Mới đây Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, trả lời các vấn đề về kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - TP.HCM với dự toán 230.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT khẳng định việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông là để hình thành một tuyến vận tải đường bộ mới với năng lực phục vụ cao góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng và vận tải theo trục dọc đất nước. Bộ Tài chính đánh giá, việc nghiên cứu đầu tư là phù hợp với các chủ trương, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước nhưng do yêu cầu về nguồn lực để đầu tư tuyến cao tốc này khá lớn nên sẽ có tác động rất lớn đến tổng thể cân đối tài chính ngân sách quốc gia trong giai đoạn tới. Bộ cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu cẩn trọng và làm rõ.
Anh rminh họa. |
Cụ thể, Bộ Tài chính đánh giá, nhu cầu vốn đề xuất của Đề án khoảng 230.000 tỷ đồng (trong đó vốn NSNN khoảng 93.000 tỷ đồng chiếm 40,7% và tương đương 2% GDP) trong giai đoạn 2017-2020 là rất lớn so kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN (2015).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7089/VPCP-KTTH ngày 25.8.2016, kể từ năm 2017 sẽ tạm ngừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Đồng thời khung dự kiến tài chính - ngân sách đã được xây dựng với các yếu tố đã rất sát mức trần (như tỷ lệ nợ công, khả năng thu, cân đối chi, mức bội chi...) nên việc huy động thêm các nguồn lực (huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), ODA, vay ưu đãi) là không khả thi. Trường hợp thực hiện phải cơ cấu lại các nhiệm vụ chi trong tổng dự kiến.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Quốc hội kế hoạch phát hành TPCP giai đoạn 2016-2020 với tổng khối lượng dự kiến phát hành là 260.000 tỉ đồng (bao gồm 60.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2014-2016). Trường hợp Đề án sử dụng nguồn vốn TPCP để hỗ trợ đầu tư cho các dự án, khoản hỗ trợ này phải nằm trong hạn mức dự kiến 260.000 tỉ đồng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ giai đoạn 2016-2020.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sắp xếp các thứ tự ưu tiên, cân đối vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT trong phạm vi tổng cân đối chung đã dự kiến, trình Quốc hội thông qua theo quy định (bao gồm cả điều chỉnh các ưu tiên chi đầu tư của Bộ GTVT cũng như các nhiệm vụ chi đầu tư chung khác).
Trường hợp không cân đối được nguồn vốn NSNN như dự kiến trong đề án thì Bộ Tài chính cho rằng, phải nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện đề án này.
Ngoài việc lắc đầu với đề án của Bộ GTVT, Bộ Tài chính còn chỉ ra các vấn đề liên quan tới việc huy động nguồn vốn vay khi mà khả năng các ngân hàng thương mại trong nước tiếp tục rót tiền cho các dự án BOT ngành giao thông không còn nhiều.
Đề xuất gia tăng hạn mức tín dụng cũng như hình thành gói tín dụng riêng cho dự án này của Bộ GTVT cũng được cho là "không phù hợp" với Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước.
Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một loạt những bất cập, không hợp lý trong các đề xuất của Bộ GTVT như: cơ chế đặc thù trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; các chính sách về giá sử dụng cao tốc, chính sách giải phóng mặt bằng...
|