Dừa tươi tăng giá gấp đôi vẫn khan hiếm
Những ngày gần đây, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang trải qua những ngày nắng nóng, khô hanh nên giá dừa tươi liên tục tăng, hiện đã cao gấp đôi so với cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Nếu như trước đây, tại các chợ truyền thống và vựa kinh doanh, giá dừa tươi thường chỉ 10.000 đồng/trái nhưng từ cuối tháng 3, giá dừa tươi tăng ở mức 15.000 đồng/trái. Đến nay, dừa đã lên 21.000-22.000 đồng/trái và “cháy” hàng. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay ở thị trường trong nước.
Tại các tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh,.. là những địa phương có diện tích dừa nhiều nhất – người dân cho hay, giá dừa liên tục tăng rất mạnh và hút hàng làm cho nhiều hộ trồng dừa vô cùng phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Khởi, ở xã Bình Phú (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), cho hay, đã nhiều năm trồng dừa nhưng ít khi chứng kiến giá dừa tăng kỷ lục và hút hàng như lúc này. “Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá dừa được thương lái thu mua phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ 100.000-120.000 đồng/chục thì nay giá vọt lên từ 200.000-210.000 đồng/chục, cao nhất trong nhiều năm qua. Gia đình tôi canh tác được 12 công dừa, với giá này cứ mỗi lần thu hoạch thì bỏ túi bạc triệu” – ông Khởi thông tin.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc HTX dừa Vạn Hưng, xã Bình Phú (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), chia sẻ: “HTX đang có nhu cầu thu mua mỗi ngày khoảng 30.000 trái dừa khô để cung ứng cho các nhà máy chế biến sản phẩm dừa các loại và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, cố gắng lắm chỉ mua được khoảng 10.000 trái mà thôi. Giá dừa đang thu mua cho bà con là 200.000-210.000 đồng/chục, cộng chi phí vận chuyển từ 15.000-20.000 đồng/chục nên giá về tới nhà máy từ 215.000-230.000 đồng/chục. Dù giá dừa rất cao, nhưng do đang vào mùa nghịch nên sản lượng dừa không nhiều”.
Theo những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa ở ĐBSCL, nguyên nhân khiến giá dừa tăng mạnh và thiếu hụt nguyên liệu là do mùa nghịch, cộng với năng suất giảm. Ngoài ra tình hình xuất khẩu dừa sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác cũng khá tốt, vì vậy sản lượng dừa ở ĐBSCL không đáp ứng đủ nhu cầu. Dự báo, giá dừa còn duy trì ở mức cao, bởi đến khoảng tháng 8, tháng 9 thì dừa mới thu hoạch chính vụ.
Một DN xuất khẩu dừa thông tin, từ đầu năm đến nay, tuần nào cũng có đơn hàng mới từ thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, gần đây Thái Lan chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ dừa khô sang dừa tươi nên thiếu hụt nguồn nguyên liệu và tăng nhập khẩu dừa nguyên liệu từ Việt Nam, khiến nguồn cung đang hạn chế càng thêm khan hiếm.
Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dừa vào Mỹ đạt trên 17.000 USD, tăng đến 46% so cùng kỳ năm 2024. Sản phẩm này có nhiều lợi thế như vận chuyển dễ, thời gian bảo quản dài, mùi thơm và vị ngọt đặc trưng, và chế biến nhiều sản phẩm khác từ dừa như: cơm dừa, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, lon… nên được người Mỹ ưa chuộng.
Hiện cả nước có gần 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết, năm nay dừa mất mùa nên sản lượng ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều cao. Không chỉ dừa tươi mà nhu cầu dừa khô nguyên liệu để chế biến cũng tăng.
Cũng theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, nước ta có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hàng chục năm qua, ngành dừa Việt Nam cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho các sản phẩm như cơm dừa, nước dừa, dầu dừa…, đồng thời tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng triệu nông dân, công nhân cùng tham gia.
Ngoài những mặt được trên thì ngành dừa đối mặt với những khó khăn khi năng suất chưa cao, phát triển chuỗi giá trị gia tăng chưa như mong muốn, kết nối với thị trường quốc tế còn ít. Do đó, cần xây dựng chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững nhằm đưa ngành dừa Việt Nam vươn lên trong thời gian tới.
Giá sầu riêng bất ngờ lao dốc
Sau thời gian dài giữ mức giá cao, những ngày gần đây, giá sầu riêng tại nhiều địa phương bất ngờ lao dốc mạnh, khiến người trồng sầu riêng đứng ngồi không yên.
Tại các khu vực chuyên canh sầu riêng như Tiền Giang, Cần Thơ hay Bến Tre, giá thu mua Ri6 tại vườn chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Monthong (Thái) cũng giảm sâu, dao động 60.000 - 70.000 đồng/kg. Mức giá này bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính khiến giá giảm mạnh là do Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam - siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm.
