Dâu tây Sơn La giá giảm chưa từng có
Hơn một tuần nay, khi dâu tây đặc sản của Sơn La bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, tại cửa hàng của chị Ngô Thị Hải Lý ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) lúc nào cũng bày la liệt các hộp dâu chín mọng, đỏ chót.
Không chỉ vậy, giá dâu tây từ mức cao ngất ngưởng đã giảm “sập sàn”. Theo đó, thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá dâu bi ve lên tới 180.000 đồng/kg thì nay còn 75.000 đồng/kg; loại dâu bi to giá cũng giảm một nửa, còn 95.000 đồng/kg; dâu to giá 120.000 đồng/kg.
Riêng dâu tây Sơn La loại Vip trước Tết giá lên tới 500.000-700.000 đồng/kg giờ cũng giảm mạnh còn 160.000 đồng/kg.
“Với loại dâu tây Vip, đây là mức giá rẻ nhất kể từ khi đặc sản Sơn La này đổ bộ chợ Hà Nội”, chị nhận xét. Do đó, nhân viên tại cửa hàng chị mỏi tay chốt đơn từ 7h sáng đến 10h đêm. Cửa hàng có vài shipper gần như chỉ chuyên đi giao dâu tây theo đơn khách đặt.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Khi giá rẻ, phần lớn khách đều đặt mua 2-3kg, thậm chí 5kg mỗi lần. Đây cũng là lý do mỗi ngày cửa hàng của chị tiêu thụ hết gần 1 tấn dâu tây Sơn La các loại.
“Tầm này dâu chín rộ nên đỏ mọng, ít chua. Nguồn cung từ nhà vườn trên Sơn La cũng tăng mạnh nên cửa hàng đặt số lượng bao nhiêu cũng có”, chị Lý nói.
Hiện, dâu tây Sơn La "nhuộm đỏ" khắp các tuyến phố, ngõ chợ, siêu thị... và phủ sóng chợ mạng. Dâu được chia theo các size khác nhau, như: hàng Vip, loại to, cỡ vừa, size bi to và bi nhỏ. Mặt hàng này thường được đóng hộp với trọng lượng 0,5kg/hộp và có giá từ 75.000-200.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) - thừa nhận, giá dâu tây năm nay rẻ hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. So với trước Tết, giá loại quả này đã giảm khoảng 40%.
Ông dẫn chứng, dâu tây bán xô trước Tết có giá khoảng 100.000 đồng/kg, nay giảm còn 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá khi dâu tây bước vào cao điểm thu hoạch vụ năm ngoái, tức khoảng đầu tháng 3.
“Năm nay rất ít mưa nên năng suất dâu không thể cao như năm trước, nhưng nguồn cung vẫn tăng mạnh vì nông dân mở rộng diện tích”, ông đánh giá.
“Vài năm trở lại đây, giá loại quả đặc sản Sơn La này ngày càng rẻ do diện tích tăng theo từng năm”, ông nói. Tuy nhiên, giá dâu tây vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của trái cây trên thị trường. Thế nên, vụ này dù giá giảm mạnh cộng với năng suất thấp, nhưng 1ha dâu tây vẫn cho lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng.
Sầu riêng trong nước rớt giá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến giữa tháng 2, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 3.500 tấn, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành sầu riêng mà còn tác động trực tiếp đến toàn bộ ngành hàng rau quả xuất khẩu khi trái sầu riêng đóng vai trò là mặt hàng "chủ lực".
Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 1 đạt 416 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính là sự sụt giảm trong giá trị xuất khẩu sầu riêng khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với dư lượng chất vàng O - một loại phẩm nhuộm công nghiệp - bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Việc khối lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lao dốc khiến nguồn cung trong nước tăng vọt, kéo giá mặt hàng trái cây này xuống mức thấp kỷ lục.
Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, giá thu mua sầu riêng Ri6 đẹp hiện chỉ dao động 70.000-90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2024. Còn sầu riêng Ri6 xô có giá neo ở mức 55.000-70.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg.
Sầu riêng Thái loại đẹp cũng giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 12/2024, hiện phổ biến ở mức 100.000-120.000 đồng/kg. Thậm chí, mặt hàng sầu riêng Thái xô chỉ còn 60.000-100.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá sầu riêng Ri6 loại I tại khu vực Tây Nguyên thu mua cũng chỉ 65.000-85.000 đồng/kg, rẻ hơn đến 15.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái MonThong cũng giảm 20.000 đồng/kg, còn 70.000-115.000 đồng/kg.
Gia Lai: Rau rớt giá, nông dân chật vật tìm đầu ra
Dù chăm sóc vất vả suốt nhiều tháng trời, nhưng đến khi thu hoạch người trồng rau thuộc xã An Phú, một trong những khu vực cung cấp rau củ lớn của TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) phải bán rẻ, thậm chí bỏ rau héo ngoài ruộng vì không ai mua.
Gánh trên vai chiếc bình lớn, tay thoăn thoắt điều khiển vòi phun thuốc cho 2 sào dưa cải ngọt, ông Trần Văn Ngọc (45 tuổi, ngụ xã An Phú) không giấu nổi nỗi chua xót
"Hiện nay, thương lái thu mua cải ngọt tận vườn chỉ với giá 1.500 đồng/kg, trong khi trước Tết giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Còn 2 sào cải cúc bên cạnh, giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không mặn mà thu mua. Nhìn cả ruộng rau xanh mướt mà xót xa lắm, chẳng biết phải làm sao".
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ông Ngọc cho biết, có những thời điểm, nông dân buộc phải nhổ bỏ hàng tấn rau vì giá quá thấp, không đủ bù chi phí thu hoạch và vận chuyển. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người trồng rau còn rơi vào cảnh bất lực trước vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa được giá” kéo dài suốt nhiều năm.
Cạnh vườn rau của ông Ngọc, ông Huỳnh Minh Thái (50 tuổi) đang tỉ mẩn chăm sóc 2 sào hành lá chuẩn bị thu hoạch.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái chia sẻ, sau Tết, hầu hết các loại rau, củ đều giảm giá mạnh. "Trước Tết, hành lá có giá 12.000 - 14.000 đồng/kg, vậy mà giờ đây thương lái chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg. Nông dân trồng rau cứ mãi loay hoay trong cảnh giá cả bấp bênh như thế này, cực lắm", ông Thái thở dài.
Theo ông Thái với 2 sào trồng hành lá, riêng tiền giống đã là 32 triệu đồng, tiền nhân công, tiền thuốc bảo vệ tổng đầu tư hơn 40 triệu đồng. "Một tháng rưỡi chăm bón, tưới tiêu, tiền giống, phân bón, thuốc men, vậy mà giờ bán chẳng đủ tiền giống, tiền thuê nhân công cắt hành", ông Thái nói.
Hội Nông dân phường Thống Nhất đã triển khai hoạt động "Giải cứu rau sạch cho bà con nông dân" nhằm giúp bà con nông dân trồng rau ở phường giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất.
Ngồi giữa ruộng, cẩn thận nhổ từng bụi ngò (một loại rau thơm) xanh mướt rồi bó lại thành từng bó, bà Lê Thị Phượng chia sẻ: "Thời gian gần đây, nhiều nông dân trồng ngò lao đao vì giá bán giảm mạnh. Hiện tại, ở nhiều nơi, ngò chỉ còn 1.000 đồng/bó. Tình hình chung là vậy, giờ chỉ biết cố gắng vớt vát được đồng nào hay đồng đó, hy vọng vụ sau giá cả sẽ khởi sắc hơn".
Theo bà Phượng, nguyên nhân rau rớt giá xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng cao do người dân mua sắm tích trữ, trong khi các bếp ăn, nhà hàng cũng hoạt động nhộn nhịp. Tuy nhiên, sau Tết, nhu cầu giảm mạnh vì nhiều gia đình vẫn còn thực phẩm dự trữ, khiến rau bán chậm, giá giảm sâu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, cho biết: "Giá rau giảm sau Tết xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, đầu ra tại xã An Phú vẫn chưa ổn định. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng rau, khiến diện tích canh tác tăng đáng kể, nguồn cung trở nên dồi dào. Ngoài ra, thời tiết bất thường, không khí lạnh kéo dài làm rau phát triển chậm, không kịp thời điểm xuất bán như mong muốn của bà con".
Trước tình cảnh giá rau xanh giảm mạnh, khiến nhiều nông dân thua lỗ, một số nhóm thiện nguyện đã chung tay mua rau để ủng hộ bà con, góp phần giúp họ giảm bớt phần nào thiệt hại.
Giá dừa tăng mạnh
Tại Bến Tre, giá dừa khô nguyên liệu canh tác hữu cơ dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/chục (12 trái), trong khi dừa khô canh tác thông thường có giá từ 130.000 đến 145.000 đồng/chục.
Giá dừa tươi cũng tăng mạnh, với mức tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, giá dừa tươi tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng/trái, nhưng hiện tại đã lên đến 11.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá dừa tăng mạnh là do Indonesia, quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới, đã quyết định nâng mức thuế xuất khẩu dừa và có kế hoạch dừng xuất khẩu dừa nguyên liệu trong tương lai.
Điều này khiến nguồn cung dừa trên thị trường quốc tế giảm mạnh, tạo cơ hội cho các quốc gia khác như Việt Nam gia tăng xuất khẩu và đẩy giá dừa lên cao.
Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu từ các nhà máy ở Thái Lan và Trung Quốc cũng dừa trong nước tăng giá. Các nhà máy này đang đổ xô mua dừa của Việt Nam để bổ sung vào sản xuất trong nước. Tại các cửa khẩu ở Đồng Tháp, An Giang, mỗi ngày có hàng chục container dừa được xuất đi.
Các nhà máy sơ chế nước dừa và nước cốt dừa cấp đông của các tập đoàn Trung Quốc hiện đã hoạt động ổn định và mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất. Sự cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu đã đẩy giá dừa nguyên liệu lên cao, khiến các nhà máy trong nước gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu.
Mặc dù nông dân hưởng lợi từ giá cao, nhưng các nhà máy không thể đáp ứng kịp nhu cầu thu mua, gây khó khăn cho quá trình sản xuất và chế biến.