PV: Hơn 32 nghìn người bỏ ra con số tiền tổng cộng hơn 15 nghìn tỷ đồng để mua tiền ảo của Công ty Modern Tech (có trụ sở tại Lầu 9, Tòa nhà Vietcomreal, 68 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), luật sư đánh giá như thế nào về việc mua bán này?
Luật sư Trần Đình Dũng: Dự án iFan của Công ty Modern Tech chỉ mới triển khai kêu gọi tiền vốn từ nửa cuối năm 2017, tính đến nay vỡ trận, một thời gian ngắn như thế nhưng lượng tiền huy động lên con số trên 15 nghìn tỷ đồng cho thấy độ “khát làm giàu” của người dân quá lớn. Do sự khát này mà nhiều người lao vào như thiêu thân, không hề mảy may có chút suy tư về lợi nhuận cam kết lên tới 48%/tháng và thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Trong khi đầu tư trong các kinh doanh khác thì sinh lợi nhuận 20%/năm đã là quá thành công trong nền kinh tế chúng ta hiện nay. Việc các nhà đầu tư thiếu bình tĩnh trong đầu tư kiếm lợi, thiếu thông tin là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi.
Luật sư Trần Đình Dũng. |
Rõ ràng việc mua bán tiền ảo diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam là trái pháp luật. Hiện ở một số quốc gia có thừa nhận một cách hạn chế đối với tiền ảo. Ở nước ta, các phương tiện thanh toán ngoài tiền tệ chỉ công nhận gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng. Nên việc các bên giao dịch tiền ảo như hàng hóa là vô hiệu.
PV: Mức lãi suất trong vụ việc cam kết lên đến 48% hàng tháng. Liệu mức này có bị qui kết thành cho vay nặng lãi không? Đây có phải yếu tố mà phía huy động vốn (Công ty Modern Tech) gài lại người đầu tư mua tiền ảo về mặt pháp luật?
Luật sư Trần Đình Dũng: Đây là một vấn đề rất đáng lưu ý. Pháp luật hình sự nước ta qua các thời kỳ đều phạt nặng hành vi cho vay nặng lãi. Bộ luật hình sự hiện nay qui định mức lãi khoảng 10%/tháng là có thể bị xem xét hình sự. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa người mua tiền ảo và bên bán là quan hệ đầu tư, chứ không phải quan hệ cho vay. Nên người bỏ tiền ra mua tiền ảo không chịu trách nhiệm gì về mức lợi nhuận cao hay thấp.
PV: Ở trên luật sư có nói “Thiếu bình tĩnh trong đầu tư kiếm lợi, thiếu thông tin là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo”, phải chăng đây là một vụ án lừa đảo?
Luật sư Trần Đình Dũng: “Lừa đảo” là một cụm từ nhiều người hay dùng trong xã hội mỗi khi bị người khác lừa gạt, gian dối… Nhưng trong luật nó là một hành vi phạm tội theo qui định tại Điều 174 BLHS “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại…
Nhưng để xem xét thủ đoạn gian dối trong trường hợp Công ty Modern Tech huy động tiền đầu tư vào mua tiền ảo là một vấn đề rất phức tạp. Thông tin từ truyền thông và có một số trường hợp có liên lạc để nhờ tôi tư vấn, thì khó mà cáo buộc phía Công ty Modern Tech gian dối chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo.
Các nạn nhân của iFan |
PV: Như vậy, có phải giao dịch trong vụ việc tiền ảo này chỉ là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu hình sự?
Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi chỉ nói là những tài liệu tôi có được thì khó mà cáo buộc phía huy động người mua tiền ảo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qui định tại Điều 174 BLHS năm 2015 (Điều 139 BLHS năm 1999). Điều đó cũng không có nghĩa vụ việc chỉ là giao dịch dân sự.
Tôi nói ngay rằng, vụ việc có dấu hiệu hình sự của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, qui định tại Điều 290 BLHS hiện hành. Cơ quan chức năng cần khẩn trương khởi tố vụ án hình sự để xử lý.
Đây là hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản. Hậu quả gây ra thì như chúng ta đã biết, hơn 32 nghìn người bị hại. Nếu tính theo luật hôn nhân gia đình thì số người bị thiệt hại trong quan hệ vợ chồng phải nhân đôi con số này lên.
Tội danh này là một loại tội được đưa vào xử lý hình sự từ thời điểm năm 2009. Tuy nhiên hành vi này rất khó xử lý hình sự bởi vướng một số qui định pháp luật khác, mặc dù hậu quả gây ra là quá lớn cho xã hội. Như trong vụ việc này, biết bao gia đình tán gia bại sản, khốn đốn vì hành vi vi phạm pháp luật lợi dụng vào phương tiện điện tử gây ra.
PV: Rất nhiều nạn nhân trong vụ việc băn khoăn liệu khi khởi tố vụ án rồi thì họ có đòi được số tiền tổng cộng lên tới trên 15 nghìn tỷ đồng hay không?
Luật sư Trần Đình Dũng: Nếu cơ quan điều tra thủ thập đủ các tài liệu chứng cứ phạm tội và khởi tố hình sự, thì việc giải quyết thiệt hại được xử lý luôn trong vụ án. Tuy nhiên số tiền hơn 15 nghìn tỷ đồng có được trả về cho các nạn nhân hay không, trên thực tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Những người phạm tôi gây thiệt hại có còn tài sản để cơ quan tiến hành tố tụng kê biên đấu giá lấy tiền hoàn trả cho bị hại, tội phạm có tự nguyện khắc phục hậu quả hay cố tình không khắc phục…
Trước đó vào sáng ngày 8/4, nhiều người dân đã kéo tới trước trụ sở công ty cổ phần Modern Tech tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh để tố cáo bị công ty này và các đối tác lừa đảo chiếm đoạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, thông qua hình thức huy động vốn để kinh doanh tiền ảo. Theo các nạn nhân, liên danh ma quỷ giữa ModernTech, iFan và Pincoin là chủ mưu của vụ lừa đảo tiền tỷ này. Cụ thể, iFan và Pincoin là dự án huy động vốn được 7 người Việt lập ra nhưng lại mượn danh nước ngoài. Theo đó, iFan được tuyên bố là dự án đến từ Singapore trong khi Pincoin đến từ Ấn Độ. Để qua mặt các cơ quan chức năng, iFan và Pincoin đã ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện pháp lý tại Việt Nam và công ty đại diện này đã công khai tổ chức các sự kiện huy động vốn (ICO - Initial Coin Offering) tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tiếp đó, để qua mặt sự kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Modern Tech đã phát hành đồng tiền ảo này để huy động vốn một cách nhanh chóng thay vì phát hành cổ phiếu như thông thường, qua đó đặt hàng ngàn nhà đầu tư vào bẫy thòng lọng tiền ảo. |
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)