Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới ở mức 1.855 USD/ounce, giảm 22 USD/ounce so với chốt phiên trước. Tuy nhiên, so với giá mở cửa tuần, vàng thế giới tăng 38 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh.
Tuần qua, thị trường vàng thế giới khởi sắc với mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2020 trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ mà chính phủ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sớm triển khai.
Cụ thể, giá kim loại quá này duy trì đà đi lên trong ba phiên liên tiếp (18-20/1), giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và triển vọng về việc Chính phủ Mỹ tung thêm gói kích thích kinh tế mới góp phần hỗ trợ nhu cầu của vàng. Kênh đầu tư này thường được xem là một công cụ phòng ngừa lạm phát và giảm giá tiền tệ, vốn có thể là kết quả từ các gói kích thích kinh tế quy mô lớn.
Đáng chú ý, giá vàng giao kỳ hạn tăng 1,4% sau sự kiện ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20/1. Các nhà đầu tư tập trung vào đề xuất gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của ông và tốc độ triển khai chương trình phân phối vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để vực dậy nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Sang đến các phiên tiếp theo, xu hướng bán chốt lời gây áp lực khiến giá vàng đi xuống. Bên cạnh việc thị trường điều chỉnh sau khi tăng liên tiếp ba phiên đầu tuần, chỉ số đồng USD hồi phục đà tăng cũng khiến vàng giảm sức hấp dẫn.
Theo chuyên gia Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch kim loại quý tại BMO, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư có kéo dài hay không vẫn còn là một câu hỏi khi động thái đầu tiên của ông Biden là đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm.
Theo Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM, những lo ngại về các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở Trung Quốc đã kích hoạt tâm trạng đề phòng rủi ro, khiến một số nhà đầu tư tìm đến sự an toàn của việc nắm giữ đồng bạc xanh và bán tháo số lượng vàng mà họ nắm giữ.
Chuyên gia này dự đoán giá vàng có thể giảm trong thời gian tới, nhưng kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Tổng thống Biden có thể hạn chế đà đi xuống. Ông Otunuga cũng chỉ ra rằng, giá vàng có thể cần một "chất xúc tác" mới để có thể vượt qua ngưỡng 1.850 USD/ounce, yếu tố này có thể xuất hiện trong tuần mới, ví dự như một sự kiện quan trọng diễn ra hay các dữ liệu kinh tế từ các nền kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, cũng cần chỉ ra rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ là nhân tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ hiện nay, khi nền kinh tế vẫn chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Trong phiên điều trần trước các nhà lập pháp của Thượng viện Mỹ vào ngày 19/1, bà Janet Yellen - ứng cử viên cho vị trí Bộ trường Tài chính Mỹ trong chính phủ của tân Tổng thống Joe Biden cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với các biện pháp cứu trợ và nhấn mạnh sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thanh long rớt giá
Trước đợt thu hoạch Tết Nguyên đán, người trồng thanh long tại 2 tỉnh Bình Thuận và Long An đang đối diện với khó khăn, khi vụ này cây cho năng suất thấp và giá liên tục giảm. Cả hai vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước đang loay hoay tìm đầu ra cho vụ thanh long chong đèn cuối năm.
Thanh long rớt giá.
Chuẩn bị cho vụ Tết này, ông Hoàng Thuỷ Quý, nông dân ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận trồng gần 500 trụ thanh long ruột trắng. Vừa qua ông đầu tư hệ thống bình hạ áp gần 10 triệu đồng để chong đèn cho thanh long trái vụ. Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi dẫn tới năng suất thấp, thêm vào đó là giá thanh long giảm chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, chi phí đầu tư cho phân bón, nước tưới lại tăng nên ông lỗ nặng.
"Người trồng thanh long năm nay có cái tết không vui, không có tiền để ăn tết. Nhiều người trồng thanh long đến lúc này đang bị âm tiền, không có tiền trả tiền phân, tiền điện và có nhiều người bỏ vườn, không có tiền để nhổ trụ hoặc cải tạo lại ruộng. Giờ muốn đầu tư trồng phải chạy điện nhưng nhiều người thiếu tiền không có để mua điện", ông Quý bày tỏ.
