Mới đây, chia sẻ trên VnExpress, ông Trần Việt Luận, ngụ quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát sinh 4 giao dịch chuyển khoản vào trưa 4/9. Vì không nhận được tin nhắn thông báo mã xác thực, biến động số dư qua điện thoại nên ông không phát hiện cho đến khi ra ngân hàng giao dịch vào chiều cùng ngày.
Khách hàng sử dụng VCB Digibank. Ảnh: Vietcombank.
"Lúc đến chi nhánh Nam Bình Dương làm lệnh chuyển tiền, tôi mới tá hoả khi nhân viên thông báo tài khoản chỉ còn 5 triệu đồng", ông Luận nói
Ngay sau đó, ông đưa điện thoại cho nhân viên ngân hàng kiểm chứng không nhận được tin nhắn và đề nghị lập biên bản, dừng ngay các giao dịch.
Khách hàng này khẳng định 4 giao dịch không phải mình thực hiện và cũng không biết đối tượng thụ hưởng là ai. Ông cho biết trước đó không cung cấp, chia sẻ tên truy cập dịch vụ hay mật khẩu VCB Digibank cho bất cứ ai.
Liên quan đến vụ việc tự nhiên mất tiền của ông Luận, đại diện Vietcombank cho rằng, đây là trường hợp nghi ngờ bị giả mạo giao dịch qua ứng dụng VCB Digibank dẫn đến bị rút tiền trong tài khoản.
Sau khi nhận đơn khiếu nại, chi nhánh ngân hàng đã kiểm tra trên hệ thống và làm việc với các bên liên quan để xử lý yêu cầu tra soát giao dịch, cấp mật khẩu VCB Digibank và hướng dẫn khách hàng kích hoạt lại dịch vụ.
Ghi nhận cho thấy, chuyện tiền trong tài khoản khi không “bốc hơi” như trường hợp của ông Luận không phải là hiếm.
Mới đây, bà N.N.T (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) phải thực hiện cách ly tại Hà Nội (do bay từ nước ngoài về) thì thẻ tín dụng phát sinh giao dịch bất thường. Trong quá trình liên lạc ngân hàng khóa thẻ, kẻ gian đã thực hiện thêm nhiều giao dịch khác. Sau khi ngân hàng tra soát thông tin, các giao dịch này được thực hiện trên website thegioididong.com và VPBank cho hay các giao dịch thành công và hợp lệ bao gồm họ tên chủ thẻ, 16 số đầy đủ in trên thẻ, ngày hết hiệu lực của thẻ, mã CVV, mã xác thực OTP được gửi về email (tùy khách hàng chọn gửi về email hay SMS - PV).
Hay như trước đó, thời điểm tháng 3/2020, ông Định (Tây Ninh) cũng cho biết, chỉ trong vòng 30 phút, kẻ gian đã thực hiện 35 giao dịch chuyển tiền và rút hơn 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình.
Cụ thể, sáng 18/2/2020, ông Định có đến phòng giao dịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Bình Dương) nộp 105 triệu đồng. Lúc 8h13, ông chuyển khoản 5 triệu đồng đến một tài khoản ở Vietcombank. Đến 19h36 cùng ngày, ông nhận được tin nhắn trừ 2,9 triệu đồng và liên tục nhận được nhiều tin nhắn trừ tiền khác sau đó.
Ngay lập tức gọi cho ngân hàng để nhờ khóa tài khoản (lúc này tài khoản còn hơn 1,5 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc gọi với tổng đài ngân hàng thì tài khoản bị trừ thêm 1,4 triệu đồng. Như vậy, số tiền ông bị mất tổng cộng hơn 100,1 triệu đồng.
Ngày 19/2/2020, ông Định ra ngân hàng trình báo sự việc và được phía ngân hàng cho biết tài khoản ông mất tiền là do chuyển bằng Sacombank Pay (app của ngân hàng). Tuy nhiên, ông khẳng định không hề sử dụng dịch vụ này.
Phần lớn vụ khách mất tiền "khủng" trong tài khoản hay sổ tiết kiệm ngân hàng đến nay vẫn đang chờ điều tra và chưa lấy lại được tiền.
