Giá vàng lao dốc
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á ở quanh mức 1.888 USD/ounz, tăng 9 USD/ounz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng lao dốc.
Tuần qua, giá vàng thế biến động mạnh sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc với kết quả nghiêng về ông Biden.
Cụ thể, phiên đầu tuần giá vàng vẫn neo ở mức 1.956 USD/ounz, nhưng chỉ sau đó 1 phiên, giá vàng đã lao dốc khi thị trường quốc tế dự đoán ông Biden trúng cử Tổng thống Mỹ thì chính sách tài khoán và đối ngoại sẽ khác so với ông Trump. Cùng với đó, việc thử nghiệm vaccine tại Mỹ có thông tin đạt được 90% thành công.
Đến phiên ngày 10/11 giá vàng đã lao dốc về mốc 1.864 USD, mất đến 88 USD/ounz so với chốt phiên trước đó. Tuy nhiên, những phiên sau đó giá vàng thế giới đã tăng liên tiếp. Mỗi phiên tăng trên dước 10 USD/ounz.Tính chung, tuần qua vàng thế giới vẫn giảm 32 USD/ounz so với giá mở cửa tuần.
Những phiên tăng giá của vàng thế giới vào cuối tuần được cho là do dịch bệnh gia tăng. Cùng với đó, Chủ tịch Cục dự trữ Liên lang Mỹ (Fed) có bài phát biểu đánh giá về sức khỏe của nền kinh tế nước này đã chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ chậm được phục hồi.
Giới chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, vàng tăng còn do các nước đẩy mạnh cung tiền ra thị trường, trong khi đó sản xuất bị hạn chế sẽ đẩy lạm phát tăng mạnh, giúp vàng có thể chinh phục được mốc 2.000 USD/ounz vào cuối năm hoặc đầu năm sau.
Tuần qua, giá vàng trong nước có 1 phiên biến động mạnh theo thị trường quốc tế, đó là phiên ngày 10/11, giá vàng SJC có nơi mất đến 900.000 đồng/lượng ngay khi mở cửa phiên. Vàng nhẫn có đơn vị điều chỉnh giảm 1,5 triệu đồng/lượng cùng thời điểm.
Các phiên sau đó, vàng trong nước đều tăng nhưng mức tăng ở phạm vi 100.000 đồng/lượng trở lại.
Tính chung, trong tuần giá vàng SJC tại thị trường tự do đã giảm 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji vàng SJC giảm 550.000 đồng/lượng và Phú Quý giảm 600.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước vẫn đi theo xu hướng thế giới nhưng thị trường rất ảm đạm. Chủ yếu giao dịch là mua bán nhỏ lẻ. Chuyên gia nhận định, vàng trong nước không được đón nhận trong dịp này là do phần lớn dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 11/11, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định không thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92, dầu mazut và dầu hỏa. Trong khi đó, xăng RON 95 trích lập ở mức 100 đồng/lít; dầu diesel ở mức 200 đồng/lít.
Đồng thời, liên bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 900 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 100 đồng/lít và dầu mazut là 100 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít; dầu diesel tiếp tục không chi.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92 ở mức 13.885 đồng/lít (giảm 224 đồng/lít so với giá hiện hành).
Xăng RON95-III ở mức 14.701 đồng/lít (giảm 238 đồng/lít so với giá hiện hành).
Dầu diesel 0.05S ở mức 10.838 đồng/lít (giảm 380 đồng/lít so với giá hiện hành).
Dầu hỏa tiếp tục không cao hơn 9.562 đồng/lít (giảm 155 đồng/lít so với giá hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.091 đồng/kg (giảm 170 đồng/kg so với giá hiện hành).
Như vậy, giá xăng trong nước có lần thứ 2 giảm giá liên tiếp. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng 4 tháng qua.
Trái cây rớt giá
Tại nhiều điểm bán hàng di động, xe kéo khắp các cung đường thuộc Thủ đô Hà Nội đang bày bán hàng loạt các loại trái cây với giá rẻ bất ngờ so với năm trước.
