Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.786 USD/oz, tăng 10 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng giảm mạnh.
Tuần qua, giá vàng thế giới đã chịu áp lực mạnh từ báo cáo kinh tế tại Mỹ. Theo đó, sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 1/2021 tại Mỹ đã tăng 5,9% so với tháng 12 năm ngoái và vượt xa mức tăng trưởng 1% trong dự báo trước đó; cùng với báo cáo cuộc họp tháng 1 của Fed là giữ nguyên lãi suất gần bằng 0% và tiếp tục tăng mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Những thông tin trên đã cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt kể từ khi có dịch bệnh Covid-19.
Giới đầu tư cho rằng, nếu như các chính sách hỗ trợ kinh tế tiếp tục được duy trì, kinh tế Mỹ có thể phục hồi nhanh hơn thời điểm hiện nay. Đồng USD cũng vì thế đã tăng mạnh trong những phiên gần đây, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh. Điều này đã khiến nhà đầu tư bán mạnh vàng chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Tính chung trong tuần giá vàng thế giới đã giảm 40 USD so với giá phiên đầu tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước biến động mạnh, phần lớn là giảm theo xu hướng thế giới. Chủ yếu trong cùng 1 phiên vừa đan xen đợt tăng với giảm. Tính chung, trong tuần vàng SJC trên thị trường tự do đã giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên cuối tuần trước.
Tại Doji vàng SJC giảm 950.000 đồng/lượng và tại Phú Quý giảm 1,05 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng tiếp tục giảm sâu là do, giới đầu tư lạc quan về sự phục hồi toàn cầu trong năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 có thể được đẩy lùi nhờ vào việc tiêm chủng mở rộng ở nhiều quốc gia.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý cho biết: Giá vàng trong nước năm nay gây bất ngờ trước dịp Vía Thần tài đó là giá giảm sâu. Có 2 nguyên nhân chính, đó là nhu cầu trên thị trường giảm hẳn so với mọi năm. Giá vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới đến trên 6 triệu đồng/lượng. Cũng bởi giá vàng trong nước quá cao, do đó nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc đầu cơ vàng, chủ yếu mua vàng trong những ngày này phát sinh từ nhu cầu mua may của người dân.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm qua, đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Giá vàng quốc tế giảm đã cộng hưởng khiến nhà đầu tư trong nước đứng ngoài thị trường.
Đầu năm, mít Thái tăng giá
Chị Nguyễn Thị Lệ, trồng khoảng 3.000 m2 mít Thái chuyên canh (ba công đất) tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy cho biết, mùng 4 Tết (15/2 dương lịch), chị vừa thu hoạch gần 200 kg mít, được thương lái thu mua giá bình quân 38.000 đồng/kg, bán thu 7,6 triệu đồng.
So với trước Tết Nguyên đán, giá mít tăng hơn gần 10.000 đồng/kg. Hiện nay, trong vườn nhà chị đang còn một lứa mít sắp thu hoạch trong những ngày tới, ước không dưới nửa tấn mít (500 kg).
Đầu năm, mít Thái tăng giá.
Chị Lệ cho biết, cây mít Thái cho thu hoạch gần như quanh năm, giá mít gần đây ổn định, lúc xuống thấp cũng ở mức 20.000 đồng/kg, còn khi cao điểm có thể trên 60.000 đồng/kg. Người trồng mít do vậy có thu nhập ổn định, vượt trội so với một số cây trồng khác.
Nông dân Trần Văn Phải, cư ngụ tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy chuyển đổi 1 ha đất lúa sang trồng mít Thái cho biết, 1 ha đất trồng mít đầu tư chi phí ban đầu khoảng 300 triệu đồng, sau 2 năm tuổi trở đi đã cho thu hoạch. Theo ông Trần Văn Phải, với giá mít Thái như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi ha cho thu nhập từ 700-850 triệu đồng/năm.
Nếu so với trồng lúa năng suất cao trước đây thì mức thu nhập cao gấp chục lần. Nhất là trong những ngày đầu năm mới âm lịch, mít Thái có giá, người trồng mít Thái ăn tết tươm tất, vui vầy no đủ nhờ nguồn thu nhập khá từ vườn cây đặc sản mang lại.
Rau xanh rớt giá thê thảm
Trước Tết Tân Sửu 2021, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến lượng tiêu thụ chậm, theo đó giá rau xanh giảm mạnh. Tình trạng này kéo dài đến cả sau Tết.
Rau xanh rớt giá thê thảm.
Tại vùng chuyên canh xã Tiền Yên và xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều loại rau xanh như: bắp cải, su hào, cải ngồng,... đến lứa thu hoạch song vẫn vắng bóng thương lái thu mua. Giá quá rẻ, nhiều nông dân cũng chẳng buồn thu hoạch khiến rau quá lứa, ế hỏng đầy đồng.