Liên quan việc mất tiền trong tài khoản, tháng 1/2019 một nhóm khách hàng tại Hà Nội vô cùng hoang mang, lo lắng khi khoản tiền 170 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng TMCP Việt Á bỗng dưng “biến mất” một cách khó hiểu.
Cụ thể, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường, trú tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội), có gửi 6 món tiền với trị giá 170 tỷ đồng kỳ hạn 5 tháng lãi suất 5,5%/năm, hưởng lãi cuối kỳ tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Phòng Giao dịch Đông Đô (18 T1 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Khi gửi tiền vào tài khoản có làm hợp đồng trực tiếp với các nhân viên của ngân hàng tại phòng giao dịch. Tiền nộp vào tài khoản là tiền mặt, có chứng từ nộp tiền rõ ràng; tất cả hợp đồng đều có chữ ký của Giám đốc Phòng Giao dịch Đông Đô lúc đó là ông Quản Trọng Đức ký.
Khi đến hạn, bà Trinh cùng ông Cường lên rút lãi và gốc thì nhân viên giao dịch của VietABank, Phòng Giao dịch Đông Đô thông báo toàn bộ số tiền đã được rút hết trước đó, hiện không còn trong tài khoản.
Hay như trường hợp của bà Chu Thị Bình, một nữ đại gia trong ngành thủy sản, bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank TP Hồ Chí Minh từng khiến dư luận xôn xao. Được biết, toàn bộ các giao dịch với bà Bình tại ngân hàng này đều do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP Hồ Chí Minh, trực tiếp thực hiện. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.
Tuy nhiên, bà Bình không phải là trường hợp đầu tiên bị mất tiền trong sổ tiết kiệm. Trước đó, 17 khách gửi tiền mất 400 tỷ đồng tại Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng là một trong những vụ cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách lớn nhất gần đây. Liên quan đến vụ việc, đã có ba cán bộ của Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng bị khởi tố vì đã lừa đảo khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng.
Liên quan đến những sự cố tự nhiên mất tiền nói trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tại Việt Nam, có tình trạng thường phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới thực hiện việc chi trả. Nhưng tại các quốc gia phát triển, ngân hàng thường trả lại tiền cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ. Vì khi người gửi bị mất tiền, ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp nhân viên gian dối, lừa đảo rút tiền của khách hàng thì họ là người đại diện cho ngân hàng thực hiện giao dịch. Vì vậy, ngân hàng không thể đổ lỗi cho nhân viên và phải nhanh chóng bồi thường cho người gửi tiền.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình với quan điểm này. "Một cá nhân làm việc tại ngân hàng không thể tự mình rút tiền của khách hàng ra khỏi ngân hàng được, trừ phi khâu kiểm soát của ngân hàng đó bị tê liệt và bị vô hiệu hoá", luật sư Hưng cho biết trên Dân trí.
Làm thế nào để hạn chế bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng? Không tiết lộ tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả khi đó là bạn bè, người thân. Ngoài ra, người dùng cũng không nên viết mật khẩu ra giấy hoặc ghi chép/lưu trữ dưới bất kỳ hình thức nào (nếu dữ liệu chưa được mã hóa). Chỉ đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các thiết bị đáng tin cậy, không sử dụng điện thoại đã bị can thiệp vào hệ điều hành (jailbreak, root…). Đồng thời sau khi giao dịch xong, bạn nên đăng xuất tài khoản. Không sử dụng các thông tin cơ bản, dễ tìm như ngày tháng năm sinh, số điện thoại… để làm mật khẩu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tạo cho mình thói quen đổi mật khẩu định kỳ khoảng 1-2 tháng. Khi nhận được tin nhắn OTP, bạn cần kiểm tra các nội dung thông báo tin nhắn (số tiền, loại giao dịch, kênh thực hiện giao dịch...). Trong trường hợp thông tin không khớp đúng, người dùng tuyệt đối không nhập OTP vào bất cứ màn hình nào, cũng như không cung cấp OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Trong trường hợp nghi ngờ tài khoản ngân hàng bị xâm nhập, bạn hãy thực hiện các giải pháp bảo vệ theo thứ tự sau: Khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến. Đổi mật khẩu dịch vụ Gọi điện lên tổng đài của ngân hàng để được trợ giúp. |