Quảng Ngãi: ớt đầu vụ tụt giá nhanh
Chỉ trong vòng gần một tháng, từ giá trên 70.000 đồng/kg, giá ớt tươi tại Quảng Ngãi đã sụt xuống còn khoảng 35.000 đồng/kg. Gần một tháng qua, nông dân xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi), một trong các vùng trồng ớt lớn nhất Quảng Ngãi bước vào thu hoạch những lứa đầu tiên của năm 2025.
Năm nay, thời tiết có phần khắc nghiệt nên cây ớt sinh trưởng chậm. Năng suất, sản lượng cũng giảm.
Một số nông dân chia sẻ, trong tháng 3/2025, giá ớt lúc cao nhất lên đến trên 70.000 đồng/kg nhưng sau đó tụt nhanh, đến nay chỉ còn chừng nửa giá.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
"Tôi bán được 2 lần, lần đầu giá khoảng 60.000 đồng/kg, lần sau được 35.000 đồng/kg. Còn hôm nay nghe đâu tiếp tục giảm"- ông Nguyễn Phùng (thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà) cho hay.
Dù vậy, đây được xem là mức giá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng.
Hiện ớt vẫn chưa vào thu hoạch rộ, nhiều diện tích còn đang ra hoa, đậu quả. "Mấy năm liền giá ớt rất thấp, thậm chí 4.000-5.000 đồng/kg. Năm ngoái lỗ quá, tôi bỏ không ruộng cho người ta hái. Năm nay sợ tiếp tục lỗ nên chỉ làm gần 2 sào, giảm một nửa diện tích"- anh Nguyễn Hữu Quân (thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà) cho hay.
Ớt sau khi thu hoạch được bán cho các vựa để tiếp tục chọn lựa, xuất bán sang Trung Quốc.
Giá dừa khô tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay
Giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng cao trong hơn tuần qua.
Hiện giá thu mua tại vườn ở mức 170.000 - 190.000 đồng/chục (12 trái), tăng 10.000 đồng/chục so tuần trước. Với mức giá này, nông dân trồng dừa có thu nhập bình quân khoảng 130 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Hữu Chẩn, chủ vườn dừa ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long cho biết, giá dừa khô trước đây luôn không ổn định và chỉ tăng cao nhất ở mức 110.000 đồng/chục. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2024, giá dừa khô bắt đầu tăng dần và cho đến nay đạt mức ở mức 170.000 - 190.000 đồng/chục tùy theo chất lượng trái. Đây là mức giá dừa khô cao nhất từ trước đến nay. Thời điểm này là mùa khô nên sản lượng dừa cho trái khô nhiều, khoảng 1.200 quả/ha/tháng. Hầu hết nông dân trồng dừa rất phấn khởi nhờ có nguồn thu nhập cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có gần 89.000 hộ trồng hơn 7,2 triệu cây dừa, với diện tích hơn 27.520 ha, trong đó hơn có 23.600 ha đang cho trái. Năng suất dừa ở Trà Vinh đạt bình quân trên 17,1 tấn/ha/năm, tương đương 14.300 quả/ha/năm, cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chương trình nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, hiện tỉnh đã có 5.276 ha dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế do 8 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ. Việc liên kết này là định hướng của tỉnh nhằm phát triển cây dừa, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập bền vững cho nông dân.
Năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phấn đấu mở rộng diện tích cây dừa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha/năm và có ít nhất 8.000 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ, trong đó có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Các địa phương trong tỉnh hiện đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân phát triển chuỗi giá trị dừa đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng vùng trồng nguyên liệu dừa tập trung.
Mận hậu đầu mùa giá đắt đỏ
Mùa mận hậu bắt đầu từ khoảng tháng 4 đến hết tháng 6. Mận hậu đầu mùa đang được người tiêu dùng săn đón nhưng giá bán ở thời điểm này, mặt hàng này đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.
Chị Vũ Thị Nhàn (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho biết, thời điểm này, giá bán sỉ mận hậu tại vườn là 155.000 đồng/kg "size vip" (số lượng khoảng 30 quả/kg). Với mận hậu có kích thước nhỏ hơn, tương đương 38-45 quả/kg, giá bán sỉ thấp hơn.
Chị Nhàn cho biết: "Với mức giá nhập này, các tiểu thương có thể bán lẻ với giá cao gần gấp đôi hoặc gấp đôi giá nhập. Mận hậu quả to đẹp cũng cho mẫu mã bóng hơn, trái đỏ cũng đậm hơn và bán cũng dễ đắt hàng hơn".
