Theo Bộ Công an, bước vào mùa du lịch nghỉ hè năm 2025, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm vé máy bay, combo du lịch, khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh các doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, nghỉ dưỡng… đăng tải thông tin nhận đặt tour, đặt phòng khách sạn nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Một trong những thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng lừa đảo áp dụng đó là các đối tượng thuê dịch vụ cấp tích xanh Facebook hoặc mua lại các tài khoản Facebook có tích xanh từ trước, đổi tên thành khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc các doanh nghiệp lữ hành có uy tín để tạo sự tin cậy cho người dân, chạy quảng cáo và đăng tải thông tin nhận đặt vé máy bay, phòng khách sạn. Những tài khoản này đưa ra thông tin chương trình du lịch hấp dẫn, quỹ vé, quỹ phòng còn nhiều với giá thành tương đồng với các cơ sở chính thống để tránh sự nghi ngờ từ người dân. Nhiều trang Facebook đăng tải toàn bộ thông tin chính thống của cơ sở thật. Yêu cầu người dân chuyển tiền trước 50% để đặt cọc, sau đó cung cấp code đặt phòng giả mạo và yêu cầu nạn nhân thanh toán toàn bộ số tiền trước…
Cuối tháng 5/2025, anh N.V.V. (trú tại Tây Ninh) có nhu cầu đi du lịch với gia đình ở Vũng Tàu. Thông qua facebook, anh V. vào trang N.H. hotel có để số điện thoại của khách sạn liên lạc thì được một đối tượng nam xưng là nhân viên tiếp tân yêu cầu chuyển khoản trước trên 5 triệu đồng đặt cọc. Khi vừa chuyển khoản xong, anh V. được đối tượng gọi điện thông báo là đã chuyển sai và sẽ cho kế toán của công ty liên lạc lại. Lát sau, kế toán liên hệ và yêu cầu anh V. nhập vào đường link để hoàn tiền. Anh V. đăng nhập đường link, thì điện thoại anh bị nhiễm vi rus và các đối tượng đã chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện rút tiền 3 lần từ tài khoản của anh V. với tổng số tiền là gần 300 triệu đồng.
Vừa qua Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát hiện, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Hứa Văn Hội, Triệu Văn Thượng, Hứa Văn Được, Lưu Văn Tính… về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Qua điều tra mở rộng, Công an xác định nhóm này còn điều hành một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội do Hứa Văn Hội cầm đầu. Hội là đối tượng từng làm thuê cho các tổ chức lừa đảo ở Campuchia và đã mang thiết bị, thủ đoạn về Việt Nam để tiếp tục phạm tội. Chỉ trong vòng 15 ngày, nhóm này đã lừa đảo thành công khoảng 80 người với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 250 triệu đồng. Thủ đoạn của nhóm Hứa Văn Hội là lập fanpage giả mạo của khách sạn, chạy quảng cáo, khi có khách quan tâm sẽ tiếp cận, đề nghị chuyển tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt tài sản…
Trước tình trạng trên, Bộ Công an đưa ra cảnh báo người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin của các tài khoản mạng xã hội rao bán hoặc quảng cáo về các combo du lịch, phòng nghỉ khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Người dân cần kiểm tra thông tin đăng tải từ nhiều nguồn khác nhau: Facebook, Tiktok, website chính thống của doanh nghiệp, cơ sở lưu trú… đồng thời kiểm tra tính minh bạch của các tài khoản mạng xã hội. Hầu hết các tài khoản giả mạo đều mới được thành lập hoặc mới được đổi tên và đăng bài quảng cáo trong thời gian ngắn. Người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này và không nên giao dịch với những tài khoản có dấu hiệu như trên.
Sau khi đã đặt cọc, cần check lại cụ thể thông tin về mã đặt phòng của mình. Người dân cần liên hệ qua số điện thoại chính thống của các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng… để kiểm tra mã của mình, kiểm tra mức độ uy tín của đại lý đặt vé, đặt phòng trước khi thanh toán toàn bộ số tiền. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc bị lừa đảo, người dân cần trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất.