Rau bị thối nát được phát hiện. |
Hàng hóa lộn xộn, bừa bãi
Theo chân đoàn công tác, phóng viên đã được đi sâu vào khu vực nhà kho chứa các mặt hàng rau, củ, quả tại đại siêu thị này. Ngay sau tấm rèm nhựa ngăn lạnh ở cửa ra vào, đập vào mắt chúng tôi là những thùng hàng hóa. Mở thử một hộp các tông, đoàn kiểm tra “tá hỏa” vì phát hiện những cây bắp cải đã dập nát, vỏ ngoài chuyển sang màu đen và chuẩn bị phân hủy.
Việc sắp xếp hàng hóa lộn xộn như mớ bòng bong tại đây khiến một thành viên trong đoàn kiểm tra (xin được giấu tên) phải thốt lên rằng: “Metro (Thăng Long – PV) làm thế thì rất không được đâu”.
Ngay sau đó, ông dẫn nhân viên quản lý nhà kho chỉ thẳng thừng: “Cùng một chồng hộp bìa các tông mà trên thì cà chua, dưới thì ớt, chanh leo… và chẳng có khoảng cách gì giữa khu vực đặt các loại hàng hóa”.
Khi đoàn kiểm tra yêu cầu Metro truy xuất hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của lô cam Mỹ nhập khẩu (khoảng 35 thùng) và khối lượng lớn táo nhập khẩu từ New Zealand, Metro Thăng Long không đưa ra ngay được với lý do: Hóa đơn chứng từ đang được lưu giữ ở một đơn vị khác nên không thể cung cấp tức thì được.
Tiếp tục tiến sâu thêm vào phía trong cùng kho lạnh bảo quản rau, củ, quả, đoàn kiểm tra tiếp tục chứng kiến những hình ảnh mất vệ sinh khác.
Cụ thể, mặt sàn trên kho chứa rất nhiều đất. Trên giá hàng, không ít bẹ lá ngoài của rau cải thảo đã bị phân hủy, chuyển thành chất nhầy. Khi cầm tay vào rất nhớt và ướt.
Chúng tôi hỏi một nhân viên đang xếp hàng trong kho lạnh bảo quản rằng những cây rau có lá ngoài đang bị phân hủy có phải là bỏ đi không?
Nhân viên này đáp: “Hàng này đang chờ để xử lý anh ạ”.
Chúng tôi tiếp tục hỏi: “Xử lý là xử lý thế nào”?
Anh ta nói: “Là sửa lại hàng ấy ạ”.
Ngay lập tức, một nữ nhân viên quản lý mặc áo trắng, quần đen tiến đến và nói: “Hàng này là hàng trả cho nhà sản xuất, vừa nhập sáng nay xong”, rồi giật lại những cây rau trên tay một đồng nghiệp của tôi cho vào xe đẩy và đẩy ra ngoài.
Điều đáng nói ở đây là, những cây rau bị hư hỏng mà chúng tôi ghi nhận được không phải ở kho chứa hàng thải loại. Các loại rau cũng không được đặt đúng giỏ ghi thông tin sản phẩm. Ví dụ, rau cải bắp được đặt trong các giỏ nhựa ghi thông tin là khoai tây Đà Lạt; cải bó xôi… Và, tất cả các mặt hàng rau, củ, quả được bán tại siêu thị Metro đều không có hạn sử dụng.
Tất nhiên, không thể kết tội oan cho siêu thị này. Bởi, không có bất cứ thông tư, nghị định hay văn bản quy phạm pháp luật nào khác quy định phải đề hạn sử dụng cho các sản phẩm rau, củ, quả.
Tuy nhiên, liệu rằng có chuyện rau, củ, quả ế thừa, sẽ được siêu thị bóc bỏ vỏ ngoài để tiếp tục đưa ra quầy bán hàng? Và, tại chính gian bày bán các sản phẩm rau, củ, quả của siêu thị Metro Thăng Long, chúng tôi cũng ghi được những hình ảnh rất chối mắt về những quả đậu trạch được đựng trong túi lưới có những quả bị thối nát, nhũn như bùn.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu 3 mặt hàng rau, quả là đậu trạch, cải ngọt và cải bắp Trung Quốc để tiến hành phân tích, kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, truy xuất các hợp đồng kinh tế, hồ sơ pháp lý của các nhà cung cấp rau, củ, quả của siêu thị Metro Thăng Long.
Đùn đẩy trách nhiệm
Tại buổi làm việc, chúng tôi đã liên hệ phỏng vấn ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Trung tâm Cash & Carry Thăng Long để tìm hiểu về việc quản lý truy xuất nguồn gốc và ATVSTP đối với các sản phẩm bán tại siêu thị, kiểm tra hoạt động kinh doanh rau, củ, quả tại Metro.
Tuy nhiên, ông Phong nói rằng: “Anh rất muốn trả lời phỏng vấn các em. Nhưng anh không được phép (cấp trên cho phép – PV) trả lời truyền thông trong vấn đề này vì anh nghĩ là mọi người sợ nó nóng quá”.
Khi chúng tôi tiếp tục gặng hỏi, vị này vẫn khăng khăng từ chối: “Anh không được trả lời trực tiếp”.