Theo chị Nhàn, vì chưa vào mùa chính thức và nguồn cung năm nay không nhiều nên giá sỉ thời điểm này khá cao và giá bán trên chưa bao gồm chi phí vận chuyển đến các tỉnh, thành phố.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Vì giá nhập cao nên khảo sát của phóng viên cho thấy, giá bán lẻ mận hậu tại Hà Nội đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.
Tại chợ dân sinh Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), mận hậu có giá bán lẻ từ 55.000 – 350.000 đồng/kg, tùy kích thước.
Với loại mận kích thước nhỏ, từ 40-50 quả/kg, giá bán dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Tiêu - tiểu thương ở chợ Lĩnh Nam cho biết, so với năm ngoái, giá bán mận hậu đầu mùa năm nay tăng khoảng 5.000 đồng/kg.
Theo chị Tiêu, mận hậu được chị Tiêu nhập tại vườn mận Mộc Châu từ 90.000 – 150.000 đồng/kg. Với phân khúc giá 150.000 đồng/kg, mỗi kg có khoảng 25-30 quả; phân khúc giá 90.000 đồng/kg, quả sẽ nhỏ hơn.
Không chỉ ở cửa hàng, trên chợ online, giá mận hậu đầu mùa cũng biến động mạnh. Mỗi kg loại này được rao bán từ 120.000 - 250.000 đồng, một số nơi thậm chí hơn 400.000, đắt hơn hàng nhập khẩu.
Theo các tiểu thương, đến cuối tháng 4, khi nguồn cung mận dồi dào hơn, giá bán sẽ mềm hơn.
"Cơn sốt" khoai sâm đất qua đi, giá giảm mạnh
Trong thời gian gần đây, khoai sâm đất - loại nông sản từng được coi là "hot" và thu hút sự chú ý của không ít người tiêu dùng nhưng nay đã có sự thay đổi mạnh mẽ về giá cả, “cơn sốt” khoai sâm đất dường như đã qua đi, khiến giá của loại nông sản này giảm mạnh.
Khoai sâm đất, hay còn gọi là hoàng sin cô, từng là một hiện tượng nông sản tại Trung Quốc và Việt Nam. Loại củ này có vị ngọt thanh, giòn, dễ ăn và giàu dưỡng chất, nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, đặc biệt là giới thành thị quan tâm đến sức khỏe.
Khoảng 2-3 năm trước, khoai sâm đất bất ngờ trở thành "vàng" nhờ chiến lược tiếp thị khéo léo và sự quan tâm của người tiêu dùng. Giá của loại củ này tại Trung Quốc có thời điểm lên đến 20 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 68.000 đồng), vượt xa giá trung bình của các loại quả truyền thống như cam, táo, bưởi.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Sự thành công này đã khiến nhiều nông dân tại các tỉnh như Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu đổ xô trồng khoai sâm đất, tạo nên làn sóng sản xuất ồ ạt.
Tuy nhiên gần đây thị trường khoai sâm đất tại Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào. Việc trồng trọt không có chiến lược dài hạn, cộng với sản lượng tăng đột biến do phong trào chạy theo xu hướng, khiến cung nhanh chóng vượt cầu. Không chỉ vậy, nhiều nông dân quá chú trọng vào số lượng mà lơ là yếu tố chất lượng, dẫn đến việc người tiêu dùng dần quay lưng.
Hiện tại, giá bán khoai sâm đất chỉ còn khoảng 2 nhân dân tệ/kg (chưa đến 7.000 đồng), rẻ hơn nhiều so với rau củ thông thường. Tại một số khu chợ nông sản ở các tỉnh Trung Quốc, mức giá thậm chí còn tụt xuống chỉ còn 1,2 - 1,4 nhân dân tệ/kg (khoảng 4.000 – 4.800 đồng). Nhiều nông dân đành phải thu hoạch để làm thức ăn cho gia súc, giảm lỗ thay vì để củ hỏng ngoài ruộng.
Cơn sốt khoai sâm đất đã qua đi, để lại bài học quý giá về việc cần có chiến lược dài hạn và chú trọng vào chất lượng sản phẩm để duy trì sự bền vững trên thị trường.
Hành tăm được mùa mất giá, khó tiêu thụ
Thời điểm này, người dân trồng hành tăm tại một số địa phương như Nông Cống (Thanh Hóa), Nghi Lộc (Nghệ An),... đang vào vụ thu hoạch chính, nhưng giá giảm sâu khiến nhiều hộ gia đình lo ngại, thu hoạch cầm chừng chờ giá lên.
Gia đình ông Trần Văn Hải, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) trồng 2 sào hành tăm, nhưng giá xuống thấp một nửa so với năm 2024, nên gia đình ông chỉ thu hoạch cầm chừng.
“Các năm trước, vào đầu vụ, giá hành tăm cao nên thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó. Năm nay, giá hành thấp, giảm mạnh lại khó tiêu thụ nên chỉ bới khi có khách hỏi mua” - ông Hải cho hay.
Không riêng gì gia đình ông Hải mà hầu hết các hộ trồng hành ở xã Nghi Lâm cũng đang thu hoạch hành tăm cầm chừng, có khách đặt mua thì bới hành để bán, còn không thì đành tạm dừng chờ giá lên.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Tương tự, tại Thanh Hóa, hiện nay cây hành tăm đã rũ hết lá trên các cánh đồng ở xã Trường Sơn, Trường Trung, Tượng Văn của huyện Nông Cống, nhưng người dân vẫn đang thu hoạch cầm chừng vì giá hành tăm năm nay giảm sâu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Luyện, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống hiện trồng 6 sào hành tăm nhưng cũng chỉ thu hoạch cầm chừng hoặc thu hoạch khi có khách hỏi mua.
Theo bà Luyện, các năm trước, vào đầu vụ, giá hành tăm cao nên người dân thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Năm nay giá hành tăm rớt giá chỉ bằng một nửa những năm trước.
“Nếu thu hoạch sớm, đầu vụ giá hành tăm bán được giá 28.000 đồng/kg nhưng đến thời điểm này chỉ còn 20.000 đồng/kg. Năm ngoái, với 6 sào, gia đình tôi thu hoạch được 3 tấn hành, bán với giá 36.000 - 40.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng. Năm nay, giá hành tăm thấp nhưng thương lái cũng không mua nhiều, chúng tôi vừa thu hoạch vừa lo lắng. Có lẽ năm nay thu nhập từ bán hành tăm của gia đình sẽ giảm một nửa”, bà Luyện buồn rầu nói.
Bà Nguyễn Thị Lan – thương lái chuyên thu mua hành tăm tại địa phương hiện cũng đang tạm ngưng thu mua vì chưa có đầu ra. “Mấy ngày nay, giá xuống thấp, liên hệ khắp nơi không nhập được hành nên tôi đang tạm ngưng việc thu mua. Cái khó là hành tăm khó bảo quản, để lâu sẽ bị mất nước, gây hao cân, lỗ vốn”, bà Lan cho biết.
Chứng kiến giá hành tăm tại quê nhà rớt thảm, chị Phạm Như Hoàn hiện đang sinh sống tại Hà Nội, những ngày qua đã tích cực đăng tải thông tin và tìm các đầu mối tiêu thụ hành tăm giúp gia đình và người thân. Tuy nhiên, theo chị Hoàn, dù bán giá rẻ chỉ còn 25.000 đồng/kg nhưng hành tăm là một loại nông sản khá đặc trưng nên mức tiêu thụ cũng không đáng là bao.
Theo chia sẻ của bà con trồng hành, năm nay củ hành tăm to, đều đẹp nhưng giá quá thấp, chỉ bằng một nửa năm ngoái. Sau gần 8 tháng trồng, chăm sóc và thu hoạch. Công bới củ hành cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng với mức giá hiện nay thì người dân hầu như không có lãi.
Để giúp bà con giảm bớt gánh nặng, đại diện UBND xã Trường Sơn cho hay UBND xã và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã vẫn đang tích cực liên hệ với các thương lái để hỗ trợ tiêu thụ hành, nhưng lượng bán ra không đáng kể.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nông Cống cũng xác nhận hiện giá hành tăm trên địa bàn chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm ngoái. Với mức giá này, người nông dân dù bán hết hàng cũng chỉ đủ tiền đầu tư, không có lãi.
Được biết, huyện Nông Cống được xem là "thủ phủ" hành tăm của tỉnh Thanh Hóa, với hơn 100ha. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, hành trồng tại đây cho củ to, chắc, mùi thơm đặc trưng.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích vì sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự điều tiết của thị trường", đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nông Cống nói.