Quýt sim vào mùa giá rẻ
Ngày 17/3, ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hàng trái cây trên địa bàn quận Hoàng Mai ( TP Hà Nội) cho thấy, loại trái cây này được bày bán với mức dao động từ khoảng 25.000 – 40.000 đồng/kg.
Chị Võ Thị Minh Phương - chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai) đang bày bán loại trái cây này với giá 105.000 đồng/4kg.
Chị Phương cho biết, thời điểm này, quýt sim đang vào dần bước vào cuối vụ nên ngoài mức giá bán tốt, loại quả này còn cho chất lượng nước ngọt đậm, phù hợp với nhu cầu tăng sức đề kháng với người tiêu dùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
"Vì vào cuối vụ nên quả quýt sim rất rám, rất ngọt, giá cũng nhỉnh lên từng ngày như hôm qua, tôi bán 105.000 đồng/4kg nhưng hôm nay, giá nhập nhỉnh hơn nên tôi bắt đầu điều chỉnh là 115.000 đồng/kg", chị Phương cho hay.
Tại cửa hàng thực phẩm sạch Kun Anna (ở KĐT Gamuda Gardens, Hoàng Mai, Hà Nội), quýt sim đang được bày bán với giá bán lẻ là 40.000 đồng/kg.
Chị An - chủ cửa hàng này cho biết, thời điểm này, quýt sim có giá bán rẻ nhất trong các loại quýt khác và chất lượng thu được cũng tốt nhất. Quýt sim có vỏ dày, màu vàng cam bắt mắt, bên trong là tép quýt dày, căng mọng và giàu dinh dưỡng.
Hương vị đặc trưng của quýt sim là vị ngọt thanh xen lẫn chút chua nhẹ, cực kỳ dễ chịu. Khi vào mùa, quýt sim không chỉ ngon hơn mà còn có sản lượng lớn, giúp giá thành giảm mạnh, phù hợp cho mọi đối tượng tiêu dùng.
Giá sầu riêng Musang King tăng mạnh
Nhiều thương lái đổ xô thu mua loại sầu riêng Musang King khiến giá mặt hàng này tăng vọt. So với năm ngoái, giá sầu riêng Musang King đã tăng khoảng 60%. Tính từ đầu năm đến nay, giá sầu riêng Musang King đã tăng áp đảo so với sầu riêng Ri6 và Monthong.
Theo khảo sát, nhiều đầu mối hiện đăng bán sầu riêng Musang King với giá dao động 300.000-350.000 đồng/kg trên chợ mạng.
Trong khi đó, giá loại sầu riêng này tại các cửa hàng Farmers Market lên đến 898.000 đồng/trái 1,5-2 kg, tương đương hơn 450.000 đồng/kg. Đối với trái có trọng lượng to hơn, người mua sẽ phải chi trả hơn 1,1 triệu đồng để thưởng thức ở thời điểm hiện tại.
Tại các kho sầu riêng Musang King, giá sầu loại A hiện ở mức 135.000 đồng/kg, loại B là 100.000 đồng/kg. Nếu thu mua tại các vườn, giống sầu riêng này dao động 100.000-150.000 đồng/kg, tùy chất lượng của trái.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Anh Dũng Lê, chủ cửa hàng sầu riêng tại Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) cho biết do sức mua tại thị trường nội địa tăng mạnh đã đẩy giá sầu riêng Musang King lên cao. Vì vậy, nhà vườn cũng phấn khởi bởi lợi nhuận thu lại cao hơn rất nhiều so với thời gian trước.
Một kho chuyên bán sỉ lẻ sầu riêng Musang King tại An Giang cho biết những ngày gần đây, sản phẩm này liên tục "cháy hàng" bởi người dân đổ xô đi mua. Kho phải liên tục thuê nhân công thu mua tại các vườn để đảm bảo đủ số lượng bán ra trong ngày.
Bên cạnh sức mua tăng cao, các nhà vườn cũng chú trọng hơn đến chất lượng nên hạn chế được tình trạng sượng nước ở trái sầu riêng.
“Những năm trước, nông dân trồng sầu riêng Musang King chưa nắm được kỹ thuật, dẫn đến việc sử dụng phân bón sai cách. Ngoài ra, tình hình thời tiết mưa bão xảy ra khi gần thu hoạch cũng là yếu tố gây ra tình trạng sượng nước và làm cho giá sầu MusangKing giảm mạnh”, anh Dũng nhận định.
Mặt khác, giống sầu riêng Musang King sẽ cho năng suất tốt tùy vào chế độ chăm sóc cũng như kinh nghiệm của nhà vườn.
Cụ thể, khi được chăm sóc với điều kiện tối ưu, các cây có tuổi thọ từ 5 năm trở lên sẽ cho khả năng đậu 60-120 trái/cây, với cân nặng trung bình 1,6-3 kg/trái.
“Trong tương lai, nếu ổn định về mặt chất lượng, sầu riêng Musang King Việt Nam sẽ cạnh tranh mạnh với sầu Malaysia. Đồng thời, giá cả cũng trở nên ổn định hơn”, anh Dũng nói thêm.
Không chỉ ở Việt Nam, giá sầu riêng Musang King tại Thái Lan cũng đang tăng vọt, thậm chí cao gấp đôi so với Việt Nam.
Theo đó, giá thu mua tại các vườn rơi vào khoảng 250-300 bath/kg, tức 190.000-230.000 đồng/kg quy đổi. Còn các kho hiện mua vào ở mức 350 baht/kg, tương đương 265.000 đồng/kg.
Cam sành giá rẻ bất ngờ
Những ngày gần đây, hình ảnh những xe tải, những điểm bán cam sành với tấm biển “giải cứu cam sành Vĩnh Long” hay “đặc sản cam Vĩnh Long” xuất hiện tại nhiều tuyến đường, chợ ở TP Hồ Chí Minh với giá rất rẻ, chỉ 5.000 đồng/kg hoặc 50.000 - 55.000 đồng/bao 10 kg.
Cụ thể, ghi nhận dọc các tuyến đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức), đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), đường Phổ Quang (quận Tân Bình),... nhiều điểm đổ đống cam sành trên vỉa hè, xe đẩy và bán ra với giá 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại. Một số nơi bán theo dạng túi 10 kg với giá chỉ 55.000 đồng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, dù giá rẻ, sức mua vẫn chưa thực sự cao do lượng cam đổ về TP Hồ Chí Minh quá nhiều. Người bán hy vọng khi mùa nắng nóng bắt đầu, nhu cầu tiêu thụ cam sẽ tăng trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bà Lê Thị Bích, một tiểu thương buôn cam tại đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) cho biết, năm nay giá nhập cam sành Vĩnh Long đã tăng đáng kể so với năm trước, nhưng nếu so với mặt bằng chung của thị trường, thì vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do cam đang vào mùa, nguồn cung dồi dào, lượng hàng đổ về nhiều nên giá không thể đẩy lên cao được.
“Cam là loại trái cây không để lâu được, nếu không bán nhanh rất dễ hư hỏng, vừa mất vốn, vừa lỗ nặng. Cho nên, dù giá có thấp thì tôi vẫn phải bán để thu hồi vốn. Bán rẻ một chút nhưng vẫn có dòng tiền quay vòng, còn hơn là để cam hỏng rồi mất trắng”, bà Bích chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Vịnh (quận Bình Thạnh) cho biết cam ông bán nhập từ các tỉnh miền Tây, chủ yếu là cam Vĩnh Long. Hầu như những người bán với giá rẻ đều nhập nhiều và lựa chọn đứng ở các tuyến đường lớn, riêng ông lấy ít nên thường đẩy xe vào những khu dân cư để bán với mức giá cao hơn.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân chính khiến giá cam sành giảm mạnh là do nguồn cung vượt cầu. Sau Tết Nguyên đán, cam sành bước vào vụ thu hoạch rộ, khiến lượng hàng dồn về thị trường lớn hơn sức tiêu thụ. Trong khi đó, cam sành chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa có thị trường xuất khẩu ổn định, dẫn đến tình trạng dội hàng.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cam sành là thời gian bảo quản ngắn. Không giống một số loại trái cây khác có thể trữ lâu ngày, cam sành chỉ bảo quản được khoảng 5-7 ngày sau khi hái. Điều này khiến cả người bán lẫn người mua đều gặp khó khăn. Nếu không tiêu thụ nhanh, cam sẽ hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng và làm giảm sức mua.
Giá dừa khô tăng kỷ lục
Hiện nay, dừa khô nguyên liệu được các doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre thu mua với mức giá trên dưới 190.000 đồng/chục (12 quả). Đây là mức giá đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Theo người trồng dừa ở Bến Tre, với mức giá trên 50.000 đồng/chục là đã có lãi. Tuy giá cao nhưng hầu hết vườn dừa tại địa phương rơi vào tình trạng “treo cổ”, vì mùa khô dừa năng suất rất thấp. Đặc biệt, nhiều diện tích vườn dừa thời gian qua bị sâu đầu đen tấn công nên bị suy kiệt. Ở thời điểm này, toàn tỉnh còn hơn 271 ha vườn dừa đang nhiễm sâu đầu đen.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo Sở NN-MT Bến Tre, tổng diện tích dừa của tỉnh đạt gần 80.000 ha, chiếm khoảng 42% diện tích dừa cả nước và khoảng 88% diện tích dừa vùng ĐBSCL, cho sản lượng khoảng 700 triệu trái. Toàn tỉnh có diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt hơn 20.000 ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13.000 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm từ dừa. Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giá ca cao tại Bà Rịa-Vũng Tàu tăng kỷ lục
Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch ca cao. Giá ca cao lại đang tăng lên mức kỷ lục từ trước tới nay, khiến bà con vui mừng, phấn khởi.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có khoảng 650 ha trồng ca cao; trong đó huyện Châu Đức có đến gần 570 ha, số diện tích còn lại rải rác tại thành phố Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc. Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có diện tích trồng ca cao lớn của cả nước. Ca cao được trồng tại tỉnh được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao về chất lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Gia đình ông Nguyễn Hữu Nồng, ngụ thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang canh tác 1 ha chuyên trồng ca cao đã được 20 năm nay, với 900 gốc. Ông Nồng cho biết: Vụ ca cao bắt đầu thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau. Vụ ca cao năm nay, đầu vụ ông thu hoạch và bán được giá 13.500 đồng/kg hạt ca cao tươi và 160.000 đồng/kg hạt ca cao khô. Thế nhưng, hiện nay, giá ca cao tươi đang được thương lái thu mua với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg hạt tươi và từ 225.000 - 230.000 đồng/kg hạt khô.
Đến nay, gia đình ông Nồng đã thu hoạch được 1,6 tấn hạt ca cao khô, thu về khoảng 300 triệu đồng; trong đó chi phí phân, thuốc, công chăm sóc chỉ khoảng 50 triệu đồng. Dự kiến số trái còn lại trên cây đến cuối mùa thu hoạch và với giá bán ổn định, gia đình ông Nồng thu về khoảng 100 triệu đồng nữa.
"Năm nay ca cao sản lượng ổn định, giá bán lại cao, tăng từ 140.000 - 150.000 đồng/kg so với vụ ca cao năm ngoái (giá bán vụ ca cao năm ngoái dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg hạt khô). Giá tăng cao kỷ lục nên người trồng rất vui mừng, phấn khởi", ông Nguyễn Hữu Nồng vui mừng chia sẻ.
Còn gia đình ông Võ Đình Một, ngụ ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 1,3 ha trồng chuyên canh cây ca cao đã được 21 năm, với 1.100 cây. Ông chia sẻ, từ đầu vụ đến nay gia đình ông đã thu được 2,5 tấn hạt ca cao khô, hiện giá ca cao đang ở mức cao sau khi trừ chi phí ông còn lời 350 triệu đồng.
"Gắn bó với cây ca cao 21 năm mà chưa năm nào tôi thấy ca cao được giá như hiện nay. Bà con nông dân quá phấn khởi và có động lực để thêm gắn bó với cây trồng này", ông Võ Đình Một chia sẻ.
Không trồng chuyên canh cây ca cao như gia đình ông Nguyễn Hữu Nồng và ông Võ Đình Một, gia đình ông Trần Na, ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức có 300 gốc xen canh với cây cà phê và cây sầu riêng. Dự kiến vụ ca cao năm nay gia đình ông Na thu về khoảng 1 tấn hạt ca cao khô, với giá bán cao như hiện nay ông cũng lời trên 120 triệu đồng. Ông Na cho biết sẽ mở rộng dần diện tích trồng ca cao, mỗi năm sẽ trồng xen canh thêm khoảng 100 cây trong vườn cây 2ha của gia đình.
Cây ca cao đã bén rễ tại bén rễ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến nay đã được hơn 20 năm. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ca cao ở trồng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhất là vùng huyện Châu Đức được xếp vào nhóm có hương vị ngon nhất thế giới.
Sản phẩm ca cao của Bà Rịa-Vũng Tàu đến nay đã được nhiều công ty trong và ngoài nước tìm đến thu mua để xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã chuyên trồng ca cao trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đơn hàng từ đối tác đặt hàng nhưng không đáp ứng đủ. Bởi vậy, ca cao của bà con thu hoạch đến đâu đều được các hợp tác xã thu mua hết đến đó, không lo về đầu ra và giá cả. Vì thế, bà con trồng cây ca cao đang rất yên tâm mở rộng diện tích.