So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7 đã tăng 2,39%. Từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng 2,48%, trong khi mục tiêu Quốc hội đặt ra là ở mức 5%.
CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,82%.
CPI tháng 7 tăng nhẹ 0,13%. |
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm tăng với mức. Trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất tới 1,19%. Nguyên nhân là giá xăng, dầu vẫn còn bị ảnh hưởng từ đợt tăng giá ngày 4/6/2016, cho dù ngày 20/6/2016 và ngày 5/7/2016 tổng cộng giá xăng giảm đã 540 đồng/lít.
Có 4 nhóm ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ là: may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,01%; giáo dục không thay đổi. Có 2 nhóm hàng giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% và bưu chính viễn thông giảm 0,1%.
Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm khá ổn định, góp phần kiềm chế CPI tháng 7.
Việc chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% đã giúp CPI tháng 7 được kiềm chế, bởi vì đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính CPI. Đơn cử, giá lương thực tháng 7/2016 đã giảm 0,64% so với tháng 6/2015.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2016 chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu, do bị ảnh hưởng từ lần điều chỉnh tăng giá ngày 04/6/2016; mặc dù, có hai đợt giảm giá vào ngày 20/6/2016 và ngày 05/7/2016 với tổng hai lần giá giảm là 540đ/lít và giá vé tàu hỏa tăng 2,17% so với tháng trước.
Dự báo CPI tháng 8/2016, Vụ Thống kê giá cho biết, sẽ tăng nhẹ so với tháng trước do một số yếu tố như: giá dịch vụ y tế tăng đợt 1 (17 tỉnh, thành phố tăng); học phí các cấp học từ mầm non đến đại học tăng; nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập.
Bên cạnh đó, cũng có các yếu tố kiềm chế CPI tháng 8, đó là: giá lương thực thực phẩm ổn định với xu hướng giảm nhẹ và giá xăng dầu giảm theo giá dầu thế giới.