Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng quanh mức 1.732 USD/ounce, tăng hơn 6 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng trên thị trường quốc tế đêm qua tăng trở lại, do thông tin quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã ngừng bán ra. Trước đó, phiên ngày thứ 3 và thứ 4 quỹ này đã bán 8,75 tấn vàng. Đây là lần thứ 2 trong tháng 3 quỹ SPDR phải ngừng bán vàng để giữ giá kim loại quý.
Giá vàng giảm mạnh
Chuyên gia nhận định, giá vàng tạm thời ngừng rơi do tổ chức SPDR không bán ra, khiến thị trường hạn chế nguồn cung chứ không có tác động nào từ các thông tin kinh tế.
Giá vàng đang chịu áp lực do số liệu kinh tế Mỹ lạc quan. Mới đây Bộ Lao động Mỹ công bố tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 684.000 trong tuần, giảm đến trên 70.000 đơn so với tuần trước đó, thấp hơn ước tính 735.000 được khảo sát trước đó. Cùng với đó là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao, còn đồng USD tăng khá tốt từ đầu năm đến nay. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) đã lên cao nhất trong vòng 4 tháng qua.
Tuần qua, EU đã công bố số liệu nhà quản trị mua hàng chung trong khu vực châu Âu cũng như tại các nền kinh tế lớn trong khu vực là Anh, Đức, Pháp đều tăng trưởng tốt trong tháng 1 và 2/2021. Các thông tin kinh tế tăng trưởng tốt đã khiến cho vàng giảm sâu.
Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới đã giảm 13 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Chuyên gia nhận định, việc lợi suất trái phiếu tăng và điều kiện kinh tế được cải thiện, cho thấy thị trường đang bắt đầu lạc quan hơn về đồng đô la Mỹ. Nếu USD duy trì trên mức trung bình cộng 200 ngày thì có thể đồng tiền này và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ còn tăng thêm. Điều này sẽ gây bất lợi cho vàng. Chuyên gia dự báo, nếu kim quý phá ngưỡng 1.720 USD/ounce thì còn lùi sâu thêm về vùng 1.700 USD.
Tuần này, vàng SJC chủ yếu đi theo xu hướng thế giới. Giá vàng SJC trên thị trường tự do và tại Doji đã giảm 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Phú Quý giảm 130.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, tuần này giá vàng trong nước biến động trong biên độ hẹp, cộng với giá của SJC vẫn cao hơn vàng thế giới đến trên 6 triệu đồng nên thị trường hạn chế nhà đầu tư. Chủ yếu khách giao dịch nhỏ lẻ. Doanh nghiệp cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên vội vàng giao dịch mà cần xem xét các yếu tố tác động lên thị trường để có quyết định đầu tư đúng đắn.
Giá xăng tiếp tục tăng
Tại kỳ điều chỉnh ngày 27/3, liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cụ thể: Xăng E5RON92 ở mức 1.900 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 1.050 đồng/lít, dầu diesel ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 600 đồng/kg.
Giá xăng tiếp tục tăng.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, từ 15 giờ ngày 27/3, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 165 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 129 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 17.851 đồng/lít và xăng RON 95 là 19.046 đồng/lít.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu được điều chỉnh giảm. Giá dầu diesel giảm 158 đồng/lít; dầu hỏa 169 giảm đồng/lít; dầu mazut giảm 12 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 14.243 đồng/lít; dầu hỏa là 13.004 đồng/lít và dầu mazut là 13.757 đồng/kg.
Giá tôm tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg
Sau thời gian sụt giảm và giữ ở mức thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện nay giá tôm thẻ tại tỉnh Bến Tre đã phục hồi trở lại, tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg so với dịp cuối năm 2020. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 90.000 - 95.000 đồng/kg, tôm cỡ lớn từ 20-30 con/kg có giá từ 190.000 - 235.000 đồng/kg.
Giá tôm tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trung, xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết, giá tôm hiện nay tăng đều ở các loại, do vậy người dân vui mừng an tâm hơn, vì thị trường tiêu thụ đa dạng, giúp người nuôi tôm dễ bán.
Hiện nay, gia đình ông Trung đang chuẩn bị thu hoạch ao tôm thẻ nuôi trải bạt, thương lái đã tìm đến đặt hàng với giá 190.000 đồng/kg, ước sản lượng hơn 5 tấn, lợi nhuận ước khoảng 300 triệu đồng.
Giá tôm tăng cao người dân phấn khởi hơn, đồng thời lợi nhuận nhiều sẽ giúp người dân có điều kiện để đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghệ cao hai giai đoạn. Từ đó, nuôi tôm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn gấp từ 3-4 lần so với nuôi ao đất theo truyền thống như trước đây.
Theo các thương lái thu mua tôm, hiện nay nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu tăng trở lại sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, hiện nay đang vào đầu vụ nuôi, sản lượng cung còn thấp, làm cho giá tôm tăng hơn so với dịp cuối năm và cùng kỳ năm 2020.
Nhiều loại trái cây tăng giá
Khoảng 1 tuần nay, nhiều loại trái cây ở tỉnh Tiền Giang tăng giá từ 5%- 10% so với tuần trước đó. Nổi bật như bưởi xanh loại I giá trên 20.000 đồng/kg; dừa xiêm từ 75.000 - 80.000 đồng/chục (12 quả); thanh long ruột trắng trên 15.000 đồng/kg, ruột đỏ hơn 28.000 đồng/kg; hồng xiêm từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Với mức giá này, các nhà vườn rất phấn khởi vì có lãi.
Nhiều loại trái cây tăng giá.
Theo các doanh nghiệp thu mua trái cây cho biết, nhiều mặt hàng trái cây tăng giá là do thị trường xuất khẩu có chuyển biến tốt; trong khi đó vào cao điểm khô hạn sản lượng trái cây giảm dẫn đến “cầu vượt cung” khiến giá bán tăng lên.
Tỉnh Tiền Giang có hơn 70.000 ha vườn cây ăn trái với 11 loại trái cây đặc sản chủ lực. Đến thời điểm này, dù vào cao điểm mùa khô nhưng nguồn nước ngọt vẫn đảm bảo, vườn cây đang tươi tốt.
“Thời điểm này giá thanh long đang cho nhà vườn thu lãi. Đối với thanh long ruột đỏ chong đèn, chi phí đầu tư bình quân từ 8.000 - 10.000 đồng/kg nên nhà vườn lãi từ 15.000 - 16.000 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh khiến giá thanh long tăng cao, tuy nhiên diện tích thu hoạch còn lại không nhiều bởi phần lớn thanh long đã bán dịp Tết, đợt này chỉ còn lại thanh long chong đèn”, ông Lê Văn Lập, nhà vườn trồng cây thanh long tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo chia sẻ.