Tuy nhiên, ngay cả những điểm treo biển bán RAT, người tiêu dùng dù “thông thái” đến mấy cũng không thể chắc chắn về sản phẩm mình đã mua có phải là những loại rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn hay không ?!
Phần lớn không bao bì, nhãn mác
Khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh như: Tân Trụ, Võ Thành Trang (Tân Bình); Hạnh Thông Tây (Gò Vấp); Đại Hải (Hóc Môn)… hầu như không thấy “bóng dáng” các loại rau VietGAP, RAT có đóng bao bì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng, nhiều tiểu thương bán rau tại các chợ này lại luôn miệng quảng cáo rau của mình đang bán là RAT để mời chào khách hàng. “Tôi thường đi chợ Hạnh Thông Tây, khi ghé qua các quầy bán rau đều được người bán luôn miệng giới thiệu, cam kết là rau sạch. Tuy nhiên, khi tôi hỏi sao rau không được đóng gói và ghi nhãn mác của HTX sản xuất thì người bán ấp úng cho rằng nhằm hạ giá bán để cạnh tranh với rau thường!” - chị Hằng (quận Gò Vấp) chia sẻ.
Người tiêu dùng làm sao phân biệt được rau nào là sạch |
Nhiều người tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, họ thường xuyên phải mua rau, củ tại các quầy RAT trong các siêu thị, nhưng các sản phẩm này thường ghi nhãn mác sơ sài, không cụ thể. Thậm chí nhiều loại cũng không có nhãn mác, không đóng gói, không ghi hạn sử dụng… nhưng giá lại cao hơn nhiều lần rau thường bán ngoài các chợ. Chị Nguyễn Võ Quỳnh Như (quận Thủ Đức) bức xúc: “Gia đình tôi thường mua rau trong siêu thị, nhưng thực chất mua bằng… niềm tin vì mua rau chỉ biết tin vào siêu thị mà không có cách nào kiểm chứng là có đúng là sản phẩm sạch thật hay không”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ tự phát ở TP Hồ Chí Minh, hầu hết các loại rau, củ không có bao bì nhãn mác. Các loại rau, củ đều được trồng từ các vùng ven TP và các tỉnh lân cận, thậm chí, có cả rau quả Trung Quốc được tập kết về các chợ đầu mối và từ chợ đầu mối phân phối ra các chợ bán lẻ, các cửa hàng, siêu thị… rồi tới tay người tiêu dùng. Tình trạng rau bán không bao bì, nhãn mác cũng được ghi nhận tại rất nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, nhất là các chợ đầu mối, chợ dân sinh ở cả nội thành và ngoại thành. Thậm chí, hình ảnh những xe rau, gánh rau “di động” len lỏi vào khắp các phố phường, ngõ ngách đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Thủ đô.
Trên địa bàn Hà Nội, theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tại 6 chợ đầu mối: Long Biên, Minh Khai, Vân Trì, Dịch Vọng, Liên Phương và chợ đầu mối phía Nam, mỗi ngày có khoảng 400 tấn rau củ của các tỉnh, thành được tiêu thụ tại đây với đa dạng chủng loại rau theo mùa vụ. Đáng lưu ý là rau của các tỉnh được tiêu thụ tại chợ đầu mối đều chưa được dán tem nhận diện, chưa có thông tin truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, tại các chợ đầu mối này, mỗi ngày có khoảng 200 tấn rau, củ quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai)… Lượng rau củ này đã được bao gói hoặc được đặt vào các rổ nhựa, có dán nhãn nhưng không phải bằng tiếng Việt.
RAT lúng túng tìm thị trường
Không bao bì nhãn mác, không ghi xuất sứ...nhưng người bán luôn "cam kết" là rau sạch! |
Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả đội ngũ tiểu thương cũng thiếu sự tin tưởng về chất lượng rau xanh bán trên thị trường hiện nay. Chị N., một tiểu thương tại chợ Tân Sơn (TP Hồ Chí Minh) cho hay, những loại rau củ như cà rốt, khoai tây, bắp cải… thường phải lấy hàng Trung Quốc về bán, vì những loại này vừa đẹp mắt, bảo quản được lâu mà giá bán lại rẻ hơn so với hàng trong nước. “Tôi cũng muốn bán RAT cho an tâm, nhưng nguồn cung không ổn định, giá lại quá cao nên rất khó bán. Nói thật tình, tôi cũng không tin tưởng các loại rau được cho là sạch hiện được bán trên thị trường là RAT” - chị N. thật thà chia sẻ.