Ông Lê Hảo ở thôn Tiền Lệ (Tiền Yên) than thở: “Hôm nay may mắn cắt được 3 tạ rau cải giao cho nhà bếp. Hàng quán, trường học đóng cửa nên hầu như không có đơn vị thu mua. Như tầm này năm ngoái, nhà tôi không có rau mà bán”.
Gia đình ông trồng được 2 sào gồm các loại rau cải: cải cúc, cải ngồng, cải thìa, cải mèo. Thời điểm trước Tết, giá rau cải 5.000 đồng/kg, cải cúc cũng được 5.000 đồng/mớ nay giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg rau cải và 1.000 đồng/mớ cải cúc.
Theo ông Hảo, rau cải trồng khoảng 1 tháng là cho thu hoạch. Đợt này cho thu khoảng 1,5 tấn rau/sào, với giá rẻ như hiện nay, tính ra doanh thu chỉ khoảng 2 triệu đồng/sào, không đủ để bù chi phí. Thậm chí, nhiều ruộng rau cải quá lứa bị già, hỏng do không có người mua, vì vậy nhà ông phải vứt bỏ hơn 1 tấn rau các loại, thiệt hại lên đến cả chục triệu đồng.
Có diện tích trồng su hào, bắp cải lên đến gần 1 mẫu, gia đình cô Thành tại thôn Tiền Lệ cũng đang đứng ngồi không yên bởi giá đang rẻ như cho mà vẫn không có người mua.
Theo cô Thành, từ tháng 11 năm ngoái giá rau bắt đầu giảm mạnh. Trước đó, bắp cải có giá 10.000 đồng/kg rồi xuống dần chỉ còn 5.000 đồng/kg; su hào từ 15.000 đồng/kg giảm xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg (chỉ 2.000-3.000 đồng/củ). Đây là mức giá rẻ chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
“Hiện tôi còn 2-3 tạ su hào và khoảng 3 tấn bắp cải chuẩn bị thu hoạch nhưng vẫn chưa có thương lái thu mua. Tính ra, năm nay chỉ cho thu khoảng 5 triệu/sào su hào, 7-8 triệu/sào bắp cải, ít hơn gần một nửa so với năm ngoái”, cô nói.
Thậm chí, thời điểm trước Tết, gia đình cô còn trồng khoảng 2 sào cải thảo. Như năm ngoái bán được giá 14.000-15.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 6.000-8.000 đồng/kg. Song, do phần lớn số cây bị dính mưa kéo dài, sâu bệnh gây thối hỏng, cô chỉ thu được khoảng 3 tạ cải thảo, số còn lại phải bỏ đi lên đến cả tấn rau.
“Trồng chăm bẵm mất 2 tháng, vất vả ngày đêm, giờ bán đi gọi là vớt vát lại vốn được đồng nào hay đồng ấy”, cô ngán ngẩm.
Anh Nguyễn Văn Thiết ở xã Song Phương cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên rau phát triển nhanh, tươi tốt. Song, từ khi dịch bùng phát trở lại, sức mua giảm đáng kể. Hiện gia đình anh còn hơn 1 sào bắp cải, ước khoảng hơn 1.000 cây, đến lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa có người thu mua, rau còn đầy ngoài ruộng.
“Năm ngoái, rau củ non già, xấu mã tôi còn không có mà bán, dân buôn về tận nơi lấy. Vậy mà năm nay, tôi phải mang rau ra chợ bán lẻ còn lác đác người mua, gọi là nhặt lại chút vốn”, anh buồn rầu nói.
Bắp cải trồng khoảng 2,5 tháng cho thu hoạch, súp lơ thì phải 3 tháng. Với mức giá như hiện nay, nếu dịch không hết sớm, hàng quán, trường học tiếp tục đóng cửa thì người nông dân lỗ nặng, anh cho hay.
Giá tôm giảm mạnh
Từ sau mùng 6 Tết Tân Sửu đến nay, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh thương phẩm ở thị trường tỉnh Trà Vinh giảm mạnh mặc dù đang là thời điểm hết vụ thu hoạch của năm 2020.
Giá tôm giảm mạnh.
Theo giá các thương lái thu mua tại ao, loại tôm từ 15-20 con/kg (không ôm trứng) chỉ còn 110.000 đồng/kg, tôm loại 2 (9-12 con/kg) có giá từ 150.000-160.000 đồng/kg, tôm loại 1 (từ 8 con trở lại/kg) có giá từ 220.000-250.000 đồng/kg, giảm bình quân từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg.