Anh Bùi Biển Đức ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có 250 trụ thanh long, mấy năm trước đây mỗi mùa vụ thu gần 4.000 – 5.000 tấn. Tuy nhiên, mùa tết này, anh Đức đầu tư chong đèn, chi phí nhiều hơn mà chỉ thu được khoảng 2.000 tấn trái.
"Thanh long đầu tư trái vụ phải chong đèn mới lên vì thế chi phí tiền điện tầm 3,5 triệu, tiền phân, tiền nhân công tầm 12 triệu. Nhưng nay thương lái vào vườn trả 5.000 đồng/kg nên khó có lãi. Bà con ở đây ai cũng vậy, chỉ mong lấy lại vốn còn phần lời ra để trang trải Tết thì không có", anh Đức cho biết.
Cùng cảnh ngộ, người trồng thanh long tại tỉnh Long An cũng đang đối diện với khó khăn khi giá thanh long xuống thấp. Giá thanh long ruột đỏ thương phẩm chỉ còn 12.000 – 15.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với mùa vụ Tết trước. Ông Lê Ngọc Xinh, nông dân xã An Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang mong thời điểm cận Tết thanh long sẽ nhích giá lên, để bán được trên 15.000 đồng/kg. Với giá thành đó, nông dân mới hoà vốn, có thể bù lại chi phí điện nước, phân bón đã đầu tư.
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, hiện đầu ra của trái thanh long chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Thời điểm này, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang ngưng nhập khẩu, nên dù sản lượng thanh long thu hoạch thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng dự kiến sẽ tồn đọng một lượng lớn thanh long tươi…
Chính quyền cũng như hiệp hội nông sản các địa phương đang phải tăng cường liên kết với các cơ sở thu mua thanh long làm nguyên liệu chế biến sản phẩm sấy khô, nước trái cây, đồng thời kết nối với các điểm tiêu thụ nội địa để có phương án tiêu thụ lượng thanh long cho nông dân.
"Thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu là Trung Quốc, do dịch bùng phát sức mua bên đó rất ít nên giá thanh long rẻ, chỉ bằng hàng mùa. Theo nhận định, giá cũng khó mà lên lại được như trước, Hiệp hội cũng đang tập trung thực hiện các thủ tục với các các siêu thị để có giải pháp đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước cho bà con", ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An nói.
Giá thịt heo tăng, nhiều loại rau củ quả giảm
Theo ghi nhận, khoảng hơn 1 tháng nay, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng tăng trở lại, tăng trên dưới 8.000 đồng/kg so với những tháng trước trước. Những ngày đầu tháng 1, heo của các trại chăn nuôi và hộ dân ở Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… bán cho thương lái ở mức 74.000-79.000 đồng/kg.
Gần đây, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán, các tiểu thương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu mua heo hơi nên đẩy giá tiếp tục lên. Tại An Giang, heo hơi ngày 21/1 có giá 78.000-82.000 đồng/kg (hồi đầu tháng là 67.000-70.000 đồng/kg). Còn ở các chợ, thịt heo đùi, ba rọi hay thịt heo nạc có giá 125.000-160.000 đồng/kg. Tại các địa phương khác ở ĐBSCL giá heo hơi hiện cũng tăng lên mức 80.000-83.000 đồng/kg.
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ‘treo’ chuồng, lượng heo tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi lớn. Điều này cũng gây khó cho tiểu thương khi tìm mua heo hơi với số lượng ít để giết mổ bán hàng ngày ở các chợ. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, hiện sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường vẫn chưa có đột biến, nguồn cung nhìn chung vẫn đảm bảo. Cạnh đó, giá nhiều loại thịt gia cầm và thủy sản đang khá rẻ, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nên dự báo thịt heo cũng sẽ khó ‘sốt giá’.
Giá thịt heo tăng.
Trái lại với thịt heo, nhiều loại rau, củ, quả tại ĐBSCL lại giảm giá sâu, người trồng không có lãi. Tại An Giang, giá một số loại rau như cải, rau muống, mồng tơi, xà lách, củ cải, bí đao… được thương lái thu mua từ 1.500-5.000 đồng/kg, còn giá bán tại chợ cũng chỉ 10.000 đồng/kg trở xuống.