Tuy nhiên, những đơn vị sản xuất RAT lại cho rằng, việc đưa RAT vào các chợ gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Cho – Chủ nhiệm một HTX tự quản chuyên sản xuất RAT, hiện nay, sản phẩm RAT không thể phân phối đại trà ra các chợ truyền thống, chợ tự phát, bởi các tiểu thương ít quan tâm đến vấn đề VSATTP mà họ chỉ quan tâm đến giá cả. Do đó, hiện HTX này chỉ cung cấp cho các cửa hàng RAT hoặc các thương lái thực sự quan tâm tìm đến mua.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng là đơn vị sản xuất rau chuyên cung cấp cho các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ hơn chục năm nay, nhưng gần đây sản phẩm của HTX “vắng bóng” trên hệ thống các siêu thị. Ông Trần Ngọc Yên - Chủ nhiệm HTX lý giải :“Chúng tôi đã lần lượt ngưng cung cấp hàng cho các hệ thống siêu thị vì thấy không minh bạch về quy trình lấy mẫu để kiểm tra chất lượng, thậm chí phải chung chi”.
Theo số liệu Sở NN&PTNN TP Hồ Chí Minh, hiện TP có khoảng 800 cơ sở, HTX, DN trên địa bàn đăng ký sản xuất RAT, rau VietGAP với diện tích trồng cả ngàn hécta. Tuy nhiên, để tìm mua được các loại rau này người tiêu dùng lại khá lúng túng, khó phân biệt với rau đại trà bởi chúng không có nhãn hiệu, bao bì, nguồn gốc xuất xứ… Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Cúc – Phó Giám đôc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, cho biết, rất khó nhận diện, phân biệt giữa sản phẩm RAT và không an toàn bằng mắt thường. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua rau tại các siêu thị và chuỗi thực phẩm sạch có uy tín trên thị trường.
Tương tự, tại Hà Nội, đầu ra cho RAT từ nhiều năm nay cũng luôn trong tình trạng bế tắc, không ổn định. Ông Hoàng Văn Toàn – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chúc Sơn cho biết, toàn thị trấn Chúc Sơn có 90ha sản xuất rau màu, trong đó vùng quy hoạch sản xuất RAT chiếm 65ha. Tính đến nay, diện tích rau được Sở NN&PTNT cấp chứng nhận vùng sản xuất RAT của thị trấn là 62,5ha. Sản lượng cung ứng bình quân trên 20 tấn/ngày với hơn 20 chủng loại rau, chủ yếu là su hào, bắp cải, súp lơ, cải ngồng… Tuy nhiên, hiện nay đa số bà con nông dân phải tự tiêu thụ ở các chợ nên thiếu ổn định và giá cả vẫn bị đánh đồng so với rau thông
thường.
Để hỗ trợ đầu ra cho nông dân, thời gian qua, một số HTX đã bắt đầu đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm RAT cho nông dân như HTX Văn Đức (Gia Lâm), HTX Đại Lan (Thanh Trì), HTX Phú An (Thanh Đa – Phúc Thọ) nhưng số lượng tiêu thụ chưa nhiều. Theo thống kê, toàn TP có khoảng 25 HTX sản xuất và tiêu thụ RAT với sản lượng chỉ đạt trung bình 200 – 300kg/HTX/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn TP có khoảng hơn 10 DN tham gia một phần chuỗi tiêu thụ RAT với sản lượng rau cung cấp cho thị trường trung bình 500 – 700 kg/DN/ngày, những ngày cao lên khoảng 2 – 3 tấn/DN/ngày. Con số này so với nhu cầu tiêu dùng 2.000 - 3.000 tấn rau/ngày của TP thì còn quá ít ỏi, cho thấy đầu ra của RAT vẫn là một bài toán khó chưa tìm được lời giải thích đáng (còn nữa).
Bài 2: Rau bán trong siêu thị, có thật là rau an toàn ?