“Cứ tưởng năm nay trúng mùa, ai ngờ giá đột ngột sụt mạnh. Nếu bán lúc này là lỗ, mà để lại thì sợ chín rụng không ai mua”, anh N.V.H. – hộ trồng sầu riêng tại Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết Trung Quốc đã siết kiểm tra 100% đối với các lô hàng sầu riêng, khiến giá sầu riêng lao dốc.
Không chỉ khắt khe về mặt chất lượng, thời gian kiểm định chất vàng O và Cadimi kéo dài 7-8 ngày khiến hàng hóa bị ứ đọng tại các cửa khẩu.
Đáng nói, các doanh nghiệp còn phải chật vật với chi phí kiểm định chất lượng cho sầu riêng nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đại diện CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (tỉnh Đắk Lắk) cho biết chi phí kiểm tra chất lượng khoảng 100 triệu đồng/container sầu riêng.
"Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp gặp khó khăn đối với việc xuất khẩu sầu riêng và cả tiêu thụ mặt hàng này ở thị trường nội địa", vị đại diện nói thêm.
Dù vậy, ông Nguyên nhấn mạnh không chỉ Việt Nam, các nước xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc như Thái Lan cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vị thế sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn không bị ảnh hưởng. "Mỗi nước trên thế giới đều có quy định riêng về hàng rào kỹ thuật. Riêng phía Trung Quốc lại đặt nặng các vấn đề về chất vàng O và Cadimi", ông Nguyên cho hay.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận việc xuất khẩu sầu riêng gặp gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm nay của ngành rau quả.
"Mục tiêu xuất khẩu đạt 8 tỷ USD có thể phải lùi sang năm sau bởi các khó khăn trước mắt. Dự kiến, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 6 tỷ USD trong năm nay", ông Nguyên nói thêm.
Nông sản ở Quảng Nam, Quảng Ngãi mất mùa, rớt giá
Những ngày qua, nông dân tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang vào thu hoạch dưa hấu, hành tím vụ đông xuân. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, dưa và hành tím cho năng suất thấp, có nơi giá chỉ bằng nửa so với mọi năm khiến người dân lỗ nặng.
Vùng đất xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được mệnh danh là "thủ phủ" hành tím của tỉnh Quảng Ngãi, chỉ đứng sau huyện đảo Lý Sơn, với diện tích 220ha với gần 400 hộ trồng.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Vụ hành tím năm nay được người dân xuống giống từ tháng Giêng với thời gian chăm sóc khoảng 2 tháng, ước tính năng suất khoảng 15 tấn/ha, thấp hơn khoảng 5 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Không những thế, hiện nay hành tím lại rớt giá, chỉ còn 16.000-20.000 đồng/kg, nên nông dân cũng gặp nhiều khó khăn”.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo ông Vũ, mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ ngay từ đầu vụ nhưng thời tiết vụ đông xuân không thuận lợi, sương muối nhiều, ảnh hưởng đến sự phát triển cây hành. Nếu trước kia chủ yếu là sâu ăn lá thì năm nay hành tím xuất hiện bệnh rầy vàng, khiến hành đang xanh bị vàng lá, hư hại.
Bà Tu Thị Bé (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) cho biết: “Mấy năm trước, giá hành tím từ 30.000-35.000 đồng/kg, có năm cao đến 40.000-50.000 đồng/kg, gia đình thu về cũng được 50-60 triệu đồng. Năm nay, tôi chỉ mới thu được có 10 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều”.
Còn tại vùng trồng dưa xã Tam Phước (lớn nhất huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn vắng thương lái đến thu mua. Lượng dưa được hái xong chuyển về nơi tập kết thì chất từng đống đến chục hàng tấn.
Ông Nguyễn Văn Kết (trú xã Cẩm Khuê, xã Tam Phước) cho biết, dưa năm nay trồng khó khăn do bị sương muối và mưa nhiều khiến thời gian sinh trưởng dài hơn nên dưa ra trái có nhỏ hơn mọi năm, chất lượng không được đồng đều.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
“Trái nhỏ nên giá năm nay chỉ được chừng 4.000 đồng/kg, có khi xuống chỉ 2.500 đồng/kg. Chi phí mỗi sào dưa chỉ riêng tiền giống, phân đã hơn 3 triệu đồng nên người trồng dưa ở đây gần như lỗ, chỉ đủ cho chi phí đầu vào. Vụ đông xuân này, nhà nào trồng càng nhiều là càng lỗ".
Thương lái Phan Châu Sơn (tỉnh Bình Định) cho biết, hiện nay, dưa tại Quảng Nam có trái khá nhỏ so với mọi năm nên rất khó để mua giá cao. Cùng với đó, phía bên Trung Quốc cũng không nhập hàng do họ được mùa. Số dưa thu mua tại Quảng Nam chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc.