Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng quanh mức 1.745 USD/ounce, tăng gần 9 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng tăng mạnh,
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu nhiều yếu tố tác động. Vào đầu tuần, hầu như giá vàng đi ngang chờ đợi thông tin từ cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 3. Mặc dù, kết quả cuộc họp trùng với những dự đoán trên thị trường là Fed không tăng lãi suất đồng USD và duy trì mức gần bằng 0% đến năm 2023. Thế nhưng, vàng đã tăng mạnh bởi Fed nâng dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng mạnh từ 5,6% dự báo trước đó lên 6,5% trong năm nay và lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, chỉ sau 1 phiên thì vàng đã phải đi xuống do lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh.
Sự đảo chiều tăng giá của vàng lại diễn ra ngay phiên cuối tuần khi hàng loạt thông tin không sáng sủa từ kinh tế khu vực châu Âu. Cụ thể, cơ quan thống kê Eurostat của EU mới công bố các số liệu xuất khẩu từ châu Âu sang Anh giảm 27,4% trong tháng 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Cơ quan thống kê của Ireland cũng thông báo, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Anh trong tháng 1/2021 đã giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi thông tin kinh tế kém khả quan, nhưng nhiều nước châu Âu vẫn chưa có giải pháp thoát ra khỏi dịch bệnh Covid-19. Nhiều nước vẫn đang phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội thì Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gia tăng áp lực nhằm buộc Anh thu 100 triệu EURO (khoảng 119 triệu USD) tiền miễn thuế cho các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại vùng lãnh thổ Gibraltar trong khoảng thời gian London vẫn còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Gibraltar là một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh có đường biên giới chung với Tây Ban Nha.
EC cho rằng việc Anh miễn thuế cho các công ty thuộc diện nói trên hoạt động tại Gibraltar trong giai đoạn 2011-2013 đã phá vỡ các quy định của EU về hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp và đây tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Những thông tin kể trên khiến nhà đầu tư lo ngại rằng, kinh tế khu vực châu Âu đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, vụ kiện này sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa 2 bên, do đó nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vàng.
Kết tuần, giá vàng thế giới đã tăng 13 USD/ounce so với giá mở cửa tuần và tăng 18 USD/ounce so với giá chốt phiên tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang gần bằng 49 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí).
Tuần qua, giá vàng trong nước vẫn tăng - giảm theo xu hướng thế giới, nhưng biến động không quá lớn. Do đó, giá vàng SJC trong nước vẫn cao hơn thế giới đến.
Trong tuần, giá vàng miếng SJC trên thị trường đã giảm 350.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC tại Doji đã giảm 200.000 đồng/lượng và tại Phú Quý vàng SJC cũng giảm 220.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Mặc dù có phiên vàng SJC giảm giá trong tuần, nhưng một số doanh nghiệp và chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua vào, bởi giá vàng SJC trong nước vẫn quá cao so với vàng thế giới trên 7 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.
Giá rau tăng trở lại
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong ngày 16/3, tại vựa rau thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), bà con nông dân đều phấn khởi vì giá rau đã tăng trở lại. Anh Võ Văn Dương, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt chia sẻ: “Giá củ cải bán tại ruộng đã tăng gấp 3 lần so với những ngày sau Tết Tân Sửu. Nếu bán tại ruộng cho thương lái, người dân thu được 3.000 đồng/kg, còn qua sơ chế bán được 4.000 đồng/kg. Với giá này, người nông dân đã có lãi từ 1.000 - 1.500 đồng/kg”.
Giá rau tăng trở lại.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh, xã Song Phương, huyện Hoài Đức cho biết, những ngày qua, thương lái đã về thu mua nên giá nông sản bắt đầu tăng. “Khoảng 20 ngày trước đó, tôi bán 10 củ su hào được 5.000 - 6.000 đồng thì nay đổ buôn cho thương lái 15.000 - 18.000 đồng. Dịch Covid-19 được kiểm soát thì hoạt động sản xuất, kinh doanh chắc chắn ổn định trở lại, đồng nghĩa với giá rau xanh sẽ tăng, người nông dân chúng tôi sẽ có lãi để tái sản xuất” - bà Nguyễn Thị Minh cho biết.
Tại vùng rau xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, các loại rau ăn lá sản xuất theo quy trình an toàn được bán với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg (thời điểm sau Tết Tân Sửu chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg). Hiện nay, mỗi ngày Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Văn Đức cung cấp cho các bếp ăn tập thể trường học, DN, siêu thị, cửa hàng tiện ích với số lượng lên tới 15 - 20 tấn.
Về giá rau xanh tăng trở lại trong những ngày gần đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, thời điểm này, các địa phương trên địa bàn TP đã thu hoạch gần hết diện tích rau vụ Đông Xuân nên sản lượng rau xanh đưa ra thị trường giảm. Trong khi đó, các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể hoạt động trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát đã có những tác động nhất định tới thị trường rau xanh Hà Nội.
Cua biển tăng giá kỷ lục
Hiện giá cua gạch son tại tỉnh Trà Vinh được thương lái thu mua quanh mức 350.000 - 360.000 đồng/kg; cua thịt loại một có giá 320.000 đồng/kg (2 - 3 con /kg); cua cái so loại 4 - 5 con/kg có giá từ 230.000 đến 250.000 đồng/kg, tăng bình quân 60.000 đồng/kg so với cách đây 2 tuần.
Cua biển tăng giá kỷ lục.
Theo một số đại lý thu mua cua biển thương phẩm, nguyên nhân cua tăng giá là do mùa vụ nuôi cua biển ở Trà Vinh đang vào thời điểm hết mùa vụ. Hiện nông dân ở các huyện vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh, như Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải chỉ mới bắt đầu thả nuôi cua biển mùa vụ 2021.
Lượng cua biển hiện được cung ứng cho thị trường được khai thác từ các diện tích nuôi thủy sản quảng canh và từ lượng cua sót lại trong ao nuôi mùa vụ 2020.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cua biển Trà Vinh có thời điểm trượt giá "không phanh". Đặc biệt, có lúc thương lái ngưng thu mua cua thương phẩm do thị trường truyền thống Trung Quốc bị "đóng băng". Từ đó, khiến cho nhiều hộ nuôi cua ở vùng đất cực Nam tổ quốc "đứng ngồi không yên".
Thời gian gần đây, giá cua biển tăng trở lại do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, việc giao thương trở lại bình thường.
Ông Trương Văn Bảy (trú tại ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) vừa thu hoạch 300 con cua biển bán giá cua xô 280.000 đồng/kg. Đây là lượng cua biển còn sót lại từ dịp tết Nguyên đán, ông Bảy thu hoạch để cải tạo lại ao nuôi cho mùa vụ mới.
"Giá cua biển như hiện tại là lần đầu tiên đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm. Nhiều năm qua, giá cua thịt bán xô chỉ ở mức bình quân từ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Với mức giá cua biển này, người nuôi cua 3 vụ /năm đạt lợi nhuận 150 triệu đồng/ha mặt nước. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương, nhưng có ưu thế về tính an toàn hơn so với với nuôi tôm không có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật dễ gặp nhiều rủi ro dịch bệnh" - ông Bảy cho biết.
Giá trứng gia cầm giảm
Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Phùng Khoang… giá trứng bán lẻ đang ở mức khá thấp. Cụ thể, trứng vịt loại nhỏ dao động từ 1.900 - 2.100 đồng/quả, loại to là 2.200 - 2.300 đồng/quả, trứng vịt lộn 3.000 đồng/quả; trứng gà công nghiệp 2.000 đồng/quả, trứng gà ta 2.300 - 2.500 đồng/quả... Trong khi đó tại một số siêu thị như Vin Mart, trứng gà so đặc biệt Freskan+ giá 22.500 đồng/hộp 10 quả, trứng gà công nghiệp Trang trại 729 Ba Vì 20.500 đồng/hộp 10 quả, trứng gà Omega 3 Dabaco sản xuất theo công nghệ Big Dutchman CHLB Đức giá bán cũng 36.000 đồng/hộp 10 quả. Lý giải nguyên nhân , nhiều tiểu thương cho biết: Hiện giá bán buôn mặt hàng này đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020, chẳng hạn trứng gà Ai Cập giá dao động trong khoảng 900 - 1.000 đồng/quả, trứng gà siêu trứng có giá 1.000 - 1.200 đồng/quả. “Đầu vào giảm giá kéo theo đầu ra giảm tương ứng là điều không thể tránh khỏi” - các tiểu thương chia sẻ.
Giá trứng gia cầm giảm.
Theo phân tích của các chuyên gia bán lẻ, nguyên nhân khiến giá trứng xuống thấp là do nguồn cung dồi dào từ các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên toàn quốc. Trong khi đó do dịch Covid-19 nên các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sử dụng đến trứng hạn chế thu mua, nhà hàng, khách sạn gần như không hoạt động, bếp ăn tại các trường học tạm đóng cửa... Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trung bình một tháng, các trang trại, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội sản xuất ra hơn 116 triệu quả trứng gia cầm, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của thành phố là 123 triệu quả. Như vậy, hiện nay, lượng sản phẩm gia cầm của Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, việc giá trứng gia cầm giảm và khó tiêu thụ chỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm chứ hoàn toàn không có chuyện cung thừa cầu cần phải giải cứu.
Xoài rớt giá thê thảm
Những năm gần đây, cây xoài đã giúp nhiều hộ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có được cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên năm nay, tình hình tiêu thụ khó khăn đẩy giá xoài rớt xuống chạm đáy đã khiến nông dân lỗ nặng.
Xoài rớt giá thê thảm.
Hiện xoài Đài Loan bao trái xanh ở Đồng Tháp có giá 10.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 10.000 đồng/kg; xoài Hòa Lộc 17.000 - 18.000 đồng/kg, xoài Đài Loan bao trái vàng có giá 19.000 đồng/kg. Với mức giá xoài như thế này ở tỉnh Đồng Tháp là giảm hơn 14.000 đồng/kg so với tháng cuối năm 2020. Người trồng xoài từ hòa đến lỗ hơn 40 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Văn Phúc (ngụ tại xã Hòa An, TP Cao Lãnh) cho biết, giá xoài xuống quá thấp, anh vừa bán xoài Đài Loan xanh với giá 10.000 đồng/kg loại I, còn loại 2 và 3 từ 3.000 - 5.000 đồng/kg nhưng bạn hàng không đến mua, đành phải để chín bỏ cho cá ăn.
Giá xoài đang rơi chạm đáy nhưng vẫn khó bán. Nhiều nơi, nhà vườn phải mang loại xoài từng được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây” này ra lề đường bán lẻ, thậm chí là mang cho cá ăn bởi nếu không bán sẽ càng lỗ nặng, xoài chín vàng cây, lái không mua, lỗ càng lớn thêm, nên nhà vườn tìm cách bán tháo.
Nhiều hộ dân ở huyện Cao lãnh, thành phố Cao Lãnh huyện Thanh Bình,Tháp Mười nơi có diện tích trồng xoài lớn đang phải chịu cảnh lỗ vì mùa thu hoạch xoài chính vụ hiện nay. Trước cảnh tượng xoài xuống giá nhiều nhà vườn không để trái và cắt bỏ bông để cho trái mùa nghịch được giá hơn.
Theo nhận định của giới thương lái, giá các mặt hàng xoài giảm do nguồn cung nhiều và đầu ra xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những năm qua, nông dân tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển diện tích trồng xoài khá lớn, nhất là xoài Đài Loan và cát Hòa Lộc. Thời điểm này nhiều vườn xoài bước vào thu hoạch rộ nên nguồn cung rất lớn.
Dịp Tết Nguyên đán 2021, giá xoài ở mức thấp so với các năm trước, nhà vườn cũng đã neo xoài lại qua Tết chờ giá, từ đó cũng góp phần làm nguồn cung xoài tăng cao vào thời điểm hiện nay. Trong khi đó, trái xoài Ðài Loan chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô và phục vụ để ăn sống, không thể bảo quản được lâu.
Đồng bằng sông Cửu Long xoài được trồng tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP. Cần Thơ. Đồng Tháp là địa phương có diện tích xoài lớn nhất với hơn 11.000ha. Tỉnh Tiền Giang có diện tích xoài lớn thứ hai, diện tích khoảng 7.000ha. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Cái Bè với diện tích trên 3.600ha. Xoài cát Hoà Lộc là đặc sản nổi tiếng của địa phương này. Riêng tỉnh Vĩnh Long có diện tích đứng thứ ba với khoảng 5.000 ha. Trong đó, xoài cát núm, xoài Đài Loan là chiếm tỷ lệ lớn và tập trung ở các huyện như Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình.