Thế nhưng, việc Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản đã khiến dư luận xôn xao về một cuộc “giải cứu” lớn cho thị trường.
Khách hàng tham khảo một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Không kỳ vọng sao được khi người đại diện Bộ Xây dựng không ngần ngại thông tin cho báo giới rằng, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng đồng ý đưa vào nghị quyết sắp tới cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và khẳng định gói tín dụng này được triển khai sẽ cứu được cả thị trường. Bộ này cũng đã phân định rõ 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay còn 55.000 tỷ đồng cho người dân vay. Và chắc hẳn, lãi suất hằng năm của gói này có thể sẽ ở mức 4,8 - 5% giống như các gói cho vay mua nhà ở xã hội mà Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đang làm.
Rõ ràng, lập luận của niềm tin này là có cơ sở bởi cách đây khoảng 10 năm (2013 - 2016), khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội được tung ra, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp nhờ đó đã có thể mua được nhà ở, đặc biệt tại các TP lớn. Do đó, sức nóng của phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã lan tỏa và giúp thị trường chung hồi phục trở lại.
Thế nhưng có một thực tế hiện nay, dù rất thiếu nhà ở phân khúc dành cho người thu nhập thấp song vẫn có không ít có những dự án nhà ở xã hội ế hàng, có dự án phải mở bán trên 20 đợt. Bên cạnh đó, dù thị trường bất động sản ảm đạm nhưng phân khúc căn hộ giá trung bình khá (chung cư đã đi vào sử dụng) hiện nay tại khu vực nội đô lại luôn tăng giá, giao dịch đang có phần lệch vào bên cầu.
Vậy nên, nhu cầu về nhà ở hiện nay đã khác so với cách đây 10 năm. Không phải cứ thiếu là cần, cần nhưng cần như thế nào mới là điều đáng phải lưu tâm. Chắc chắn, đó phải là khu đô thị được đầu tư bài bản cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là xây một cái tòa nhà để ở.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 110.000 tỷ đồng được chấp thuận, nếu không sử dụng chuẩn thì cũng không mong "cứu được cả thị trường" bất động sản như trước kia, nhất là khi nền kinh tế vừa phải lãnh đủ hậu quả của hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, nội lực của DN lẫn người dân trải qua đại dịch này khác hẳn so với 10 năm trước.
Nói như vậy để chúng ta không quá kỳ vọng vào gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, mà DN phải chủ động “cứu mình” đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra. Bởi ngay cả gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cũng đều hướng tới các đối tượng là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% (lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ), xét ở thời điểm hiện tại, gói tín dụng này lãi suất cũng là trên dưới 10% - đây không phải là mức lãi suất dễ “nhằn”.
Vậy vấn đề ở đây là gì: Thị trường bất động sản rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong tình cảnh hiện nay nhưng chúng ta đừng quá kỳ vọng vào đòn bẩy tài chính ấy. Mỗi DN vẫn phải tìm hướng đi phù hợp để “cứu mình” trước khi “trời cứu”. Đó mới cách "cứu" vững bền của thị trường.