Làm thế nào để cung RAT gặp cầu là bài toán đang đặt ra cho các địa phương, nhất là hai TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thay đổi tư duy sản xuất
Một vườn rau sạch ở xã Xuân Thới Thượng - Hóc Môn - TP. Hồ Chí Minh |
Từ năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch vùng sản xuất RAT trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo quy hoạch này, đến năm 2015, diện tích canh tác RAT toàn TP Hồ Chí Minh là hơn 3.400ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng 390.760 tấn/năm. Kế hoạch đến năm 2020, diện tích canh tác RAT của TP là 3.677ha, năng suất 27 tấn/ha, sản lượng 437.612 tấn/năm. Tuy nhiên, trong những ngày rong ruổi khắp các huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh theo danh sách các hộ trồng RAT, rau VietGAP do Sở NN&PTNT cung cấp, chúng tôi tìm “đỏ mắt” cũng không thấy ruộng rau nào được trồng đúng theo quy chuẩn RAT hoặc rau VietGAP.
Trong vai người đi tìm nguồn hàng RAT và rau VietGAP để mở chuỗi tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được nhiều hộ trồng rau cho biết: “Không thể áp dụng các tiêu chí RAT hoặc rau VietGAP vì nhiều chỉ tiêu rất khắt khe, chi phí sản xuất lớn, sản lượng lại không cao trong khi thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và giá bán lại bị cào bằng với rau thường”. Hơn nữa, quy mô sản xuất của các hộ dân còn nhỏ lẻ, manh mún cũng là nguyên nhân dẫn đến khó áp dụng tất cả các tiêu chí theo tiêu chuẩn RAT, VietGAP. Bởi vậy, theo ông Trần Ngọc Yên – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng, muốn đưa được RAT đến với người tiêu dùng, đầu tiên người sản xuất phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm do mình làm ra, dám chịu trách nhiệm về sản phẩm đó. Tiếp đến là xây dựng thương hiệu cho RAT, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất RAT của chính mình.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phân công và thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn cho nông dân về những kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng rau cũng như kiểm soát quy trình sản xuất rau. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng để kịp thời ngăn chặn việc sử dụng phân tươi, nước ô nhiễm cho rau và sử dụng biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe người vi phạm.
Tại Hà Nội, cho đến nay, toàn TP đã xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 2.081ha. Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với các địa phương rà soát, xác định, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất rau cho 5.000ha, trong đó RAT theo hướng VietGAP có 352,7ha. Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, RAT Hà Nội đã và đang hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ có tem nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc do Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, sản xuất RAT trên địa bàn TP cũng chủ yếu còn nhỏ lẻ, do hộ cá thể là chính. Trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 2 sào ruộng trồng rau. Số lượng hộ nông dân sản xuất rau lớn (khoảng 180.000 hộ) khiến cho việc tổ chức sản xuất, quản lý, giám sát RAT gặp nhiều khó khăn.
Bởi vậy, muốn có sản phẩm RAT đến tay người tiêu dùng, điều đầu tiên là phải thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của chính người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm.
Gia tăng liên kết
Rau sạch bán phải có bao bì, nhãn mác ghi rõ nguồn gốc |
Khi sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu và cho ra đời những sản phẩm RAT đảm bảo chất lượng, ATTP, việc khơi thông đầu ra sao cho cung gặp cầu cũng không hề đơn giản nếu thiếu sự liên kết giữa các nhân tố. Theo đó, bên cạnh hoạt động kết nối với người tiêu dùng, để đầu ra rộng mở cho RAT, người sản xuất cần phải liên kết với DN và đặc biệt, bản thân các hộ nông dân cũng phải liên kết với nhau thành các nhóm hộ. Ông Đỗ Hoàng Thạch – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho rằng, trong sản xuất, người nông dân hiện vẫn chưa liên kết với nhau tạo thành vùng nguyên liệu lớn nên DN chưa mặn mà vào thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, liên kết giữa DN và nông dân chưa bền chặt nên khi sản phẩm nhiều thì DN ép giá, khi thiếu sản phẩm thì người nông dân trà trộn sản phẩm không đạt chất lượng bán cho DN. Đây là vấn đề bất cập cần được giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc sản xuất và cung cấp RAT đến với người tiêu dùng hiện nay được TP rất được chú trọng và quan tâm. Trong đó tích cực vận động các hộ tham gia tổ hợp tác, liên kết sản xuất để tạo sự ổn định cho nông dân vùng sản xuất RAT, tiếp cận và phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận RAT với sử dụng thương hiệu nhà sản xuất. Được biết, tổng mức vốn đầu tư vốn cho phát triển RAT giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn TP Hồ Chí Mình là trên 345 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 90% hộ trồng theo phương pháp RAT trên địa bàn. Với điều kiện ruộng đất nhỏ hẹp hiện nay, liên kết đầu tiên bắt nguồn từ chính các hộ nông dân để tạo thành vùng sản xuất lớn, từ đó thu hút DN vào bao tiêu sản phẩm. Tiếp đó, khi đã có hợp tác với cả DN, Nhà nước và NTD trong đó có sự phân phối hài hòa lợi ích giữa các bên, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ RAT sẽ đảm bảo được tính bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng gợi ý, để tạo đầu ra cho chuỗi sản xuất RAT, các TP cần có quy định các bếp ăn tập thể, nhà trẻ mẫu giáo, đơn vị… phải lấy RAT từ những đơn vị được chứng nhận chất lượng ATTP.
RAT phải đáp ứng 4 chỉ tiêu sau: 1. An toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) (nghĩa là dư lượng thuốc BVTV thấp hơn mức cho phép). 2. An toàn về hàm lượng nitơrat (NO3). 3. An toàn về kim loại nặng. 4. An toàn về vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh cho người. |