Tieudung24g.net điểm lại những vụ án mà đại tá Quý đã gây những oan khuất cho người dân cũng như có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Vụ quán Xin chào: Ngày 8/8/2015, ông Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) khai trương quán cà phê Xin chào kinh doanh cà phê, ăn sáng, ăn trưa.
Chủ quá Xin chào (bên trái) nhận quyết định đình chỉ vụ án hình sự |
Sáng 13/8/2015, Công an huyện Bình Chánh đã kiểm tra hành chính, lập biên bản quán của ông vì lỗi vi phạm: “Hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Ông Tấn đã bị xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng.
Ngày 19/8/2015, ông Tấn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngày 22/8/2015, ông Tấn và các nhân viên làm việc trong quán đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Ngày 4/9/2015, ông Tấn đã hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bộ phận tiếp nhận của UBND huyện Bình Chánh hẹn trả kết quả vào ngày 29/9/2015. Để an toàn, ông Tấn đã ngừng bán đồ ăn, chỉ bán cà phê, nước uống đóng chai.
Tuy nhiên ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra hành chính quán của ông, lập biên bản các lỗi sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, gây hại, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm.
Và ngày 25/9, đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh ký quyết định khởi tố bị can ông Tấn về tội “Kinh doanh không phép”.
Vụ dựng Chòi vịt: Ông Nguyễn Vân Bỉ là chủ sử dụng mảnh đất đã cho ông Tấn thuê mở quan phở Xin chào cũng bị ông Quý ra quyết định khởi tố bị can số 139 ngày 19/1/2016 về tội “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 Bộ luật Hình sự với hành vi dựng chòi nuôi vịt !
Trước đó, vào tháng 7/2015 chòi nuôi vịt của mình bị sập do cũ nát, ông Bỉ đã mua cây dựng lại chòi có diện tích khoảng 80m². Ngay lập tức ông bị chính quyền địa phương đến lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc cưỡng chế tháo dỡ. Ông đã thực hiện nộp phạt và tháo dỡ theo yêu cầu.
Do cần chỗ nuôi vịt nên 3 tháng sau ông Bỉ lại tự ý dựng chòi trở lại với diện tích chỉ 35m². Ông Bỉ lại chính quyền mời lên lập biên bản và sau đó cũng chính đại tá Quý ký quyết định khởi tố ông Bỉ về tội “Vi phạm quy chế về quản lý nhà ở”.
Cả hai vụ án trên đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng chỉ đạo Công an TP.HCM xem xét lại. Sau đó, Công an TP. HCM đã kết luận cả ông Tấn và ông Bỉ đều không phạm tội, hiện cả hai vụ án đã được đình chỉ.
Vụ án Kinh doanh trái phép: năm 2012, ông Nguyễn Văn Thành (62 tuổi, trình độ học vấn 5/12, ngụ Q.5, TP.HCM) đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán nông ngư cơ, cho thuê máy phát điện tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Ngày 19/3/2013, Công an huyện Bình Chánh phối hợp với Công an xã Tân Kiên kiểm tra hộ kinh doanh do ông Thành đại diện, phát hiện 12 máy phát điện đã qua sử dụng nên niêm phong, tạm giữ 12 máy này vì “ông Thành khai mua lại của người khác, không có hóa đơn chứng từ để bán lại kiếm lời”. Ông Thành đã bị khởi tố về tội “Kinh doanh trái phép”!
Trong quá trình điều tra bổ sung nhiều lần, Cơ quan cảnh sát điều tra chỉ tìm được bản sao hóa đơn nên xác định ông Thành mua bán trái phép 17 máy phát điện. Công an huyện Bình Chánh cũng xác định ông Thành không trốn thuế.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thành tuyên 1 năm tù cho hưởng án treo.
Theo Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao): “Ông Thành có kinh doanh khác với giấy phép đăng ký kinh doanh, từ cho thuê, thành bán. Nhưng ông Thành đóng thuế đàng hoàng, không có gì trốn tránh. Nếu ông Thành mua bán máy phát điện thì cũng nên nhớ máy phát điện không phải hàng cấm.
Hành vi của ông Thành, nếu chiếu theo khoản 4, điều 8 Bộ luật hình sự quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác...Như vậy có thể khẳng định hành vi của ông Thành là không nguy hiểm cho xã hội thì không cấu thành tội phạm”.
