Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 đã tăng 0,33% so với tháng trước, trở thành mức tăng cao nhất của các tháng 4 trong 5 năm gần đây, góp phần đưa CPI chung 4 tháng qua tăng 1,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, bởi nhìn chung CPI vẫn trong tình trạng an toàn so với chỉ tiêu tăng CPI được xác lập là 5% cho cả năm 2016. Nói cách khác, thời gian còn lại vẫn còn nhiều "dư địa" để thực hiện công tác quản lý, điều hành nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Thực tế cho thấy, hiện giá cả các nhóm hàng đang diễn ra khá phức tạp, thậm chí trái chiều do ảnh hưởng của quan hệ cung - cầu; từ đó ảnh hưởng đến "mẫu số chung" là CPI qua mỗi tháng với kết quả khác nhau. Ví dụ, tháng 4 vừa qua, sở dĩ CPI tăng lên là nhóm lương thực tăng 1,11%, do thương lái đẩy mạnh thu gom lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác nưóc ngoài. Vấn đề còn trở nên "nặng" hơn khi sản lượng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ giảm sút vì tình trạng khô hạn, ngập mặn. Từ đó, đẩy giá lúa thu mua lên cao trên thị trường. Thêm vào đó, việc tăng giá xăng dầu 2 lần đã kích đẩy giá của nhóm giao thông tăng tới 1,73% và là nguyên nhân khiến cho CPI tăng thêm 0,16%. Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác như y tế cũng tăng lên do sự điều chỉnh dịch vụ y tế theo lộ trình và quy định nhà nước.
Trong tháng 5/2016, tất cả nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, tăng 2,39% so tháng trước. Nhóm tăng mạnh thứ 2 là nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,88%. Các nhóm hàng hóa có mức tăng nhẹ như ăn uống và dịch vụ ẩm thực tăng 0,36%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%…
Giải thích nguyên nhân dẫn tới CPI tháng 5 tăng, Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,68% là do việc thu gom lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đến giữa tháng 5, tuy giá lúa gạo đã giảm trước thông tin Thái Lan tuyên bố xả kho 11,4 triệu tấn gạo trong tháng 5 và tháng 6 năm 2016, tuy nhiên so cùng kỳ năm trước giá lúa gạo hiện tại vẫn cao hơn khoảng 300 đồng/kg.
Giá Lúa gạo tăng góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. |
Bên cạnh đó, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,38% chủ yếu ở nhóm hàng các loại thịt sau khi xảy ra hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung, cùng với việc thương lái thu gom heo nguyên con để bán sang Trung Quốc.
Giá xăng và dầu diezen tăng cũng dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%. Do đó, nhóm hàng hóa về giao thông là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính. Thị trường đã chứng kiến giá gas tăng 2,44% do các doanh nghiệp tăng 5.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 1/5/2016 do giá gas thế giới tăng. Tuy nhiên con số tăng này có vẻ sẽ còn biến động sau khi giá dầu và cao su đang phục hồi mức giá. Do nhu cầu năng lượng của Mỹ tăng cao nên giá dầu đã bắt đầu leo lên trên 50 USD/thùng và dự báo sẽ tăng thêm 20% nữa cho đến cuối năm.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), giá cao su đã tăng lên 44% so với mức giá ngày 15/1/2016, một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sau khi Thái Lan, một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cao su, chứng kiến sản lượng giảm 50%.
Một lý do nữa là thời gian qua, tiêu thụ săm lốp ôtô trên thế giới có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, việc dầu tăng giá cũng kéo giá cao su tăng lên. Cả ba yếu tố trên đã đẩy giá cao su liên tục tăng trong thời gian qua.
Như vậy, chỉ với việc tăng giá của 2 mặt hàng chiến lược quan trọng là cao su và nhiên liệu, GDP trong nước sẽ có cải thiện đáng kể và các doanh nghiệp dầu khí như Vietsovpetro, Petro Vietnam, PetroGas; các doanh nghiệp cao su như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)... sẽ có cơ may phục hồi sức mạnh tài chính.
Nhìn trên tổng thể, với mức tăng CPI như trong 5 tháng đầu năm nói trên, niềm tin về một bối cảnh kinh tế phát triển ổn định, chất lượng sống người dân được nâng cao từng bước... là có cơ sở vững vàng.