Tôm thẻ chân trắng loại từ 60 con/kg có giá từ 105.000-110.000 đồng/kg, giá tôm sú được nuôi quảng canh loại 18-20 con/kg chỉ còn từ 250.000-280.000 đồng/kg, giảm bình quân 50.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua thủy sản tại chợ Trà Vinh, cho biết giá tôm thương phẩm nhiều loại chỉ tăng đột biến trong những ngày Tết Tân Sửu. Nhưng ngay sau mùng 6 Tết, tôm thương phẩm bắt đầu giảm sâu.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của người tiêu dùng không còn nhiều, nhất là ở thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh khi các nhà hàng, các đại lý đã giảm 60-70 % lượng tôm đặt hàng so với trước đó.
Tuy giá tôm thương phẩm các loại giảm mạnh nhưng không nhiều nông dân nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh bị thất thu do hầu hết bà con đã bán từ trước đó. Sản lượng tôm thẻ chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh hiện đang cung ứng ra thị trường chủ yếu là của số hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, thu hoạch dần số tôm đạt kích cỡ lớn để bán.
Ông Nguyễn Văn Huệ, hộ dân chuyên nuôi tôm càng xanh ở ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, cho biết xã Long Hòa có khoảng 750 hộ dân thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ-tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm thẻ chân trắng-1 vụ tôm càng xanh, với tổng diện tích gần 700ha.
Từ trước Tết Nguyên đán khoảng 7 ngày, diện tích nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa đã được thu hoạch gần 90 % diện tích. Sản lượng tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng hiện đang được nông dân trong xã bán ra thị trường chỉ là số lượng tôm sót lại sau thu hoạch và tôm nuôi quảng canh thu hoạch tỉa thưa. Vì vậy, tuy giá tôm có giảm nhiều nhưng nông dân bị thiệt hại không đáng kể.
Giá cua biển tăng kỷ lục, nông dân Cà Mau trúng lớn
Năm nào cũng vậy, vào những ngày giáp Tết, cua biển ngon nhất miền Tây tại Cà Mau luôn đạt giá cao ngất ngưỡng. Năm nay, nhiều hộ dân vùng cực Nam Tổ quốc có cái Tết đầy đủ và sung túc hơn bởi giá cua biển tăng mức kỷ lục.
Cua biển Cà Mau vốn có chất lượng ngon hẳn so với các tỉnh thành khác trong khu vực và rất được người tiêu dùng ưa chuộng, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu đi các nước. Vì vậy, vào mỗi dịp cuối năm, giá cua luôn tăng mạnh so với ngày thường.
Giá cua biển tăng kỷ lục, nông dân Cà Mau trúng lớn.
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh nhận định: Vào dịp cuối năm giá cua luôn tăng mạnh cho đến qua Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại Cà Mau cua gạch loại đặc biệt (500 gram trở lên) được thương lái đến tận nhà thu mua với giá 1 triệu đồng/kg, cua gạch loại 2 (dưới 500 gram) giá 800.000 đồng/kg; cua y nhất giá 420.000 đồng/kg...
Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), cho biết gia đình ông năm nay trúng lớn vụ cua Tết. Dịp này, mỗi ngày ông đặt rập bắt được khoảng 5kg cua các loại, thu về hơn 3 triệu đồng.
"Khoảng mùng 6 tháng Chạp, tôi đặt rập bắt cua chưa đủ gạch, y mềm… cho vào ao nuôi lại. Sau đó, lấy cá tạp cho cua ăn đến Tết thì thu hoạch để bán được giá cao", ông Minh phấn khởi nói.
Chung niềm vui với ông Minh là hộ ông Nguyễn Văn Nam. Lão nông này cho hay nhờ vụ cua Tết trúng giá mà gia đình ông có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho gia đình có cái Tết tươm tất hơn.
Theo lời ông Nam, hàng năm ngoài dịp Tết thì cua biển còn tăng giá vào các dịp lễ lớn, mỗi đợt kéo dài từ 4-5 ngày.
"Để cua bán ngay dịp Tết, vào tháng 7 âm lịch tôi bắt cua giống về thả nuôi. Sau 5 tháng, cua nuôi sẽ lên gạch lứa đầu và có trọng lượng khoảng 300 gram. Đây là bí quyết giúp tôi nhiều năm liền có cua bán ngay đợt giá cao", ông Nam chia sẻ.
Thương lái Nguyễn Văn Lượm (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết trung bình mỗi ngày ông thu mua trên 100 kg cua các loại. Sau đó, cua được bán cho các vựa cua để đóng thùng gửi lên TP Hồ Chí Minh hoặc xuất sang Trung Quốc.
Tuy giá cao nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bỏ số tiền lớn để mua cua biển ngon nhất miền Tây về thưởng thức, làm quà biếu cho người thân và bạn bè.