Tại Cần Thơ, giá cải thìa, củ cải trắng, bí đao, dưa leo… tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố có giá 6.000-7.000 đồng/kg; rau muống, mướp hương, cà tím, bầu có giá 8.000-9.000 đồng/kg; giá bắp cải trắng, su, cà chua ở mức 10.000-13.000 đồng/kg; bí rợ, củ cải đỏ, củ hành tây giá 15.000-17.000 đồng/kg…
Thời gian gần đây, do nông dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại rau màu, thời tiết cũng thuận lợi nên cho năng suất cao, mặt khác, nhiều loại rau củ quả của Đà Lạt và nhập khẩu cũng có mặt, nguồn cung dồi dào trong khi sức tiêu thụ vẫn ở mức bình thường nên rớt giá.
Một số loại trái cây gần đây cũng giảm, như tại Đồng Tháp, xoài Cát Chu có giá 22.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg so với đầu tháng), xoài Tượng da xanh có giá 20.000 đồng/kg (giảm 8.000 đồng/kg so với đầu tháng), cam xoàn có giá 22.000 đồng/kg (giảm 1.500 đồng/kg)…
Giá củ kiệu giảm mạnh
Người dân trồng kiệu ở phía nam tỉnh Khánh Hòa như tại huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh những ngày qua đang nhộn nhịp thu hoạch kiệu để phục vụ nhu cầu Tết nguyên đán Tân Sửu. Đây là 2 vùng trồng kiệu Tết được coi lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa.
Giá củ kiệu giảm mạnh.
Theo người trồng kiệu, năm nay họ kém vui do kiệu mất giá so với năm ngoái. Đang thu hoạch kiệu trên đồng, ông Bùi Văn Sương (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) cho biết, gia đình ông thuê người thu hoạch 2,5 ha kiệu được khoảng nửa tháng nay.
Hiện giá kiệu tại ruộng dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với mọi năm. "Năm ngoái giá hơn 40.000 đồng/kg nhưng năm nay giá giảm do ảnh hưởng của Covid-19 khiến người dân ít mua kiệu, chi tiêu hơn", ông Sương nói.
Đang tất bật thu hoạch 3 ha kiệu để kịp bán cho thương lái chở đi TP Hồ Chí Minh, nhưng ông Bùi Văn Đức (ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) lộ vẻ buồn bã.
“Năm ngoái 1 kg kiệu tại ruộng có giá 40.000-55.000 đồng, nay chỉ còn từ 25.000-30.000 đồng. Giá kiệu rớt một nửa so với mọi năm thì lấy đâu lời, vui sao được”, ông Đức buồn bã.
Tương tự, các hộ trồng kiệu ở phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, cũng đang than trời khi bị tiểu thương ép giá. “Giá kiệu xuống quá thấp, nhưng vẫn khó bán và bị các tiểu thương ép xuống nữa. Họ lấy lý do vì dịch bệnh, người dân tiết kiệm chi tiêu để kéo giá kiệu thu mua xuống thêm”, chị Lành, một hộ trồng kiệu, nói.
Theo người dân, ngoài việc giá thu mua thấp thì chi phí giống, công chăm sóc, công thu hoạch tăng cao khiến lợi càng thấp thêm. Hiện, giá nhân công cắt kiệu được tính 2.000 đồng/kg, tiền công mỗi ngày có thể đạt từ 250.000-350.000 đồng/người.
“Chi phí đầu tư đến khi bán một ha kiệu rẻ lắm cũng mất từ 10-15 triệu đồng. Nếu tính công thuê cắt, trừ hao kiệu xấu thì hòa vốn là may mắn”, bà Lê Thị Kim, ở thị trấn Cam Đức, cho biết.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng kinh tế TP Cam Ranh, cho biết do giá kiệu thấp hơn mọi năm và do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập của người nông dân giảm. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng vẫn có lợi nhuận do năm nay năng suất kiệu đạt cao, ở mức 9-10 tấn/ha.