Cụ thể, với mặt hàng cam, hai loại được bày bán chủ yếu có hình thức giống là cam Vinh và cam Hòa Bình với giá chỉ từ 6.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg so với trước đây phải từ 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại.
Chị Nguyễn Thị Hà, một tiểu thương bán cam dọc tuyến đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội cho biết: "Năm nay, giá cam và các loại trái cây trong nước giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể xuất đi nước ngoài. Một phần vì cam Vinh và các nông sản ở miền Trung phải cắt vội để tránh lũ nên giá thành càng giảm hơn".
Trái cây rớt giá .
Không chỉ có cam mà các loại trái cây được tiểu thương đề biển "Nho Ninh Thuận", thuộc loại trái cây đắt giá cũng siêu rẻ. Đang được bán nhiều nhất là nho sữa và nho chín. Theo nhiều tiểu thương, nho sữa là loại nho được hái đầu mùa chưa có vị ngọt đậm như loại nho chín đúng hạn. Loại nho này được bán với giá từ 30.000- 35.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, bưởi Diễn, hồng ngâm cũng được bán với giá vô cùng rẻ. Bưởi Diễn trồng ở nhiều vùng đất khác bán tại Hà Nội cũng chỉ từ 6.000- 8.000 đồng/quả loại vừa. Loại to hơn (1 kg được 2 quả) cũng chỉ có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/quả.
Nhiều loại quả được quảng cáo là đặc sản của các vùng miền như bưởi Diễn, cam Cao Phong… được những nhà buôn bày bán la liệt trên vỉa hè dọc trên một số tuyến đường Hà Nội kéo dài từ khu vực cầu Dậu (quận Hoàng Mai) đến ngã tư Khuất Duy Tiến giao với đường Nguyễn Trãi. Điều đáng chú ý là các loại trái cây này, dù là đặc sản vùng miền nào, cũng được bán với giá "siêu rẻ".
Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương bán trái cây lâu năm tại chợ Long Biên cho biết: "Nhiều người cho rằng nho năm nay là nho Trung Quốc vì giá thành rẻ. Tuy nhiên, không có chuyện nho Trung Quốc vì năm nay việc xuất nhập rất khó khăn. Hơn nữa, dân nhiều vùng được mùa nên nguồn cung dồi dào dẫn đến giá thành rẻ. Ngoài ra, có thể phân biệt các loại nho qua mùi vị và màu sắc. Loại nho Ninh Thuận có hình quả dài, không có vị ngọt đậm như nho Trung Quốc dù là loại không hạt".
Theo nhiều nhà sản xuất đồ nông sản đóng hộp, không chỉ có cam, táo mà các loại ngô, đào giòn Sơn La,…năm nay cũng có giá thành rất rẻ. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Nguyên liệu doanh nghiệp Asia food chia sẻ: "Năm nay, nhiều loại nông sản giảm thậm chí đến nửa giá. Ví dụ như đào giòn Sơn La năm nay chỉ rơi vào 7.000 đồng/kg tại vườn loại chất lượng tốt. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do dịch bệnh và bão lũ nên nguồn cầu thị trường giảm, hàng hóa tồn đọng nhiều".
Giá nhãn giảm mạnh
Khoảng 1 tuần nay, bà con trồng nhãn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) khổ sở vì nhãn vừa mất mùa, vừa mất giá. Hiện tại, giá nhãn đã xuống tận đáy khiến nông dân thua lỗ nặng, có những nhà vườn lỗ mất một chiếc xe ô tô du lịch hạng A.
Mặc dù nhãn của tỉnh BR-VT xưa nay có tiếng thơm ngon, có giá trị trong thị trường xuất khẩu và trong nước, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng nhãn liên tục rơi vào cảnh lao đao.
Giá nhãn giảm mạnh.
Cụ thể, giá nhãn xuồng cơm vàng hiện giảm còn khoảng 29.000 đồng – 32.000 đồng/kg, nhãn da bò còn khoảng 7.000 đồng/kg. Các loại nhãn khác như Ido, thanh nhãn… cũng ở mức khoảng 14.000 đồng - 18.000 đồng/kg.
