Tỷ lệ sở hữu nhà ở tại Đức đang ở nhóm thấp nhất trong các nước phát triển và gần như chạm đáy tại châu Âu, chỉ sau Thụy Sĩ. Theo thống kê năm 2013, chỉ 43% người dân Đức sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, con số này không gắn liền với chỉ số về sức khỏe nền kinh tế.
Cụ thể, tại Tây Ban Nha, khoảng 80% dân số sở hữu nhà riêng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này là 27% và nó là hậu quả của bong bóng bất động sản khổng lồ. Ngược lại, ở Đức, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5,2% và quốc gia này vẫn là đầu tàu kinh tế của châu Âu. Lý do người Đức không muốn sở hữu nhà bắt nguồn từ gần một thế kỷ trước.
Chiến tranh
Sau khi Đức đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh, 20% nhà ở của quốc gia này chỉ còn là đống gạch vụn. 2,25 triệu ngôi nhà biến mất trong khi 2 triệu căn hộ khác bị hư hỏng. Năm 1946, Đức thiếu 5,5 triệu ngôi nhà. Nó trở thành gánh nặng lớn cho Tây Đức trong nỗ lực tái thiết quốc gia.
Sau Thế chiến II, người Đức lâm vào cảnh thiếu nhà ở nghiêm trọng. Ảnh: Getty |
Không chỉ có nhà ở, nền kinh tế của Đức cũng bị phá hủy hoàn toàn. Ngân khố gần như bằng không trong khi tiền tệ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tình hình chính trị thời hậu chiến cũng rất căng thẳng. Chính quyền mới phải đương đầu với nguy cơ tái cực đoan trong dân chúng, thậm chí những đe dọa với sự hồi sinh của chủ nghĩa Phát xít. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp là rất cao.
Để giải quyết tình trạng này, một chương trình xây dựng nhà ở của chính phủ được đưa ra với mong muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm đồng thời giải quyết những căng thẳng về khủng hoảng nhà đất. Chính sách mới ở Tây Đức được ra đời nhằm giúp càng nhiều người dân có nhà ở càng tốt. Đó là điều kiện để những ngôi nhà cho thuê ra đời.
Sau khi Tây Đức được thành lập năm 1949, chính phủ thông qua luật nhà ở đầu tiên, quy định tiện nghi, kích thước và giá thuê để phù hợp với đại đa số người dân. Chính sách phát huy hiệu quả, tạo ra sự bùng nổ trong ngành xây dựng và kéo theo sự phục hồi kinh tế. Chính phủ còn đưa ra nhiều khoản hỗ trợ trực tiếp cho người dân, các tổ chức phi lợi nhuận và tư nhân.
Năm 1956, tỷ lệ thiếu hụt nhà ở tại Tây Đức giảm xuống còn một nửa. Năm 1962, chỉ còn khoảng 658.000 căn nhà cần xây mới. Phần lớn những đơn vị nhà đều là nhà cho thuê vì rất ít người có nhu cầu sở hữu vì kinh tế hạn hẹp. Trong khi đó, ngân hàng và các hoạt động thế chấp ở Đức hoạt động kém hiệu quả, khiến việc sở hữu một căn hộ càng trở nên khó khăn.
Vì sao người Đức vẫn thích thuê nhà?
Đức không phải quốc gia duy nhất lâm vào tình trạng khủng hoảng nhà ở sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nước Anh cũng gặp phải vấn đề tương tự và chính phủ Anh cũng phải chi tiêu nhiều cho việc thúc đẩy thị trường nhà ở. Tuy nhiên, ở Anh, người ta không quá mặn mà với việc thuê nhà. Tỷ lệ sở hữu nhà ở tại Vương quốc Anh là 66%, quá cao so với nước Đức.
Nhà cho thuê đang được xây mới ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: Getty |
Nhìn vào thực tế, câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao người Đức thích thuê nhà khá đơn giản". Nhà thuê ở Đức là những ngôi nhà rất đẹp. Theo các nhà kinh tế, chính sách nhà ở của Đức có sự cân bằng giữa sự tham gia của chính phủ và đầu tư tư nhân tốt hơn so nhiều nước khác. Ví dụ ở Anh, chính phủ trợ cấp xây nhà ở sau chiến tranh nhưng chỉ có các tổ chức trong khu vực công, chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận đủ điều kiện tham gia. Tư nhân hoàn toàn không thể chen chân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở Đức, vai trò của tư nhân được đề cao, song hành cùng các tổ chức nhà nước.
Tại Anh, nhiều chính sách chưa hợp lý được áp dụng với nhà ở công cộng. Nó gây ra hạn chế về kích thước, thiếu sót về chất lượng của các công trình này. Trải qua thời gian, nhà kiểu này trở thành nơi ở cho những người nghèo, gây ra sự kỳ thị trong xã hội. Ở Đức, nhà ở công được chăm lo, đảm bảo chất lượng và nỗ lực hạ giá thành. Đẹp và rẻ chính là chìa khóa cho việc người dân Đức thích đi thuê.
Ngoài ra, chính phủ Đức không khuyến khích người dân mua nhà. Người mua nhà ở Đức không được hưởng những ưu đãi về lãi suất trong việc thanh toán thế chấp. Bên cạnh đó, giá bất động sản ở Đức tương đối ì ạch. Tính toán những chi phí, ở trong những ngôi nhà đi thuê trở nên đơn giản, hiệu quả kinh tế và tiện lợi hơn nhiều so với việc mua nhà. Bên cạnh đó, các ngân hàng của Đức cũng tỏ ra không mặn mà, sợ rủi ro với các khoản thế chấp nhà đất.
Dù không sở hữu nhà ở nhưng 93% số người Đức được hỏi tỏ ra hài lòng với những ngôi nhà không chính chủ. Đây là tỷ lệ hài lòng cao nhất trong số những nước giàu. Thống kê này một lần nữa cho thấy việc sở hữu nhà không đồng nghĩa với việc hài lòng khi ở trong những ngôi nhà mình sở hữu.