Cuộc thi "Viết chữa lành" do Công ty Bookas (TP Hồ Chí Minh) tổ chức, diễn ra từ cuối tháng 6. Gần đây, một trang Facebook lấy tên "Cuộc thi viết chữa lành 2025" đã giả mạo ban tổ chức, sử dụng bộ nhận diện và hình ảnh, nội dung do ban tổ chức đăng tải trong group diễn ra cuộc thi để trục lợi lòng tin của độc giả, dẫn dụ người tham gia "làm nhiệm vụ" chuyển khoản tiền.
Nhóm lừa đảo tạo ra một fanpage lấy tên cuộc thi. Từ đó, lừa những người tham gia vào một nhóm Zalo. Bằng thủ pháp chuyên nghiệp, chúng bắt người tham gia trả lời 3 câu hỏi. Bước này là bước lấy niềm tin, để người tham gia nghĩ họ thực sự đã vào nhóm chính thống của cuộc thi. Tiếp theo chúng bắt mọi người tham gia "kết nối" chuyển tiền làm từ thiện. Số tiền là 680.000 đồng, với hứa hẹn sẽ được hoàn trả sau đó. Với thủ đoạn này, hiện đã rất nhiều người tham gia cuộc thi bị những kẻ xấu lừa gạt tiền.
Trang giả mạo cuộc thi nhằm lừa đảo các tác giả.
Đơn cử, chị T.N.T.N. (33 tuổi, Cà Mau) cho biết mình bị lừa đảo sau khi tham gia cuộc thi quảng bá ở fanpage Facebook "Cuộc thi viết chữa lành 2025". Sau khi nhắn tin đăng ký, chị được cấp mã dự thi và hướng dẫn cài đặt ứng dụng Lotus Chat để xét duyệt.
Ban đầu, chị được yêu cầu chuyển một khoản tiền nhỏ (680.000 và 2.980.000 đồng) và được hoàn trả đầy đủ, tạo cảm giác tin tưởng vào ban tổ chức. Sau đó, chị bị đưa vào một nhóm chat khác, nơi các “điều phối viên” tiếp tục yêu cầu, thúc giục chuyển thêm tiền để hoàn tất các bước “điểm danh”, “xét duyệt hồ sơ”, “làm nhiệm vụ cuối cùng”.
“Lúc đầu tôi nghĩ chỉ vài trăm nghìn, vài triệu, sau lại là 8.500.000 đồng, 30.980.000 đồng, rồi 76.980.000 đồng… đến khi tổng số tiền đã lên đến hơn 400 triệu đồng mà vẫn không được hoàn lại”, chị kể. Mỗi lần chị thắc mắc, các đối tượng đều đưa ra lý do rằng chị làm sai thể lệ hoặc còn một bước cuối cùng phải hoàn tất.
Ông Vy Thiên Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOOKAS, cho biết vào ngày 4/7 vừa qua, đã làm đơn tố cáo hành vi sử dụng công nghệ cao để mạo danh chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội, gửi đến Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Một số đối tượng xấu đã lợi dụng cuộc thi để thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả mạo fanpage, giả danh ban tổ chức và yêu cầu người tham gia chuyển khoản. Chỉ sau chưa đầy một tháng triển khai, chúng tôi đã phát hiện fanpage và tài khoản mạo danh cuộc thi với các dấu hiệu tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, tinh vi.
Cũng theo ông Hùng: "Sau khi tạo fanpage mạo danh, kẻ lừa đã nhắn tin trực tiếp cho thí sinh, tự nhận là ban tổ chức hoặc thành viên điều phối, yêu cầu người tham gia chuyển khoản các khoản tiền phi lý như: 680.000 đồng để "ủng hộ từ thiện" hoặc "xác nhận tư cách thí sinh", 2.980.000 đồng để "hoàn tất hồ sơ" hoặc "nhận giải vòng sơ khảo". Bên cạnh đó còn dẫn dụ người dùng bằng cách hoàn trả khoản đầu tiên để tạo lòng tin, sau đó tiếp tục yêu cầu chuyển tiền. Đã có nhiều nạn nhân chuyển khoản, mất tiền triệu cho đến chục triệu đồng. Họ chỉ phát hiện bị lừa khi không thể liên hệ lại với kẻ lừa".
Nhà văn Tống Phước Bảo - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết đây là lần đầu tiên 1 cuộc thi văn chương vướng vào vụ lừa đảo. Ông khẳng định ban tổ chức hoàn toàn không thu tiền hay lập nhóm Zalo, kêu gọi từ thiện.
Nhà văn cũng đăng tải bài viết trên trang cá nhân, kêu gọi mọi người cảnh giác, tránh "sập bẫy" bọn xấu như 1 số nạn nhân mắc phải thời gian qua.
Cuộc thi Viết chữa lành do đơn vị Bookas tổ chức. Đây không chỉ là một sân chơi dành cho các tác giả trẻ, các cây viết tiềm năng mà còn là hành trình để mỗi người kể lại câu chuyện của mình bằng sự tưởng tượng và cảm xúc chân thật nhất.
Cuộc thi là cơ hội để mỗi tác giả viết, xoa dịu nỗi tổn thương của chính mình và những người xung quanh, với tổng giải thưởng lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Đội ngũ ban giám khảo cuộc thi gồm: Nhà văn Tống Phước Bảo, Võ Thu Hương, BTV Hoàng Huỳnh Phương Vy, Cẩm Nghiên…