Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Cục trưởng Cục Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, trong năm 2016, cả 2 thành phố Hà Nội và TP HCM có khoảng 27.565 giao dịch thành công, chỉ bằng 80% của cùng kỳ năm trước. Vị này cũng chỉ ra thị trường trong năm 2016 cũng còn tồn tại một số thách thức và xuất hiện một số nguy cơ:
Lệch pha cung cầu
Trong năm 2016, thị trường ghi nhận phân khúc bất động sản cao cấp khi có sự tăng cung mạnh mẽ. Số lượng dự án cao cấp, hạng sang và dòng sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng đã vượt quá nhu cầu hiện tại. Ngược lại, ông Hà cho rằng thị trường vẫn thiếu nhà cho người thu nhập thấp.
"Trong khi các chủ đầu tư quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp thì 70% nhu cầu của thị trường lại tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình trở xuống. Phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu đồng mỗi m2 đang khá hiếm trên thị trường. Biên độ lợi nhuận không cao là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với các dự án nhà bình dân", vị này nhận định.
Thị trường bất động sản 2016 có sự lệch pha lớn về cung - cầu khi thừa nguồn cung cao cấp, trong khi đó lại thiếu nhà giá rẻ. Ảnh: Ngọc Tuyên |
Lãnh đạo VNREA cũng cho rằng, do cung cầu thiếu cân đối nên thị trường ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của giới đầu cơ, đầu tư thứ cấp. Nếu năm 2015, xu hướng đầu tư dài hạn để cho thuê chiếm đa số thì hiện tại, phần lớn nhà đầu tư mua đi bán lại để kiếm lời, nhất là trong thời điểm phân khúc bất động sản cao cấp nở rộ.
"Theo số liệu chúng tôi khảo sát được, có đến 50% hoặc thậm chí nhiều hơn khoảng 70-80% là tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp. Nguồn cung thứ cấp bung ra ồ ạt, nguồn cung sơ cấp liên tục tăng là nguyên nhân khiến bất động sản dễ rơi vào thực trạng thừa cung", ông Hà nhận định.
Cơ cấu tín dụng mất cân đối
Hiện tín dụng trong bất động sản của toàn hệ thống chiếm khoảng 10%, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế (khoảng 12%). Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản cho rằng cần quan tâm khi tỷ lệ này đang tiệm cận đến giới hạn. Bên cạnh đó, theo ông, cơ cấu dư nợ mặc dù ở ngưỡng hợp lý, song trong năm 2016 đã xuất hiện các nguy cơ mới.
"Dư nợ tín dụng vào bất động sản đang tập trung quá nhiều vào phân khúc cao cấp, bỏ ngỏ phân khúc nhà ở xã hội, nhà thương mại phân khúc trung bình và thấp. Mặt khác do sự phân hóa của thị trường, dư nợ tín dụng cũng tập trung vào một số chủ đầu tư. Điều này có tác dụng thanh lọc tốt cho thị trường song cũng tạo ra các rủi ro tiềm ẩn cho thị trường bất động sản và cho cả hệ thống ngân hàng", ông Hà cảnh báo.
Chuyên gia này phân tích, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án phải có 15%, 20% vốn chủ sở hữu. Như vậy, có tới 80%, 85% vốn đầu tư dự án của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 2 nguồn là vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong đó, nguồn vốn đầu tiên để thực hiện dự án là tín dụng ngân hàng. Trước bối cảnh cho vay bất động sản còn nhiều rủi ro, nhất là khi nợ xấu có xu hướng tăng, để quyết định cho vay, các ngân hàng cần thẩm định kỹ càng các dự án, chủ đầu tư đáp ứng tiêu chí an toàn.
Dữ liệu thị trường thiếu và yếu
Là một trong những điểm yếu từ nhiều năm nay, ông Hà cho rằng, đến này vấn đề thông tin và dữ liệu thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn chưa được khắc phục. Các dữ liệu đó còn chưa có tính hệ thống, chưa kịp thời, chưa đầy đủ, phân tán nhỏ lẻ. Điều này tạo nhiều tiềm ẩn rủi ro cho chính cơ quan quản lý Nhà nước và chính các nhà đầu tư bất động sản.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, một số vấn đề tồn tại khác là các thách thức đối với sự phát triển của bất động sản như tính minh bạch của thị trường, sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà phân phối và nhà quản lý, vận hành.