Dù đã bước chân vào thị trường từ đầu năm 2014 tuy nhiên cho đến nay, cũng như tại Trung Quốc, Uber Việt Nam vẫn đang duy trì mức hỗ trợ đáng kể cho lái xe, lên đến 50% doanh thu và liên tục có các mã giảm giá, miễn phí chuyến đi cho người dùng và người dùng mới.
Tuy nhiên, nhìn vào sự thất bại của Uber tại thị trường Trung Quốc, liệu việc hỗ trợ lái xe và khuyến mại cho người dùng như hiện tại có phải là một chiến lược kinh doanh bền vững của Uber?
Thậm chí, tại Việt Nam, Uber còn gặp một rắc rối khác nằm ở các quy định nhằm thắt chặt hoạt động đặt xe qua ứng dụng không có lợi đối với Uber.
Hồi tháng 10/2015 Uber từng trình Bộ Giao thông vận tải Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam. Tuy nhiên, Uber đã bị Bộ Giao thông trả lại đề án với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.
Sau đó, Bộ Giao thông đã đề nghị phía Uber sửa lại đề án nhưng cho tới thời điểm này Uber vẫn chưa có động thái nào khác. Hiện mới chỉ có Vinasun và Grab là 2 công ty được phát triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam cũng đang đau đầu khi chưa thể thu được một đồng thuế nào từ Uber dù đã làm việc nhiều lần với đại diện Uber. Trong khi, theo thống kê trước đó từ Cục thuế TP.HCM mỗi ngày taxi Uber chuyển lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng về công ty quản lý tại Hà Lan.