Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện 30 quy trình kỹ thuật sản xuất RAT nhằm giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường.
Khung kỹ thuật sát thực tế
Thời điểm hiện tại, Hà Nội cần phải điều chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất RAT để phù hợp với thực tiễn bởi ngày càng xuất hiện nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mới. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng thuốc BVTV trên thị trường đã có tới 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm. Tuy nhiên, nhiều thuốc BVTV có cùng hoạt chất, hàm lượng nhưng lại đăng ký phòng trừ đối tượng bệnh hại khác nhau. Do đó, bộ quy trình kỹ thuật chỉ khuyến cáo nông dân dùng các loại thuốc BVTV đã đăng ký sử dụng trên rau trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã đưa vào sản xuất thử nghiệm gần 400 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV tại các vùng chuyên canh rau. Trong đó, chủ yếu hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp thủ công như: Ngâm nước, bẫy bả protein, che vòm nilon mặt luống, chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư trên cây trồng…
Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. |
Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV, những cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng này đều rất dễ làm, chi phí thấp và mang lại hiệu quả cao. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bổ sung vào quy trình sản xuất RAT mới nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Đáng chú ý, bộ quy trình kỹ thuật hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón dùng đậu tương để bón cho rau nhằm từng bước giảm lượng phân bón hóa học. Với phương thức này, đất sẽ được bổ sung một lượng lớn chất dinh dưỡng có nguồn gốc hữu cơ, từ đó làm tăng độ phì cho đất và giảm mức độ sâu bệnh hại trên rau. Kỹ thuật bón bột, khô dầu đậu tương đã được Chi cục BVTV thí nghiệm, đánh giá thực tế trên nhiều loại cây trồng tại nhiều địa phương khác nhau. Kết quả cho thấy, bột và khô dầu đậu tương là loại phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao, phân hủy chậm, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân
Đóng góp ý kiến vào dự thảo quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, đại diện phòng kinh tế một số huyện cho rằng, để phù hợp với tập quán canh tác của từng địa phương, quy trình cần đề ra giải pháp tối ưu đối với sản xuất RAT của Hà Nội. Đó là kết hợp hài hòa giữa sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ và vô cơ. Theo TS Trần Minh Hằng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, Hà Nội đã triển khai thành công nhiều mô hình trồng rau trái vụ, do đó quy trình cần bổ sung phương pháp canh tác cho các loại rau này. Bên cạnh việc hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ, cần hướng dẫn thêm về các loại phân bón tổng hợp khác để nông dân có thêm sự lựa chọn.
TS Nguyễn Văn Vấn - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Hà Nội xây dựng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất RAT mới rất phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng. Song, ông Vấn cũng bày tỏ lo ngại Hà Nội sẽ khó có đủ lượng nguyên liệu đậu tương để phục vụ làm phân bón cho các vùng sản xuất RAT. Mặt khác, sản xuất RAT thiên về sử dụng các loại phân bón hữu cơ thì mẫu mã sản phẩm RAT sẽ không bắt mắt người tiêu dùng. Vì vậy, nên hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hóa học với hàm lượng phù hợp nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch từ 15 - 20 ngày để không tồn dư hàm lượng nitrat trong rau.
Nắm bắt những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sở dĩ bộ quy trình kỹ thuật khuyến cáo nông dân sản xuất RAT hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học vì mục tiêu chiến lược của TP là phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Vì vậy, song song với việc sớm ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất RAT mới, Sở sẽ xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ nông dân sản xuất RAT theo hướng hữu cơ.
Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế - AgroViet 2016 đã diễn ra tọa đàm “Nông nghiệp hữu cơ – Giải pháp cho nông sản thực phẩm sạch”. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, phương thức sản xuất hữu cơ hiện nay đang trên đà phát triển tốt. Nếu như năm 2010, cả nước chỉ có 21.000ha sản xuất hữu cơ thì đến nay đã tăng lên trên 43.000ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, TP như Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng… (Văn Thắng). |