8544.40 “dây dẫn điện khác, dùng cho điện áp không quá 1000V” của nhóm 8544 “dây, cáp điện (kể cả cáp đồng trục) cách điện (kể cả loại tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và dây dẫn cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi, có hoặc không gắn với dây dẫn điện hoặc gắn với đầu nối” (thuế suất NK ACFTA là 10%, thuế suất GTGT là 10%)…
Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim đang mô tả về mã sản phẩm dây cáp điện. |
Ngay sau đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Hải quan KV4 có ý kiến không đồng tình với cách phân loại sản phẩm (thuế suất NK ACFTA là 0%, thuế suất GTGT 10%) sang sản phẩm (thuế suất NK ACFTA là 10%, thuế suất GTGT là 10%). Nhưng Đoàn Thanh tra BTC vẫn bảo lưu quan điểm và ra kết luận thanh tra.
Vì thế, Hải quan KV4 bị rơi vào thế “khó xử” nên sau đó ba tháng đã căn cứ vào Công văn 8199 TCHQ-TXNK ngày 30/12/2013 của Tổng Cục Hải quan làm căn cứ ấn định truy thu thuế đối với Nhật Thiên Kim. Lạ một điều là Công văn 8199 chỉ dùng để trả lời Công văn số 1403/HQCB-KTSTQ của Cục Hải quan Cao Bằng. Vậy mà, Hải quan KV4 lại lấy Công văn này áp dụng chung cho doanh nghiệp khác. Hành động trên được xem là trái luật, vì Hải quan KV4 đã lấy Công văn thay có các văn bản có giá trị pháp quy là Thông tư và Nghị định… để làm căn cứ ấn định truy thu thuế.
Ông Phan Văn Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim đã không đồng ý với cách “áp đặt” mã sản phẩm của Đoàn Thanh tra BTC vì có nhiều điều vô lý. Nhất là việc Đoàn Thanh tra BTC đưa một mã sản phẩm thuộc “phân nhóm 8544.40” không có trong biểu thuế xuất nhập khẩu của Tổng Cục Hải quan. Nói cách khác, Đoàn Thanh tra BTC đã đưa ra một mã sản phẩm “ma” để thay cho sản phẩm mã 8544.49.49 của Nhật Thiên Kim đã nhập khẩu, khai báo và được thông quan trước đó.
Ngoài ra, ông Hùng bức xúc thêm: “Công ty lúc đầu làm việc với Đoàn Thanh tra BTC là để hỗ trợ, nhưng sau đó Nhật Thiên Kim có vẻ đã trở thành đối tượng chính bị thanh tra, rồi bị dọa là sẽ ấn định truy thu thuế và phải “đóng cửa” không hoạt động cho đến nay, gây thiệt hại lớn về kinh tế và mất nhiều khách hàng. Vì thế, Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ đúng sai hành vi công vụ của Đoàn Thanh tra BTC, đồng thời điều tra xem các công chức liên quan có dấu hiệu nhũng nhiễu doanh nghiệp hay không”.
Quyết định số 158/QĐ-TTr của Bộ Tài chính là khởi nguồn cho việc “đóng cửa” hoạt động của Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim. Trong khi các hành động của Chính phủ đều khuyến khích khởi nghiệp, hướng đến lợi ích của khu vực kinh tế tư nhân thì Đoàn Thanh tra BTC lại thực thi công vụ không rõ ràng, thiếu minh bạch, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Vì thế, Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị chủ quản, cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm, đúng sai và không thể làm ngơ với vụ việc kéo dài suốt 6 tháng nay. Như vậy, Nhật Thiên Kim mới có thể hoạt động trở lại.
Tieudung.vn tiếp tục thông tin vụ việc này.