Vụ xây nhà riêng lẻ ở nông thôn: bà Trần Thị Huệ, sinh năm 1958, ngụ quận 8, tạm trú huyện Bình Chánh, có mảnh đất số 526 (diên tích 663m2, trong đó có 232m2 đất ở) ở ấp 4 và mảnh đất số 509 (diện tích 319m2 đất trồng cây lâu năm) ở ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Tháng 4/2014, bà Huệ xin phép và được UBND huyện cấp phép xây dựng nhà xưởng hơn 154m2 trên mảnh đất số 526, với kết cấu: cột- sàn bê tông cốt thép, vách gạch, mái tôn… Sau đó, bà Huệ dựng nhà xưởng sai với giấy phép (kết cấu chịu lực, cụ thể là khung sườn sắt, tăng diện tích xây dựng là hơn 417m2).
Tiếp đó, tháng 10/2014, bà Huệ lại xây nhà xưởng rộng 101m2 trên mảnh đất số 509. UBND xã Bình Lợi đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công và chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT công an huyện Bình Chánh để điều tra, xử lý bà Huệ.
Cũng đại tá Quý ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Huệ về hành vi “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TPHCM): Tháng 9 và 10/2014, bà Huệ bị lập biên bản hành vi xây nhà trái phép. Trong khi đó, Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014, tại điểm k khoản 2 Điều 89 quy định “nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc công trình được miễn giấy phép xây dựng”. Tuy luật này có hiệu lực vào ngày 1/1/2015, nhưng rõ ràng ở đây có sự chuyển biến, thay đổi về chính sách pháp luật mà cơ quan chức năng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự với bà Huệ là chưa thể hiện đúng chính sách pháp luật hình sự của nhà nước ta.
Không khởi tố vụ án hình sự với người bị thi hành án tự ý “phá niêm phong, thay đổi hiện trạng tài sản bị kê biên”:
Tháng 3/2013, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Bình Chánh ra quyết định thi hành án, buộc bà Nguyễn Thị Thu Hương trả cho bà Nguyễn Thị Hường số tiền hơn 5 tỉ đồng và lãi chậm thi hành án. Sau đó, chi cục THADS H.Bình Chánh tiến hành các thủ tục theo đúng quy định pháp luật nhưng bà Hương không tự nguyện thi hành án nên qua xác minh tài sản của bà Hương, chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng kê biên tài sản của bà gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ D9/53 Huỳnh Văn Trí, xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) gồm 6 căn nhà sơn nước.
Sau khi bị kê biên, niêm phong tài sản thì bà Hương đã tự ý phá niêm phong, sửa chữa, thay đổi hiện trạng tài sản đã kê biên.
Xác định hành vi tự ý thay đổi hiện trạng ban đầu tài sản đã được thi hành án kê biên của bà Hương là vi phạm pháp luật, Chi cục THADS huyện Bình Chánh đề nghị Công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án hình sự “vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản” đối với bà Hương.
Thế nhưng, với lý do khi kê biên tài sản không có mặt của bà Hương, đại tá Quý đã ký quyết định không khởi tố vụ án do hành vi của bà Hương không cấu thành tội “vi phạm niêm phong, kê biên tài sản”.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc kê biên, Chi cục THADS huyện Bình Chánh đã có thông báo, tống đạt hợp lệ cho bà Hương nhưng bà Hương vẫn vắng mặt thì đây không phải lỗi của cơ quan thi hành án.
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Yếu tố cấu thành của tội “vi phạm niêm phong, kê biên tài sản” chỉ cần “người nào được giao giữ tài sản bị kê biên, bị niêm phong nhưng có hành vi phá hủy niêm phong” là đã cấu thành tội phạm. Việc Công an huyện Bình Chánh không khởi tố vụ án này sẽ tạo tiền lệ xấu sau này khiến pháp luật bị coi thường”.
Đại tá Nguyễn Văn Quý, giờ tôi ân hận thì đã muộn!
(Xã hội) - (Tieudung24h.vn) - “Những sai sót của mình trong các vụ án (quán Xin chào và Chòi vịt) chỉ là do nhận thức sai về quy định pháp luật, đã gây oan sai cho người dân, nhưng không có động cơ cá nhân, giờ tôi ân hận thì đã muộn”, ông Quý nhận lỗi. |