Mục sở thị các vườn rau “VietGap”
Trong vai người đi tìm nguồn rau sạch để mở chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Trung tâm TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp cận và khảo sát một số cơ sở chồng rau theo tiêu chuẩn VietGap mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cung cấp danh sánh.
Một vườn rau ở xã Tân Phú Trung, theo danh sách Sở NN&PTNT TP.HCM cung cấp thì đây là vườn rau VietGap. Tuy nhiên, vườn rau này đã không đáp ứng được những tiêu chuẩn mà VietGap quy định, như:biển báo nhật ký ghi chép quy trình trồng rau; không sử dụng nước sạch để tưới; không che chắn... |
Ngày 18/3, chúng tôi có mặt tại nhà ông Tùng (hộ sản xuất tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), ông cho biết: “Khu vực này có 8 hộ diện tích khoảng mấy hécta trồng đủ các loại rau, củ, nhưng chủ yếu bán tự do, hàng ngày cắt rồi đưa ra chợ đầu mối rau củ Hóc Môn hoặc bán cho các đơn vị thu mua để cung cấp siêu thị. Vì các công ty này không ký hợp đồng bao tiêu rau của chúng tôi, nên khi họ báo muốn mua thì chúng tôi gom hàng quanh đây lại để bán cho họ, chúng tôi cắt sẵn rau rồi tập kết tại địa điểm hẹn trước để chờ xe xuống lấy”.
Chúng tôi hỏi, hộ của ông và 7 hộ kia có trồng rau theo VietGap không? Ông Tùng (cười…), cho biết: “Trước đây xã cũng có cho chúng tôi đi học vài ngày về việc trồng rau VietGap, sau đó cũng có cán bộ xuống hướng dẫn chúng tôi trồng. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì sản lượng lại thấp hơn so với lúc trồng rau trước đó mà giá bán cũng không cao hơn rau thường là bao. Thế nhưng chúng tôi lại phải thực hện theo các quy định rườm rà, mất nhiều thời gian hơn nên sau ba vụ chúng tôi quay trở lại với việc trồng rau như trước đây”.
Và còn nhiều vười rau được cho là trồng theo VietGap như thế này! |
Theo bà Đ.H, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn “Trước đây, tôi có đăng ký đi học trồng theo VietGap, mỗi ngày đi học được hỗ trợ 25.000đ và đã được cấp chứng nhận. Sau khi áp dụng trồng rau VietGap được vài vụ thì tôi bỏ luôn vì lợi ích kinh tế không cao nhưng lại vất vả hơn trồng rau như trước”.
Còn tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, hầu hết các hộ sản xuất rau nơi đây khi hỏi đều cho biết là họ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap và được Công ty Phú Lộc (là đơn vị nhập rau cho các siêu thị ở TP.HCM) bao tiêu. Tuy nhiên, khi hỏi các quy trình trồng rau VietGap thì hầu hết người trồng rau không trả lời chính xác, và làm đúng quy trình sản xuất rau VietGap.
Qua nhiều ngày chúng tôi đã “mục sở thị” nhiều vườn rau ở các huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh, nơi cung cấp chính rau cho thị trường thành phố. Các hộ này chủ yếu trồng các loại rau ăn lá, thế nhưng các vườn rau của họ không được che chắn bởi nhà lưới, không có biển báo nhật ký ghi chép quy trình trồng rau, không sử dụng nước sạch để tưới (nhiều hộ lấy nước tưới từ hệ thống mương nội đồng, hay là tại các ao hồ không đảm bảo chất lượng nước sạch và mùi thuốc bảo vệ thực vật nồng nặc) như quy trình mà VietGap quy đinh.
Rau vào siêu thị có phải là rau sạch?
Người trồng rau chở rau đi nhập cho Công ty Phú Lộc |
Chúng tôi có mặt tại ấp 1, Xã Tân Quý Tây, H. Bình Chánh lúc 15h30 ngày 17/3 vào đúng lúc các xe của doanh nghiệp Phú Lộc đi gom hàng, các hộ cung cấp rau, củ cắt và để chờ sẵn ngoài đường, xe đi qua lần lượt cân và đưa lên xe chở về công ty. Trong quá trình gom hàng, chúng tôi nhận thấy không có động tác nào cho thấy sự kiểm tra chất lượng cũng như các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các rổ hàng này.
Lúc 17h ngày 21/3, chúng tôi quay trở lại ấp 1, xã Tân Quý Tây, vẫn còn rải rác một số hộ dân trong khu vực cắt rau và chở bằng những rổ hàng không che đậy mang đến điểm thu mua tại địa chỉ văn phòng Công ty Phú Lộc, tại đây chỉ thấy một nhân viên nhận hàng không có động tác nào kiểm tra chất lượng các rổ rau này.
Chúng tôi theo chân những người nông dân chở rau đi giao cho Công ty Phú Lộc về vườn rau của họ để tận mắt thấy những vườn rau được cho là trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Tại hộ bà Lệ (mỗi ngày cung cấp từ 50 đến 80 kg rau ngót) và hộ bà LNM (cung cấp 15 đến 20 kg rau húng quế mỗi ngày), những vườn rau xanh mướt mà chúng tôi thấy không có gì khác với những vườn rau trồng đại trà, không có bảng phân luống, bảng theo dõi, nhật ký đồng ruộng, và chất lượng rau thì…không ai đảm bảo!
Bà Kiều nhân viên thu mua Công ty Phú Lộc địa điểm thu mua tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cho biết: “Công ty chuyên cung cấp các loại rau ăn lá và củ cho hệ thống CoopMart. Công ty có hai loại sản phẩm, loại có bao bì nhãn mác thì giá cao hơn, còn loại không bao bì nhãn mác giá rẻ hơn”.
Và rau được chất đống bán trong siêu thị, không bao bì, không nhãn mác...! |
Các loại rau, củ từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh được Công ty Phú Lộc thu mua như vậy, qua sơ chế sẽ được nhập vào các hệ thống siêu thị, trong đó có hệ thông Co.opMart để bán cho người tiêu dùng.
Khảo sát tại hệ thống các siêu thị như: Satra, co.op Mart, Big C, Metro…, chúng tôi nhận thấy các siêu thị này đều có khu riêng để bán sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGap, phía bên trên có treo logo của các đơn vị cung cấp. Thế nhưng, nhiều loại rau củ bày bán ở đây chỉ được buộc dây sơ sài, không bao bì, không nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, không tên nhà cung cấp…
Theo quyết định 106/2007 và số 379/ 2008 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap phải đáp ứng được 65 chỉ tiêu, từ khâu chọn giống, phân tích mẫu đất, môi trường, người lao động, phúc lợi xã hội, sản xuất, khống chế lượng phân bón, nhất là phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch cho đến đóng gói…đến tay người tiêu dùng phải theo mô hình khép kín (còn nữa).