Trong đó, thiết thực nhất là chính quyền TP đã có nhiều việc làm vì đời sống vật chất của dân, từ khơi nguồn hàng, chuẩn bị vốn, đến hướng dẫn sản xuất, tổ chức hệ thống bán buôn, bán lẻ… Tết này hàng hóa đầy đủ, vui tươi hơn, nhiều chỗ chơi hơn, nhưng người Hà Nội vẫn chưa thể yên tâm vì thực phẩm trong dịp Tết.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Chưa bao giờ rau bẩn, thịt bẩn, hàng khô bẩn, bánh trái bẩn nhiều và ngang nhiên như bây giờ. Có lẽ kỹ thuật, công nghệ càng phát triển, người ta càng có điều kiện làm hàng bẩn, hàng giả. Xưa nông dân được tiếng thật thà, chịu nhiều thiệt thòi trên thương trường, chẳng như bây giờ. Mà cũng bởi kỹ thuật, công nghệ cao, những cái giả, cái bẩn thật khó biết, dễ trà trộn.
Cho nên từ lâu, đã thành thói quen, người Hà Nội âm thầm tẩy chay hàng bẩn, hàng chợ. Rau nhà trồng, thịt nhà nuôi, ít ra của người thân cho hoặc biếu thì mới tin. Như một phong trào, người ta trồng rau, nuôi lợn, gà ở khắp nơi như thời bao cấp, chỉ khác là thời bao cấp vì thiếu, thời này vì niềm tin lung lay. Những công ty thiết kế, xây dựng vườn rau, chuồng lợn, chuồng gà gia đình ra đời nhan nhản trên mạng.
Dư luận, báo chí kêu nhiều đến mức Chính phủ phải vào cuộc. Không thể nói một đất nước đang phát triển và ổn định, có một Chính phủ năng động và sáng tạo mà đời sống người dân không an toàn. Và chỉ sau một thời gian ngắn, Chính phủ và chính quyền TP đã làm quyết liệt, cụ thể, đến nơi đến chốn và niềm tin đang được lấy lại. Nhưng thói quen không tin hàng chợ bắt đầu thay đổi thì Tết đã đến.
Nhìn lại, vấn đề thực phẩm bẩn dịp Tết này đã đỡ nhiều, thức ăn đồ uống đã yên tâm hơn, trong đó có công của ngành y tế và báo chí. Riêng báo chí đã đưa hàng trăm tin khẳng định việc làm tốt (bắt bao nhiêu vụ buôn lậu, phát hiện hàng giả, ký cam kết liên tịch, thành lập đoàn thanh tra, chuẩn bị hàng hóa, vốn vay…) góp phần tiếp sức cho người dân trong cuộc chiến đấu này. Nhưng vẫn có điều đáng trách, đó là cũng như chính quyền, chúng ta còn có phần coi nhẹ khâu phân phối, chủ yếu do tư nhân nắm giữ. Giữa rất nhiều thông tin tốt, bỗng có một vài thông tin kiểu như ở công ty nọ có 3.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trái qui định, hoặc 70% lò giết mổ ở Hà Nội còn mất vệ sinh, 40% hoa quả bán ở Bắc Việt Nam là hàng lậu Trung Quốc. Thế là bao nhiêu niềm in vừa nhen nhóm bỗng sụp đổ.
Hơn thế, người ta còn đặt ra câu hỏi: Thực phẩm sạch nơi sản xuất nhưng đến tay người tiêu dùng còn sạch không? Thì ra, trong chiến dịch làm sạch thực phẩm này, người ta buông lỏng khâu phân phối, tức là bỏ qua khâu từ ruộng, từ chuồng đến chợ. Sản phẩm làm ra có thể rất tốt, nhưng đó là khâu sản xuất, còn đến tay người dùng có an toàn không, người quản lý không chịu trách nhiệm. Mà tư thương thì bất kỳ thủ đoạn nào cũng làm, miễn có lợi như tiêm thuốc an thần vào lợn, nhồi bánh đúc vào gia cầm, cho nhựa thông vào khi làm lông gà vịt… Chỉ người dùng là lãnh đủ. Chắc chắn những lò mổ, phản thịt, thúng cá… mất vệ sinh không thể khắc phục xong từ nay đến Tết, vì vậy sẽ có rất nhiều thực phẩm không sạch vẫn được bán hợp pháp ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.
Còn hơn một tháng nữa là Tết Mậu Tuất, nếu làm vẫn còn kịp. Mong rằng Chính phủ cũng như chính quyền TP cùng việc tăng cường các khâu quản lý khác, tập trung vào khâu lưu thông thực phẩm, vì đó là khâu quyết định có thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.