Riêng nhãn xuồng bắp cải do là hàng hiếm, khó trồng, khó chăm sóc, sản lượng không còn nhiều nên vẫn được giá cao, khoảng 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hoàng Tư, ngụ huyện Châu Đức, (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nói rằng năm nay mưa nắng thất thường nên sản lượng nhãn của gia đình ông bị sụt giảm khoảng 40% so với những mùa vụ trước. Mất mùa kèm theo mất giá khiến gia đình ông mất luôn thu nhập và lỗ nặng, không đủ tiền chi trả khoản nợ ngân hàng đã vay để đầu tư cho vườn nhãn.
“Tình trạng mất mùa, mất giá càng đẩy nông dân chúng tôi vào cảnh khổ. Giá nhãn ở mức này đúng là tính ra huề vốn, có khi còn lỗ vì công chăm sóc, thuê nhân công… cũng tốn rất nhiều. Đặc biệt, giờ muốn xuất nhãn để bán cũng phải thuê cả 20 người vừa hái vừa đóng thùng, cân vận chuyển ra xe tải lớn cho lái buôn, khổ trăm bề. Mong là dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi để đời sống bà con nông dân ổn định lại, hàng hoá xuất khẩu bình thường cho bà con sớm gỡ lại được vốn, tiền hao hụt trong năm nay”, ông Tư chia sẻ thêm.
Trong khi đó anh Văn Đông, người trồng nhãn nhiều năm nay tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đợt này, vườn nhãn gia đình anh bị mất mùa. Sản lượng nhãn thu tại vườn giảm mất một nửa so với cùng kỳ.
Do đó, sau khi trừ hết mọi chi phí, vụ nhãn này gia đình anh chỉ thu về 60 - 70 triệu đồng.
“Cả nhà chăm sóc mấy vườn nhãn nhưng năm nay xem như mất hết. Tôi nhẩm tính mấy vườn nhãn của gia đình đang thất thu khoảng 400 triệu - 500 triệu đồng cho vụ nhãn này. Sơ sơ là mất con xe hơi bé bé hạng A rồi nhưng đành chấp nhận vì tình trạng chung. Đầu năm đến giờ toàn thấy mất, lỗ, chưa thấy trúng.
Dịch Covid-19, mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, mưa to gió lớn, lốc ở đây cũng làm nhãn mất sản lượng. Nhà tôi giờ mới bán được vườn ở sau nhà, còn vườn ở xa hơn xe chưa vào mua, đang thối rữa trên cây từng ngày, đứng ngồi không yên. Chỉ mong năm sau mưa thuận gió hòa để bà con làm ăn lại được, có tiền trả nợ”, anh Đông buồn bã nói.
Giá rau xanh tăng mạnh
Ghi nhận tại một số chợ lẻ như: Chợ Phước Long, chợ Tân Mỹ (quận 7), chợ Phú Xuân (huyện Nhà Bè), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chúng tôi nhận thấy các mặt hàng rau củ tăng mạnh so với thời điểm trước bão lũ như: Bầu, bí, mướp, từ 12.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg; rau muống, đậu bắp, cải xanh, cải ngọt từ 12.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; xà lách búp từ 25.000/kg tăng lên 60.000 đồng/kg, hạt sen từ 140.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg...
Giá thực phẩm tăng mạnh.
Chị Nga, tiểu thương chợ Tân Mỹ cho biết, chị lấy hàng rau củ qua từ Đà Lạt về, nhưng do ảnh hưởng mưa nên bị hư hao nhiều, lượng hàng về ít nên giá cao. Các tiểu thương các chợ cũng cho biết, mặc dù giá các loại rau củ cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, nhưng lượng hàng nhập giảm tới 50%, nên không đủ hàng để bán.
