Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo của 4 bị cáo và tuyên y sơ thẩm, các bị cáo gồm:
Các bị cáo vụ án 'Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank chi nhánh 6, TP.HCM' tại tòa |
Dương Thanh Cường tù chung thân cho các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Lê Thành Công (nguyên tổng giám đốc công ty Phương Đông) 25 năm tù về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hồ Đăng Trung (Nguyên giám đốc ngân hàng Agribank CN6) 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Đỗ Trọng Nhân 8 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Về phần dân sự, Tòa tiếp tục buộc Dương Thanh Cường là cầm đầu, chủ mưu, trực tiếp sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt nên phải bồi thường hơn 1.127 tỷ đồng (cả vốn và lãi) cho Agribank – CN6, không yêu cầu các bị cáo còn lại liên đới bồi thường.
Liên quan tới kháng cáo của Agribank về việc nhận lại tài sản trong vụ án, là sổ đỏ của bất động sản tọa lạc ở số 10 Âu Cơ. Bản án cho rằng, đây là tài sản đang thuộc về một công ty khác nên không có cơ sở để thu hồi trả lại cho Agribank.
Một tài sản khác mà Agibank kháng cáo sau khi bị cấp sơ thẩm tuyên thuộc về Ngân hàng Phương Nam là 23 sổ đỏ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Tại phiên tòa phúc thẩm này, đại diện VKS giữ quyền công tố đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của Agiabank. Tuy nhiên bản án cũng tuyên bác kháng cáo đề nghị của VKS, qua đó tiếp tục tuyên thuộc về Ngân hàng Phương Nam vì ngân hàng này đã sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ mình, ngược lại Agribank – CN6 nhận thế chấp không hợp pháp nên phải chịu trách nhiệm.
Trước đó TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ngoài Dương Thanh Cường còn có 5 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank chi nhánh 6 gồm Hồ Đăng Trung, Hồ Văn Long, Trương Nhật Quang, Trương Quốc Bảo và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy lãnh mức án từ 9 - 20 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bốn bị cáo Lê Thành Công, Đỗ Trọng Nhân, Thái Cường và Lê Sơn Hùng bị phạt từ 8 - 25 năm tù về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Chiếm đoạt tài sản”; Phạm Hoàng Thọ 4 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”.
Sau bản án sơ thẩm, 4 bị cáo Dương Thanh Cường, Lê Thành Công, Hồ Đăng Trung và Đỗ Trọng Nhân kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt và thay đổi tội danh.
Nguyên đơn dân sự ngân hàng Agribank Việt Nam kháng cáo đòi lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Bình Chánh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ, quận Tân Phú.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm vừa tuyên đã bác toàn bộ kháng cáo như nói trên.
Vụ án ‘siêu lừa’ Dương Thanh Cường: Từ năm 2007 đến tháng 10/2010, các bị cáo trong vụ án lập các dự án đầu tư rồi “phù phép” mang đến ngân hàng vay tiền, chiếm đoạt 966 tỷ đồng của Nhà nước. Vào năm 2006, Công ty Dệt kim Đông Phương do Lê Thành Công làm tổng giám đốc được bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 đất ở quận Tân Phú, TP.HCM để xây trung tâm thương mại, chung cư. Dương Thanh Cường đứng ra nhận huy động vốn để đầu tư và khai thác dự án. Dương Thanh Cường không có khả năng về tài chính nhưng vẫn lập ra nhiều công ty để thuê người làm giám đốc (gồm các công ty Bình Phát và Tấn Phát). Dương Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới là Thái Cường, giám đốc Công ty Tấn Phát lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 với tài sản thế chấp là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ (quận Tân Bình) và số 44 An Dương Vương (quận 8). Tiếp đến tháng 7/2007, Dương Thanh Cường chỉ đạo Lê Văn Tuấn (giám đốc công ty Thanh Phát) lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank bằng thế chấp 3 giấy sử dụng đất. Khi Agribank Chi nhánh 6 còn đang giải ngân thì Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp trước đó ra, tiếp tục mang đi thế chấp ở Ngân hàng Phương Nam vay thêm. |