Liên quan đến thông tin về vụ “Rau không rõ nguồn gốc lại vào siêu thị Metro?”, đăng tải trên báo NNVN ngày 21/4, phản ánh về một cơ sở có tên Nguyễn Thị Tưởng đã thu mua rau trôi nổi trên thị trường rồi gắn mác rau an toàn bán cho siêu thị Metro, ông Phong chia sẻ: “Vụ nhà bà Tưởng có thể là một tai nạn, nhưng nó không phải là vấn đề quá lớn.
Và những nhà cung cấp dạng không nghiêm túc như thế bọn anh cũng xử lý rất là nhiều rồi. Nhưng có một thực tế anh nghĩ em có thể nghiên cứu thêm dựa trên ý (ý kiến cá nhân – PV) của anh thôi.
Đó là tất cả các nguồn rau cung cấp từ Mê Linh và Đông Anh thì tính an toàn không cao. Tức là việc quản lý và tuân thủ các quy trình sản xuất có vấn đề”. Ông Phong nói thêm: “Từ (HTX) Đạo Đức cũng bị làm rồi, Ba Chữ cũng bị làm rồi. Những nhà cung cấp lớn nhất cho các siêu thị ở khu vực ấy đều đâu đó gặp trục trặc trong vấn đề quản lý chuyên ngành của họ. Nếu không phải là việc kiểm soát vùng sản xuất, đi mua trực tiếp thì là vấn đề hồ sơ giấy tờ hoặc là chứng minh nguồn gốc. Đó là lý do mà bên anh không bao giờ dám mua nhiều quá của các nhà cung cấp miền Bắc”. Theo ông Phong, năng lực thực sự của các nhà cung cấp ở khu vực ĐBSH còn yếu. Nếu mình lấy ít thì có thể họ vẫn đảm bảo được về mặt chất lượng.
Nhưng nếu lấy với số lượng lớn thì… “Đó là sự thất bại của khu vực đồng bằng sông Hồng trong việc làm thương mại. Vì họ bán dễ quá, bán ra các loại linh tinh vì ai cũng mua nên họ có quan tâm gì đâu” và “Nếu họ không làm chắc chắn và mang tính ổn định bền vững thì bọn anh sẽ phải tìm nguồn rau khác. Chỉ thiệt cho nông dân thôi”, ông Phong nói.
Phóng viên NNVN hỏi: Bà Nguyễn Thị Tưởng từng phản ánh với chúng tôi rằng Metro ép giá nhập hàng với cơ sở của bà ấy quá, ông nghĩ sao?
Ông Phong trả lời: Bà ấy không thể nói như vậy được vì đó là thỏa thuận về hợp đồng kinh tế. Ép là bọn anh không cho tăng giá chứ có phải ép bà ấy giảm giá đâu. Thật ra đấy là một đàm phán, với người mua thì luôn luôn đàm phán điều kiện tốt nhất về mình. Nếu bà ấy nói với giá cả như vậy không đủ để bà ấy nhập hàng chất lượng thì có thể đơn phương chấm dứt đàm phán.
Theo thông tin từ Metro, ngay sau khi có thông tin về cơ sở Nguyễn Thị Tưởng mua rau không rõ nguồn gốc cung cấp cho siêu thị, Metro Thăng Long lập tức chấm dứt mọi hợp đồng kinh tế với cơ sở này....
Ngày 9/5, ngay sau thời điểm báo Lao Động đăng tải bài viết “Sự thật về “rau an toàn” dành cho siêu thị”, liên ngành chức năng quận Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) đã đồng loạt ra quân kiểm tra siêu thị Metro Thăng Long, nơi trước đó đã bị cảnh báo về tình trạng “nhập nhèm” nguồn gốc rau an toàn. Sáng 10.5, ông Phan Duy Vĩnh - Đội trưởng Đội QLTT số 33 - xác nhận với PV Báo Lao Động thông tin về đợt ra quân kiểm tra siêu thị Metro Thăng Long. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện trong khu vực kho hàng có các sản phẩm rau củ bị thối, một số thậm chí đã phân hủy, chảy dịch nhầy... Đặc biệt, số sản phẩm hỏng này tại thời điểm đó, không nằm trong khu vực thải loại. “Theo đơn vị giải thích thì đó là những lá héo, rau héo người ta bóc rồi bỏ ra, đưa vào trong, chờ thu gom xử lý. Sở dĩ chưa thể đưa vào khu vực thải loại được bởi liên quan đến trọng lượng. Ví dụ cái bắp cải nặng 2kg, bóc lá héo đi mất 2 lạng thì cái lá héo ấy cũng không thể hủy ngay mà cũng phải gom lại, báo cho chủ hàng biết”. Ông Vĩnh than thở: “Cái khó là cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ quy chuẩn nào về hạn sử dụng cho rau. Các sản phẩm khác có “date” mà riêng rau lại không có. Tôi thấy rất bất cập”. Kết thúc buổi kiểm tra, theo lời vị Đội trưởng Đội QLTT số 33, lực lượng liên ngành đã lấy 3 mẫu rau củ để trưng cầu giám định, gồm: Đậu đũa, rau cải xanh, cải ngọt và cải bắp Trung Quốc. Sau khoảng 10 ngày sẽ có kết quả chính thức. |