Trước mức tăng giá quá cao của nhiều loại rau củ, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua các loại rau thủy canh giống Nhật trồng tại các nhà kính ở Đà Lạt, dù giá khá cao so với rau trồng ngoài trời so ra mức giá ổn định hơn, trung bình khoảng 60.000 đồng/kg rau cải, rau muống, xà lách... hay một số loại rau, củ mới lạ như: Bí mini Nhật, bí nụ Hàn Quốc; cà chua beef Hà Lan; hành tây tím giống Ấn Độ; hoa kim châm Đà Lạt; cà rốt baby; củ dền baby; ớt trái cây; chanh vàng giống Nam Mỹ; đậu bắp đỏ; khoai tây hồng; củ cải đỏ… Những loại rau, củ trên, tiểu thương nhập trực tiếp từ một số nông trại tại Đà Lạt.
Trong khi tại các chợ lẻ, giá các loại rau củ, thực phẩm tươi sống gần như biến động hàng ngày thì tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi giá cả ổn định hơn. Đại diện một số siêu thị cho biết, giá các loại rau củ, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị ổn định là do có chương trình bình ổn thị trường của một số DN. Ngoài ra, siêu thị thường ký hợp đồng với các nhà cung cấp về sản lượng, giá cả trong thời gian dài nên giá cả ổn định, mặc dù giá thị trường đang “sôi” lên từng ngày.
Đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế của cả nước. Khó khăn càng gia tăng khi thiên tai, bão lụt, dịch bện (dịch tả heo châu Phi,…) dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong những tháng cuối năm 2020. Những diễn biến phức tạp khó lường đã tác động mạnh đến nền kinh tế nhất là sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá cả thị trường, sức mua. Theo đó, giá lợn hơi trong nước mặc dù đã "giảm nhiệt" trong những tháng gần đây, nhưng dịch bệnh, thiên tai khiến diễn biến thị trường rất khó lường.
Giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại
Sau thời gian dài giảm sâu, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp đang tăng trở lại. Cụ thể, cá tra nguyên liệu có giá 22.500 - 23.000 đồng/kg (kích cỡ cá từ 1,2 - 1,4kg). Mức giá này tăng khoảng 4.500 - 5.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.
Giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành cho biết: “Nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu tăng là do thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện tại, thị trường Trung Quốc bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, các đơn hàng từ thị trường Mỹ, EU và Đông Nam Á tăng trưởng mạnh gấp 3 lần so với thời gian trước. Ngoài ra, sau khi dịch Covid - 19 từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp chế biến được tiêu thụ mạnh. Do đó, để chuẩn bị cho nguồn hàng hóa cuối năm, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá tra nguyên liệu”.
Giá cua biển thương phẩm tăng mạnh
Gần tuần nay, giá cua biển thương phẩm ở thị trường Trà Vinh không ngừng tăng cao từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời gian đầu tháng 11/2020.
Giá cua biển thương phẩm tăng mạnh.
Cụ thể, tại chợ Trà Vinh hiện giá cua gạch được các đại lý thu mua 330.000 đồng/kg, cua thịt loại 2 - 3 con/kg giá 270.000 đồng/kg, cua thịt loại 4 con/kg có giá 250.000 đồng/kg, cua thịt 5 - 6 con/kg có giá 150.000 đồng/kg.
Điều phấn khởi với hàng chục ngàn hộ nông dân nuôi cua biển ở Trà Vinh trong năm nay là giá cua thương phẩm luôn định ở mức cao, với mức giá dao động bình quân từ 160.000 - 250.000 đồng/kg đối với cua thịt và 300.000 đồng/kg đối cua gạch.
Ông Nguyễn Văn Nhanh, trú tại ấp Thôn Vạn, xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong 0,3 ha mặt nước ao nuôi cua biển, với sản lượng hơn 250 kg cua thương phẩm. Nhờ giá cua thịt được các đại lý thu mua tại ao 250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi được hơn 18 triệu đồng ở vụ nuôi cua này.
Ông Nhanh chia sẻ thêm, với giá cua thương phẩm như hiện nay nông dân nuôi cua mỗi năm 3 vụ sẽ thu được lợi nhuận từ 130 - 150 triệu đồng/ha mặt nước. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương, nhưng có ưu thế về tính an toàn hơn so với với nuôi tôm nhiều rủi ro dịch bệnh.