Theo quy định tại điều 42 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì mô tô, xe gắn máy sẽ phải được kiểm định theo quy định:
"Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia."
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Như vậy, việc kiểm định xe máy chỉ giới hạn ở việc kiểm định khí thải. Các quy định, trình tự, cũng như thủ tục thực hiện sẽ được các cơ quan có chức trách đưa ra cụ thể trong thời gian tới để giúp người dân nắm rõ và chuẩn bị cho thay đổi lớn này.
Xe gắn máy được xem là phương tiện lưu thông chính và chiếm số lượng đông đảo lưu thông trên đường. Việc kiểm định khí thải xe gắn máy và xe mô tô mang lại nhiều lợi ích như sau:
+ Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu lượng khí thải độc hại như CO2 và các hạt bụi mịn, góp phần làm sạch không khí và bảo vệ tầng ozon. Xe máy và mô tô được kiểm định khí thải sẽ thải ra ít khí độc hại hơn, giúp cải thiện chất lượng không khí.
+ Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Giảm thiểu các bệnh về hô hấp, tim mạch và các bệnh mãn tính khác do ô nhiễm không khí gây ra. Ngoài ra sẽ giảm khí thải từ phương tiện giao thông sẽ làm giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
+ Nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu: Các xe được kiểm định và bảo dưỡng đúng cách sẽ tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành cho người dân.
+ Tăng tuổi thọ phương tiện: Kiểm định và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề kỹ thuật, từ đó tăng tuổi thọ và đảm bảo an toàn khi vận hành xe, nâng cao chất lượng xe.
Việc kiểm định khí thải đối với xe gắn máy và xe mô tô là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Quy định này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân.
Theo Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, giai đoạn 2005 - 2022 đã có mức tăng trưởng số lượng xe máy đạt trung bình 9,1%/năm, tổng cộng đã có 69,2 triệu chiếc xe máy được đăng ký trên toàn quốc và số xe đang lưu hành trên đường thực tế đạt khoảng 45,5 triệu chiếc.
Thống kê năm 2020 cho thấy địa bàn Hà Nội có tỷ lệ xe mô tô, xe gắn máy lưu hành đạt 84%, TP Hồ Chí Minh đạt 91% và Đà Nẵng đạt 90%. Xe máy dự kiến vẫn sẽ là phương tiện cá nhân thông dụng, phổ biến trong giai đoạn 2025-2030, đồng thời cũng sẽ là loại xe phát thải nhiều nhất.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố, xe máy trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Hiện xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn.
Điều 43 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định chủ xe máy "Phải bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đưa phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ".