Giá heo hơi miền Bắc
Giá heo hơi tại khu vực miền Bắc tiếp tục giữ ổn định trong phiên cuối tuần, không ghi nhận điều chỉnh so với ngày hôm trước. Mức giá phổ biến tại các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên dao động quanh 68.000 đồng/kg.
Riêng Hải Phòng vẫn giữ mức cao nhất khu vực với 69.000 đồng/kg, trong khi Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh duy trì mức 67.000 đồng/kg. Đây là vùng có mức giá ổn định nhất cả nước trong nhiều ngày qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung – Tây Nguyên
Tại miền Trung – Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay không thay đổi, tiếp tục duy trì ở mức thấp. Gia Lai hiện là địa phương có giá thấp nhất cả nước với 65.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu phục hồi kể từ đầu tháng.
Các tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ổn định trong khoảng 67.000 – 68.000 đồng/kg. Khánh Hòa giữ mức 68.000 đồng/kg, cao hơn mặt bằng chung khu vực.
Mặc dù không giảm thêm, nhưng việc giá heo tại miền Trung duy trì ở vùng thấp kéo dài cho thấy sức mua tại đây vẫn yếu, trong khi nguồn cung chưa có dấu hiệu sụt giảm.
Giá heo hơi miền Nam
Khu vực miền Nam phần lớn giữ mức giá ổn định trong hôm nay, ngoại trừ An Giang giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, từ 69.000 đồng xuống 68.000 đồng/kg. Động thái này phản ánh nhu cầu tiêu thụ tại địa phương đang chậm lại.
Các tỉnh còn lại như TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Đồng Nai vẫn duy trì mức cao nhất khu vực là 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long dao động quanh 68.000 – 69.000 đồng/kg.
Dù có sự điều chỉnh nhẹ ở An Giang, mức chênh lệch không đáng kể, và toàn miền Nam vẫn nằm trong vùng giá cao so với cả nước. Theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng chăn nuôi khép kín tại nhiều tỉnh phía Nam là yếu tố giúp thị trường duy trì ổn định, bất chấp sức mua chưa tăng mạnh trở lại.
Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại TP Đà Nẵng (cũ) tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng ở gia súc, viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh dại trên chó/mèo đều được kiểm soát chặt chẽ, không ghi nhận ổ dịch phát sinh trên địa bàn.
Chi cục Thống kê Đà Nẵng cho biết các cơ quan chuyên môn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đợt I tiêm phòng vắc xin theo Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2025. Các loại vắc xin được sử dụng bao gồm vắc xin phòng lở mồm long móng cho trâu bò, vắc xin cúm gia cầm và vắc xin viêm da nổi cục.
Song song đó, công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tiếp tục được duy trì nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã kiểm soát giết mổ 7.928 con bò, 195.180 con heo và 841.270 con gia cầm, qua đó góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài, đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định sản xuất chăn nuôi.
Theo Chi cục Thống kê Đà Nẵng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố trong tháng 6 nhìn chung ổn định. Một số chỉ tiêu có biến động tăng so với cùng kỳ năm trước: tổng đàn heo đạt 27.300 con, tăng 2,6%; tổng đàn gia cầm đạt 903.400 con, tăng 4,8%, trong đó đàn gà tăng 4,9%; trứng gia cầm ước đạt 16,5 triệu quả tăng 5,0%.
Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng trong quý II/2025 ước đạt 1.259,5 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi ước đạt 3.771 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2024.