Thị trường căn hộ chung cư những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cùng với xu hướng lựa chọn cuộc sống trong các khu chung cư hiện đại đã khiến loại hình này trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển sôi động, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, người tiêu dùng cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý tiềm ẩn, đặc biệt khi ký kết các hợp đồng mua bán căn hộ theo mẫu do chủ đầu tư đơn phương soạn thảo.
Để siết chặt quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 – thay thế Luật năm 2010 – đã chính thức đưa ra quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Căn cứ Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nằm trong danh mục bắt buộc đăng ký tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (trực thuộc Bộ Công Thương) hoặc Sở Công Thương địa phương. Đối với các hợp đồng đã được sử dụng trước ngày 1/7/2024 – thời điểm Luật có hiệu lực – doanh nghiệp phải hoàn thành việc đăng ký hoặc đăng ký lại trước ngày 31/12/2024, nếu không sẽ không được phép tiếp tục sử dụng mẫu hợp đồng đó để giao kết.
Trong khi đó, đối với các hợp đồng sử dụng sau ngày Luật có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ được ký kết, nhận cọc, ký quỹ hay thanh toán khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký. Từ tháng 7/2024 đến hết tháng 3/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 211 hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, chỉ có 60 hồ sơ – tương đương 28,4% – được phê duyệt. Phần lớn còn lại, chiếm tới 61,6%, bị yêu cầu sửa đổi do chứa các điều khoản vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý, 100% trong số này đều có nội dung sai lệch so với mẫu hợp đồng Nhà nước ban hành, trong đó phổ biến là các điều khoản mang tính chất loại trừ trách nhiệm của bên bán, hạn chế quyền chấm dứt hợp đồng của bên mua, hoặc không tuân thủ các quy định chuyên ngành về thanh toán, bảo trì, bảo hành, diện tích sở hữu chung – riêng.
Thống kê cho thấy có tới 14% hồ sơ bị phát hiện có trên 100 điều khoản cần sửa đổi, cho thấy mức độ vi phạm không hề nhỏ.
Trước thực trạng này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua bán căn hộ chung cư như:
Kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu:
Người tiêu dùng cần xác minh doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hoặc đăng ký lại hợp đồng theo mẫu tại cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc này có thể thực hiện bằng cách tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trước tiên, kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký. Theo đó, cần kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký của doanh nghiệp tại các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng cách truy cập vào trang thông tin điện tử hoặc liên hệ trực tiếp.
Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký kết:
Trước khi ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, người dân nên đọc kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản liên quan đến: thời hạn bàn giao, nghĩa vụ thanh toán, bảo hành, quyền và nghĩa vụ khi xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp không rõ hoặc chưa hiểu đầy đủ, người mua có thể yêu cầu bên bán giải thích hoặc tham khảo ý kiến tư vấn từ luật sư.
Tìm hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng:
Người tiêu dùng nên nắm rõ các quyền lợi hợp pháp của mình, bao gồm: quyền yêu cầu bảo hành, quyền yêu cầu hoàn tiền, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.
Đồng thời, người mua cũng cần lưu ý các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng để tránh các vi phạm đáng tiếc, chẳng hạn như thời hạn thanh toán theo tiến độ, nghĩa vụ thông báo khi phát hiện lỗi cần bảo hành và các chế tài khi vi phạm cam kết.