Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2022 cả nước xuất khẩu 583.203 tấn gạo, tương đương 275,31 triệu USD, giá trung bình 472 USD/tấn, giảm gần 19% cả về lượng và kim ngạch, và giảm nhẹ 0,2% về giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 cũng giảm 1,6% về lượng, giảm 6% kim ngạch và giảm 4,4% về giá.
Trong tháng 9/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tiếp tục giảm mạnh trên 40% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 8/2022, đạt 184.817 tấn, tương đương 81,59 triệu USD; và cũng giảm 34,8% về lượng, giảm 40,9% kim ngạch, giảm 9,4% về giá so với tháng 9/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 9/2022 tiếp tục tăng rất mạnh 94,7% về lượng và tăng 89,6% kim ngạch so với tháng 8/2022, đạt 105.568 tấn, tương đương 50,2 triệu USD; so với tháng 9/2021 thì giảm 5,5% về lượng, nhưng tăng 5,1% kim ngạch.
Xuất khẩu gạo thu về gần 2,61 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Tính chung 9 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 5,37 triệu tấn, tương đương gần 2,61 tỷ USD, tăng 17,7% về khối lượng, tăng 7,9% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn, giảm 8,4%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 46% trong tổng lượng và chiếm 43,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,47 triệu tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, giá trung bình 462,9 USD/tấn, tăng mạnh 35,3% về lượng, tăng 22,2% về kim ngạch nhưng giảm 9,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 11,7% trong tổng lượng và chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch, đạt 626.012 tấn, tương đương 319,41 triệu USD, giá trung bình 510,2 USD/tấn, giảm 26% về lượng và giảm 24,7% kim ngạch; giá tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 546.976 tấn, tương đương 246,9 triệu USD, giá 451,4 USD/tấn, tăng mạnh 94,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đến thời điểm này mặt bằng giá gạo của Việt Nam tăng khoảng 40 - 50 USD/tấn. Hiện thị trường gạo đang chuyển biến tích cực, lượng khách hàng tìm đến Việt Nam như nguồn cung thay thế nhiều hơn và xu hướng tăng giá vẫn còn tiếp diễn.
Gạo 5% tấm của Việt Nam chào giá cho cuối tháng 10, đầu tháng 11 mức 455 - 450 USD /tấn (FOB), hàng container, cao hơn gạo của Thái Lan khoảng 10 USD/tấn. Tuy nhiên, giá chào này là khá cao nên khách hàng đang xem xét lại.
Gạo OM 18, ĐT 8 chào mức 480 USD - 490 USD/tấn tùy theo chất lượng. Gạo Jasmine chào bán đi các thị trường cơ bản có giá từ 540 USD - 550 USD/tấn. Gạo Jasmine vẫn giao dịch bình thường, còn với gạo thơm nhẹ hay gạo trắng thường giao dịch khá trầm lắng, do giá mức khá cao nên khách hàng tỏ ra e dè. Ở thị trường trong nước mua các loại gạo này muốn mua với số lượng lớn cũng không mua được vì đã qua mùa vụ.
Trước đây Philippines dự kiến nhập khẩu gạo vào tháng 12, khi vụ mùa ở nước này kết thúc, nhưng nay do tình hình bão lũ tàn phá nặng nề các vùng nông nghiệp trọng điểm, nên chính phủ nước này đang tính đến chuyện nhập khẩu thêm gạo để đủ tiêu dùng trong nước, và tồn kho dự trữ quốc gia, khoảng 200.000 tấn/tháng cho 3 tháng cuối năm nay.
Dự kiến Philippines sẽ triển khai kế hoạch này vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời điểm này lúa Thu Đông 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch sẽ giúp đầu ra lúa Thu Đông thuận lợi hơn về mặt giá cả.
Thực tế, năm nào cũng vậy khi vào mùa thu hoạch lúa Philippines sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo, hoặc nhập khẩu ít lại để xem thu hoạch trong nước như thế nào mới quyết định lượng gạo (trắng thường) nhập khẩu theo hạn nhập chính phủ. Đó là đối với gạo trắng thông thường, còn đối với các loại gạo cao cấp như: Japonica, thơm cao cấp, dòng gạo ST... các thương nhân vẫn nhập khẩu bình thường.
Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay những biến động trên thị trường gạo thế giới như chiến tranh, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều nước phải tính toán lại nhu cầu an ninh lương thực của mình. Trong khi đó, nguồn cung gạo của Việt Nam được duy trì ở mức khá ổn định, do đó đây là cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu.