Giá hoa, cây cảnh tăng 1/3 so với năm ngoái
Theo chia sẻ của nhiều chủ vườn ở xã Nam Điền, năm nay do hầu hết các vùng trồng hoa trên cả nước ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của đợt mưa bão dài ngày đợt tháng 9 vừa qua dẫn tới giá cây giống, phân bón tăng, công chăm sóc, dịch vụ vận chuyển tăng. Trước tình hình đó, nhiều nhà vườn và người bán hàng đã chủ động giảm lợi nhuận kinh doanh để “lấy công làm lãi”, kích cầu tiêu dùng, đồng thời giảm bớt nỗi lo về hàng hóa tồn lại do tăng giá dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Tính ở xã Nam Điền, chủ hàng bán cây cảnh tại khu vực đường Cột Cờ (thành phố Nam Định) cho biết: “Năm nay, giá nhập các loại hoa, cây cảnh tăng 1/3 so với năm ngoái, đặc biệt là các loại cây cảnh, cây hoa hay được người dân chọn mua chơi dịp Tết như: Hoa hồng, hải đường, mẫu đơn, tùng la hán, cau, đào. Dự kiến hoa đào năm nay ít và đắt hơn so với năm trước bởi các vùng trồng đào tại xã Nam Mỹ cũ (nay là xã Nam Điền) bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bão lụt, do vậy, người bán sẽ nhập đào về từ các vùng trồng của Nhật Tân (Hà Nội), Lạng Sơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Năm nay, quất ít bị ảnh hưởng hơn so với đào, tuy nhiên giá cũng dao động có xu hướng lên. Đơn cử 1 cây quất thần tài lấy tại phường Nam Phong (thành phố Nam Định) mọi năm có giá 250-300 nghìn đồng, năm nay bán khoảng trên dưới 400 nghìn đồng/cây”. Cũng theo bà Tính, tuy ảnh hưởng bão nhưng người dân vẫn rất hào hứng với Tết Nguyên đán, nhiều người dân có điều kiện vẫn tìm mua hoa, cây cảnh tận các nhà vườn trong tỉnh như Nam Phong, Nam Điền, Mỹ Tân, hoặc đặt mua tận Văn Giang (Hưng Yên), Hồng Việt (Thái Bình), Nhật Tân (Hà Nội)...
Cũng theo chị Vũ Thị Thắm, bán hoa tại gần khu vực Quảng trường Hòa Bình (thành phố Nam Định), giá hoa, cây cảnh năm nay tăng khoảng 1/3 so với mọi năm. Do vậy, chị chọn bán các loại cây hoa giá thành hợp lý, được người dân mua nhiều dịp Tết như: Hoa giấy, hoa hồng, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, dạ yến thảo, trạng nguyên... lấy về từ các vùng trồng hoa, cây cảnh của Văn Giang (Hưng Yên), Nam Điền (Nam Trực) và mỗi nơi một chút. Để giữ chân khách hàng, chị chấp nhận giảm lợi nhuận và lấy hàng tại những nơi giá cả hợp lý để dễ bán. Cũng theo dự đoán của chị Thắm, năm nay so với năm ngoái, giá các loại hoa, cây cảnh tăng, nên các loại hoa lan như: hồ điệp, sato... sẽ được ưa chuộng hơn so với mọi năm do hình thức đẹp, hoa bền, lại giữ giá vì không bị ảnh hưởng nhiều do bão.
Xu hướng chơi hoa, cây cảnh Tết năm nay của người dân cũng thiên về các loại cây, hoa bền màu, tươi lâu, giá cả hợp lý như: giấy, mộc, trà,... Các loại cây này thường được người dân mua trước lễ Noel, các loại cây, hoa ngắn ngày thường được người dân lựa chọn vào những ngày cận Tết.
Với sự kỳ công đầu tư, chăm sóc cẩn thận, hy vọng dịp Tết Ất Tỵ năm nay, với sự quyết tâm khôi phục sản xuất và kích cầu tiêu dùng từ phía các nhà vườn và người bán hoa, cây cảnh, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn, giá cả hợp lý để nhà nhà cùng vui Xuân, đón một cái Tết sum vầy, ấm áp, đủ đầy.
Sầu riêng trái vụ giá giảm mạnh
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 9.300ha trồng sầu riêng, trong đó khoảng 6.000ha đang cho trái. Tuy nhiên, diện tích xử lý ra hoa nghịch vụ chỉ đạt 40%, tương đương 2.400 ha và chỉ 30% trong số này đạt chất lượng. Phần lớn diện tích còn lại bị rụng bông, rụng trái do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Do đó, nguồn cung sầu riêng giảm 30% so với năm ngoái, giá sầu riêng tại vườn và kho vẫn giảm mạnh từ 30-40% so với đầu tháng 11.
Nguyên nhân là do sầu riêng Thái Lan vẫn còn trên thị trường, gây áp lực lớn lên giá trong nước. Đồng thời, một số lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu bị trả về làm giảm uy tín và sức cạnh tranh. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đồng loạt giảm giá mua. Trước tình hình này, nhiều nông dân chọn cách giữ hàng, chờ giá tăng trở lại. Tuy nhiên, việc neo hàng cũng làm nguồn cung ra thị trường càng hạn chế hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Có khoảng hơn 2 tấn sầu riêng Thái chuẩn bị thu hoạch, ông Nguyễn Mạnh Hưng ở xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, giá sầu riêng đang xuống từng ngày. “Chỉ tuần trước thương lái còn chấp nhận mua 150.000 đồng/kg loại 1 tại vườn. Sầu riêng loại 1 thường nặng từ 2,5 - 4kg và có từ 3 hộc (múi) trở lên. Thế nhưng tuần này họ trả còn hơn 100.000 đồng. Nếu cắt xô tất cả vườn thì giá chỉ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất thấp so với vụ nghịch năm ngoái (trên 200.000 đồng/kg) và thấp hơn cả vụ chính hồi giữa năm” - ông Hưng cho biết.
Ông Hưng tính toán, với mức giá bán khoảng 100.000 đồng/kg tại vườn thì nông dân gần như không thu lợi nhuận từ sầu riêng. “Sầu riêng nghịch vụ thường chỉ đạt năng suất từ 50 - 60% so với vụ chính do bị mưa nhiều vào thời điểm cây đậu quả non. Những năm trước, giá sầu riêng nghịch vụ luôn cao gấp 2 - 3 lần vụ chính. Tình trạng sốt hàng, khan hiếm là phổ biến. Nhưng năm nay lại ngược lại khiến nhiều nhà vườn không kịp trở tay. Tôi đang cố đợi nốt tuần sau xem giá như thế nào” - ông Hưng chia sẻ. Được biết, nguyên nhân chính khiến sầu riêng giảm giá thời gian này là do nguồn cung sầu riêng của một số nước trong khu vực đang khá dồi dào.
Giá tôm tăng cao
Những ngày này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tất bật tập trung cho vụ nuôi thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Theo nhiều người nuôi tôm, thông thường, vào những tháng cuối năm, giá tôm tăng cao nên người nuôi hy vọng vào một mùa bội thu.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Ung Hoàng Phúc (ấp Bình Khương, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) thả nuôi 900.000 con giống trên diện tích 12.000m2. Hiện anh tập trung chăm sóc cho tôm đạt tiêu chuẩn về trọng lượng cũng như chất lượng để kịp thu hoạch vào những ngày tết.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo anh Phúc, giá tôm thẻ trên thị trường đang ở mức cao, cụ thể cỡ khoảng 30 con/kg, giá từ 190.000-200.000 đồng/kg; cỡ khoảng 100 con/kg, giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Nếu vụ nuôi thuận lợi, dự kiến gia đình anh sẽ cung cấp khoảng 24 tấn tôm phục vụ thị trường tết. Để vụ nuôi thuận lợi, anh cẩn thận xử lý các khâu đầu vào, từ việc chọn con giống chất lượng đến việc vệ sinh kỹ đáy ao bằng vôi và hóa chất nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.
Anh Phúc cho biết: “Từ đầu vụ 2024 đến nay, tôm nuôi thường xuyên rớt giá, dịch bệnh hoành hành như EHP, phân trắng, đốm trắng,... trong khi giá các loại thức ăn, thuốc và trang thiết bị phục vụ sản xuất tôm thì liên tục tăng nên gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Tôi chỉ hy vọng vụ giáp tết này giá tôm sẽ tăng và bình ổn để người nuôi tôm có thể kết thúc vụ mùa 2024 với niềm vui được mùa, trúng giá”.
Bưởi đỏ "tiến vua" mất mùa, giá tăng cao
Mặt hàng bưởi đỏ thường được trồng nhiều tại các nhà vườn ở tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bắc Giang...
Tuy nhiên, chị Thu Trang, Phó giám đốc HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ An Phát (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết sản lượng bưởi đỏ năm nay đã giảm nhiều so với năm ngoái, dù số vườn trồng tăng lên.
"Do giá trị kinh tế cao nên nhiều nhà vườn đã mạnh dạn ghép giống bưởi đỏ. Dù vậy, tình hình bão lũ và mất mùa đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng", chị Trang chia sẻ.
Hiện tại, nhiều nhà vườn ở các tỉnh thành phía Bắc đang bán lẻ các loại bưởi đỏ như bưởi đỏ nhung, bưởi đỏ chum, bưởi đỏ dai cuống với các mức giá khác nhau, dao động khoảng 150.000-300.000 đồng/quả.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Còn với giá bán sỉ cho thương lái thu mua, chị Thu Trang cho biết khoảng 80.000-150.000 đồng/quả tùy loại và kích cỡ, tăng 20.000-50.000 đồng so với mùa vụ năm ngoái.
Bởi giá tăng, chị cho hay nhiều thương lái đã chủ động giảm số lượng thu mua bưởi đỏ.
Từ phía nhà vườn, chính cơ sở của chị Thu Trang cũng dự kiến dịp Tết Ất Tỵ 2025 sắp tới chỉ có thể cung cấp ra thị trường 4 vạn quả bưởi đỏ các loại, bằng một nửa so với năm ngoái.
Trong khi đó, chị Hải Hậu - đại diện thương hiệu bưởi đỏ Hưng Hậu cho biết năm nay giá nhập bưởi đỏ tăng nên cửa hàng chị phải điều chỉnh giá bán lẻ cao hơn 2-5% so với năm trước.
"Nhìn chung, lượng khách đặt mua bưởi đỏ năm nay tại cửa hàng đã tăng lên. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nên đa phần khách giảm số lượng mua", chị Hậu cho biết.
Năm nay, chị Hậu bắt đầu mở bán bưởi đỏ "tiến vua" từ tháng 9 Âm lịch, trong đó khách đặt hàng nhiều từ tháng 11 Âm lịch. Riêng nhóm khách hàng lẻ tập trung đặt mua từ tháng Chạp.
Giá dưa hấu bất ngờ chạm đáy, nông dân lỗ nặng
Thời điểm này, rất nhiều ruộng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, trái ngược với khung cảnh được giá của 2 tháng về trước, thị trường dưa hấu diễn biến đang bất lợi, giá quá thấp khiến nhiều nông dân lỗ nặng.
Chị Bùi Thị Thảo ở ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp thuê 10ha đất vườn cao su non của Nông trường Phước Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng trồng dưa hấu. Sau hơn 2 tháng trồng, dưa cho nhiều trái, năng suất ước đạt 25 tấn/ha. Vui vì được mùa, nhưng lại buồn vì dưa rớt giá, giá dưa hiện chỉ có 2.000 - 3.000 đồng/kg tùy loại, giảm một nửa giá so với 2 tháng về trước và chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá bán cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Chị Thảo cho biết, năm nay chi phí để trồng dưa rất đắt đỏ, nhưng tới khi thu hoạch giá thị trường lại quá thấp. Trung bình 1ha dưa hấu đầu tư hết 60 triệu đồng, nhưng chỉ thu về 45 triệu đồng. Dự tính vụ dưa này chị Thảo lỗ khoảng 150 triệu đồng. “Năm nay Bình Phước cũng không có dưa nhiều, chỉ khoảng 300ha, diện tích này so với mọi năm thì không dáng kể. Vậy mà không hiểu tại sao thời điểm này giá dưa lại quá thấp”, chị Thảo băn khoăn.
Mọi năm, vụ dưa hấu trước tết thường có giá rất cao khoảng 8.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá dưa bất ngờ xuống chạm đáy, thương lái cũng thu mua cầm chừng vì khó tiêu thụ. Nói về nguyên nhân giá dưa hấu xuống thấp, các thương lái cho biết, hiện nay nhiều tỉnh, thành đang thu hoạch dưa hấu, trong khi dưa hấu Trung Quốc cũng đang vào chính vụ nên chưa nhập mặt hàng này dẫn đến nhiều khó khăn cho người trồng.Dưa này mọi năm nhập đi Trung Quốc hay đi Hà Nội rất nhiều, nhưng năm nay họ không nhập, hàng ở phía Bắc và cả Trung Quốc lại tràn ngược vào trong miền Nam để tiêu thụ.
Ông Phan Thanh Bình, phường Thuận Giao, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương là người thường xuyên lên Bình Phước thu mua dưa hấu cho biết: “Biết là giá rẻ, khó tiêu thụ nhưng chúng tôi vẫn phải thu mua giúp dân. Tuy nhiên cũng thu mua ở mức cầm chừng thôi vì mua nhiều sẽ lỗ nặng”.
Diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn hầu hết là người từ các địa phương khác đến thuê đất để trồng. Hiện giá dưa xuống thấp khiến nhiều nông dân lâm cảnh khó khăn. Tìm đầu ra cho dưa hấu nhằm giải quyết phần nào bế tắc cho người dân là giải pháp đang được những người trồng dưa hấu mong chờ.