Không chỉ trong tháng 8, từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp mới thành lập trong ngành bất động sản luôn dẫn đầu, thậm chí ghi nhận những doanh nghiệp ngoài ngành đang đổ vốn lớn vào bất động sản.
Tuy vậy, theo các chuyên gia phân tích, việc đổ vốn lớn vào bất động sản nhưng thành quả thu được không hề dễ dàng
Nhiều tay chơi mới, hút vốn "khủng"
Số liệu được đưa ra trong báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.Theo đó, lĩnh vực bất động sản giữ vị trí số 1 về số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2017 với 3.156 doanh nghiệp đăng ký, tăng 65,8% so với cùng kỳ năm 2016. Xếp theo sau là Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đăng ký 966 doanh nghiệp, tăng 33,4%; Giáo dục và đào tạo đăng ký 2.242 doanh nghiệp, tăng 30,0%...
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tới có 2.279 doanh nghiệp, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn mà các doanh nghiệp mới ra đời đăng ký đầu tư ở lĩnh vực bất động sản cũng tăng tới 42,2%. Tính ra trung bình có 76 doanh nghiệp mới ra đời trong lĩnh vực này mỗi ngày. Bên cạnh đó, lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở lĩnh vực này cũng tăng 8,4% (có 257 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2016.
Theo một nguồn khác, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cũng cho biết, lũy kế đến 20.6.2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đã thu hút được 618 dự án, với tổng vốn 50,99 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, sau công nghiệp chế biến chế tạo.
Như vậy có thể khẳng định, bất động sản vẫn đang là lĩnh vực kinh doanh có sức hút lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Và số vốn đổ vào bất động sản ngày một tăng. Tuy nhiên, như vậy có đồng nghĩa với việc dễ kiếm lời từ bất động sản?
Không dễ ăn như nhiều người tưởng!
Cchuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản vẫn là loại hàng hóa luôn có nhu cầu. Chưa kể, thị trường bất động sản biến động thường xuyên, thành ra có nhiều người thấy sự phát triển, tiềm năng nên họ nhảy vào tranh mua bán.
“Bất động sản là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, vì vậy nhiều doanh nghiệp chưa đủ vốn tự có để trang trải chi phí đã nhảy vào thị trường và thực hiện một số giao dịch. Những trường hợp này họ cố gắng bán được bất động sản bằng bất cứ giá nào nên mới có chuyện lừa đảo, thông tin thiếu minh bạch. Sau khi kiếm lời được, họ rút khỏi thị trường và để lại những hậu quả rất nghiêm trọng”- ông Hiếu nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất lành - cũng cho rằng, không ít chủ đầu tư thất bại chỉ vì "lâm trận" quá nhanh mà chưa có sự nghiên cứu rõ về thị trường. Do đó, các nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này nên có những bước đi thận trọng, tìm kiếm đối tác tốt và làm từ dự án quy mô nhỏ. Nếu ngay từ đầu đã ôm tham vọng lớn, làm dự án hoành tráng ngay, trong khi tiềm lực tài chính không có sẽ phải chịu sức ép đi vay, dễ dẫn tới sa lầy do không đảm bảo dòng tiền cho hoạt động chính cũng như khó rút chân khỏi bất động sản.