Thứ 6, 22/11/2024, 06:30 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Ví điện tử Payasian: Dùng tiền thật mua tiền ảo, cẩn thận rủi ro!

Ví điện tử Payasian: Dùng tiền thật mua tiền ảo, cẩn thận rủi ro!
(Tieudung.vn) - Được quảng cáo với nhiều tính năng ưu việt, có khả năng sử dụng đồng thời tất cả loại tiền tệ quốc gia trong thanh toán. Tuy nhiên, Payasian sẽ là rủi ro hay là cuộc cách mạng trong thanh toán tiền điện tử vẫn là mối quan ngại của nhiều người khi lựa chọn giao dịch đồng tiền này.

Quảng cáo hấp dẫn

Ngày 30/4, tại TP Hồ Chí Minh Payasian - ví điện tử có khả năng sử dụng tất cả các tiền tệ quốc gia trong thanh toán và có khả năng kết nối không dây, tìm kiếm đại lý trên toàn cầu đã chính thức ra mắt Việt Nam.

Theo đó, ứng dụng Payasian được giới thiệu gồm các chức năng: E-Wallet (ví điện tử thanh toán châu Á) chấp nhận các đồng tiền khác nhau và cả tiền điện tử; Exchange (trung tâm trao đổi tiền tệ); Payment (thanh toán Mobile - Internet); Social (Mạng ). Thêm nữa, Payasian còn có khả năng kết nối không dây, tìm kiếm đại lý trên toàn cầu như những gì mà Uber, Grab,… đã và đang thực hiện thành công.

Mô tả ảnh

Ứng dụng Payasian - Ví điện tử thanh toán Châu Á, được chấp nhận các đồng tiền tệ khác nhau trong đó có cả tiền điện tử.

Ngoài các tính năng được sử dụng nhiều khi thanh toán bằng ví điện tử hiện nay như thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, phí chung cư, nạp tiền , đặt vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn…, Payasian còn cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tiện lợi và thông minh. Có thể dùng ví Payasian làm công cụ hỗ trợ cho việc kinh doanh hay các kế hoạch tài chính lớn của gia đình.

Nếu đúng như những gì đã quảng cáo, Payasian sẽ trở thành một giải pháp tài chính mới, trong bối cảnh một bộ phận người dân Việt Nam đang ngày càng có xu hướng thích sử dụng các phương thức thanh toán qua thẻ, không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi được giới thiệu tại Việt Nam, ứng dụng này đang bị nhiều người hoài nghi về tính an toàn của nó.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

Cụ thể, vừa qua Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Chức vụ - Công an TP Yên Bái đã phát hiện một nhóm người tổ chức thuyết trình trái phép về ứng dụng Payasian tại nhà hàng Minh Huệ (số nhà 82, đường Hoàng Hoa Thấm, TP Yên Bái).

Qua xác minh, cơ quan công an xác định việc tổ chức buổi thuyết trình này do 2 người dân tại Yên Bái đứng ra tổ chức và mời Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981, thường trú tại xã An Sơn, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) và Đỗ Văn Tuấn (SN 1987, thường trú tại xã Kim Tân, huyện Kim Thành, Hải Dương) cùng một số người lên Yên Bái để thuyết trình.

Nguyễn Văn Mạnh và nhóm người trên lên Yên Bái chia sẻ về ứng dụng Payasian không có giấy tờ pháp lý chứng minh đủ tư cách pháp nhân. Khi thu tiền của người dân không có bất kỳ phiếu thu hay chứng từ chứng minh việc thu tiền.

Mô tả ảnh

Người dùng nên thận trọng khi đầu tư vào tiền điện tử Payer qua địa chỉ website Payasian.co.

Khai báo với cơ quan chức năng ông Mạnh cho biết, hiện tại 1 đồng Payer (đơn vị tiền tệ giao dịch của ứng dụng Payasian) có giá tương đương 0,05 USD. Thế nhưng, sau 6 tháng nữa, có thể sẽ tăng gấp 10 lần, thậm chí 20 lần giá trị hiện tại, nhưng không có căn cứ nào để khẳng định khoản tăng này vì trong thời điểm hiện tại chưa có giá trị.

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, tiền ảo chưa phải là một tài sản được pháp luật thừa nhận tại Việt Nam. Do đó, mọi giao dịch tiền ảo, kể cả giao dịch không phạm pháp cũng không được pháp luật bảo vệ.

Bà Anh khuyến cáo người không nên tham gia vào các giao dịch liên quan đến tiền ảo bởi nó tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Khi phát sinh tranh chấp, những vấn đề liên quan đến tiền ảo sẽ rất khó khăn để phân tách trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi của người sở hữu.

Để mở tài khoản trên ứng dụng Payasian, người dùng phải đóng vào số tiền ban đầu là 100 USD (tương đương khoảng 2,3 triệu đồng Việt Nam). Đặc biệt, mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác tham gia, nộp số tiền 100 USD vào ứng dụng sẽ trực tiếp nhận được 2% trong tổng số tiền này, người thứ 2 sau người trực tiếp được mời tham gia sẽ được hưởng 1%. Cứ như vậy, người kêu gọi, giới thiệu và lôi kéo càng được nhiều tham gia sẽ càng được hưởng nhiều lợi ích… 

Cũng tại cơ quan công an, bà Trần Thị Thanh Hương (SN 1955, thường trú tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, bà đã nộp 100 triệu đồng vào tài khoản được gọi là ví thanh toán điện tử Payasian. Số tiền hiện vẫn còn nguyên trong tài khoản nhưng không rút ra và cũng không sử dụng được, khiến bà lo lắng bất an.

Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một Luật sư tại TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định, mấu chốt vấn đề nằm ở việc khi bỏ tiền vào ứng dụng Payasian trong trường hợp tiền này được sử dụng cho việc thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, phí chung cư, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn… với mức phí chỉ 0,01 % (thấp hơn mức trung bình 2,5% của Visa và Master Card), thì đây quả thật sẽ là ứng dụng vô cùng tiện ích và hấp dẫn.

Tiền ảo iFan: “Cả bên cung cấp và bên tham gia giao dịch đều vi phạm pháp luật”
Tiền ảo iFan: “Cả bên cung cấp và bên tham gia giao dịch đều vi phạm pháp luật”
(Tieudung.vn) - Là khẳng định của PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến, (Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) khi trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị về vụ việc trên 32.000 người đầu tư trên 15.000 nghìn tỷ đồng mua tiền ảo ifan tại Modern Tech.

Tuy nhiên, nếu đúng như những gì ông Mạnh, và bà Hương khai báo với cơ quan chức năng về việc tiền đóng vào ứng dụng Payasian, nhưng tiền đó không rút ra được và cũng không sử dụng được, sau 6 tháng số tiền này có thể tăng lên gấp 10 lần, 20 lần, thì lúc này câu chuyện rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chưa kể, dù giới thiệu là có thể dễ dàng sử dụng trên nền tảng Android và iOS hoàn toàn miễn phí, nhưng trên thực tế, để ứng dụng Payasian có thể hoạt động, trong tài khoản của người dùng phải có 100 USD.

Mâu thuẫn về thông tin, tiền ảo Payer đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, theo Luật sư này để tránh cảnh mất tiền oan người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, tránh nghe lời dụ dỗ của những người mời gọi đầu tư với lãi suất cao, siêu lợi nhuận.

Bài học “xương máu” từ iFan và Pincoi

Vào tháng 4/2018, giới kinh doanh và chơi tiền ảo rúng động với sự việc đổ vỡ của hai đồng tiền ảo là iFan và Pincoi. Vụ việc để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với .

Cụ thể, với chiêu bài trả thưởng cao, lợi nhuận lên tới 500%/năm, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty Modern Tech đã dụ dỗ được khoảng 32.000 người tham gia với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng.

Mô tả ảnh

Ngày 8/4/2018, người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Modern Tech tại đường Nguyễn Huệ, quận 1 kêu cứu vì bị lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 4 tháng ra đời, công ty này sụp đổ và không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%.

Đến khi biết mình bị lừa, hàng trăm người dân kéo lên trụ sở công ty căng băng rôn cầu cứu, nhưng số tiền đã bỏ ra đầu tư, thì gần như không thể nào thu hồi được.

Từ thực tế, dễ dàng nhận thấy cách thức hoạt động của tiền Payer có nhiều điểm tương đồng với tiền iLan và Pincoi trước đó.

Thứ nhất, nếu như hai đồng tiền iFan va Pincoin được “chém gió” là tiền quốc tế và được thành lập tại Singapore, Ấn Độ. Thì Payer cũng không kém cạnh khi được giới thiệu là tiền chung châu Á, chấp nhận các đồng tiền tệ khác nhau và cả tiền điện tử.

Thứ hai, nếu như Công ty Modern Tech cam kết người nào mời được thành viên mới vào hệ thống thì được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Thì ứng dụng Payasian cũng sử dụng phương thức hứa hẹn trả hoa hồng 2% (trên 100 USD) cho người mời được người mới.

Thứ ba, giống như tiền ảo iFan và Pincoi, ứng dụng Payasian hoạt động theo hình thức người đi trước mời gọi người đi sau, người đi sau lôi kéo người đi sau nữa…(một dạng mô hình đa cấp).

Thứ tư, nếu Modern Tech cam kết lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thì Payasian cam kết sau 6 tháng số tiền đóng vào có thể tăng lên 10 lần, thậm chí 20 lần.

Điều đáng nói hơn cả là website chính thức ứng dụng thanh toán nói trên (Payasian.co) tại Việt Nam, không hề có thông tin nào về địa chỉ liên hệ hay số điện thoại liên lạc, mà chủ yếu là quảng cáo, hướng dẫn các ưu đãi, chế độ cực lớn để "hút" người chơi đầu tư tiền qua mạng…

Người sử dụng cũng chỉ có thể liên hệ bằng cách tự điền thông tin cá nhân rồi gửi đi cùng với những câu hỏi được gợi ý sẵn trên website này.

Phát biểu trên báo chí, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, trước khi sử dụng hoặc đầu tư vào đồng tiền ảo Payasian, người dân cần tìm hiểu rõ ràng thông tin về công ty để tránh rủi ro đáng tiếc. Trong trường hợp thấy những dấu hiệu mờ ám như trụ sở, số điện thoại, website, người đại diện không rõ ràng hay việc chọn những đối tượng kém hiểu biết để ... thì không nên vì lợi nhuận mà nhắm mắt đầu tư.

Chuyên gia tài chính này cũng chỉ cho rằng, trước những dấu hiệu mờ ám trên của Công ty Payasian thì cơ quan chức năng, lực lượng cần vào cuộc giám sát chặt chẽ mọi diễn biến của Công ty này không nên để khi xảy ra hậu quả mới vào cuộc thì lúc đó đã muộn.

Tags:
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.54193 sec| 852.141 kb