Theo đó, báo cáo tổng kết thị trường năm 2019 của HoREA cho thấy, toàn TP Hồ Chí Minh chỉ một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án (tức giảm 92%) so với năm 2018. Số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư còn 4, tức giảm 85%. Số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư là 16, giảm 80% so với 2018.
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang "chết dần chết mòn" vì bế tắc trong thủ tục pháp lý. |
Xét về nguồn cung, TP có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14,1% so với năm 2018. Lượng căn hộ cao cấp chào bán đạt 15.758 căn, chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 67,1% tổng nguồn cung, khiến lệch pha cung cầu mạnh nhất trong nửa thập niên qua. Số dự án nhà ở tập trung nhiều nhất tại quận 9 với 9 dự án, quận 7 có 8 dự án, quận 2 ghi nhận 6 dự án, huyện Bình Chánh 4 dự án. Năm qua không có dự án nhà ở xã hội mới nào được triển khai.
Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất của TP cũng sụt so với năm 2018-2017 do thị trường gặp khó khăn. Thu từ tiền sử dụng đất 2019 chỉ đạt 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2018 và giảm 18,2% so với năm 2017. Năm 2019, số nợ tiền sử dụng đất là 974 tỷ đồng tăng 33,4% so với năm 2018.
Từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, TP có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, thành phố còn có 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp phải thanh tra, điều tra. Tình hình này khiến cho các dự án tiếp tục bị chậm thủ tục pháp lý trong năm 2019 và rủi ro pháp lý này đang đè nặng thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở chưa được UBND TP ban hành quyết định thu tiền sử dụng đất, do vướng mắc về cách tính với các thửa đất công xen kẹt trong dự án và cả các phương pháp xác định giá đất. Vì vậy các chủ đầu tư không thể nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân dự án không hội đủ điều kiện để được huy động vốn từ khách hàng, làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhất là chi phí tài chính và làm tăng giá bán nhà, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
HoREA đánh giá, năm 2019, các doanh nghiệp xây dựng bị giảm trên dưới 50% hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt mạnh doanh thu và lợi nhuận. Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư cũng giảm doanh thu bán hàng. Tương tự với các doanh nghiệp địa ốc, một số còn thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Các ngân hàng thương mại gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ xấu liên quan đến bất động sản.
Điểm sáng duy nhất của thị trường là khả năng hấp thụ hàng hóa vẫn duy trì ở mức khá cao trong 12 tháng qua. Song do tổng nguồn cung lao dốc mạnh nhất nửa thập niên nên tổng thanh khoản toàn thị trường cũng thấp tương ứng.
Mặt khác, sự hạn chế nguồn cung đã đẩy giá nhà tại TP tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, thấp ở đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp ngày càng khó có nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, khoảng 6 tháng gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí đã có nhiều doanh nghiệp phá sản. Cụ thể, năm 2019, có tổng cộng đến 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động (tăng 36,8% so với năm 2018), 686 doanh nghiệp giải thể (tăng 39,4% so với năm 2018). Bất động sản cũng là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít nhất trong năm 2019.
“Tất cả vướng mắc trên đang khiến cho thị trường bất động sản ách tắc, dự án nằm im, doanh nghiệp lâm vào khó khăn”, ông Châu nói.