Báo cáo từ Tổng cục QLTT cho biết, tại hầu hết các địa phương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Cán bộ QLTT luôn có mặt tại các điểm kinh doanh để kịp thời ngăn chặn đầu cơ, nâng giá - Ảnh Tổng cục QLTT
Tại Hà Nội, Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu lên gấp từ 300 - 500% so với bình thươờng. Hapro Food cũng mở thêm 10 điểm bán trung tâm Hà Nội để kịp thời phục vụ người dân trong những ngày thực hiện cách ly.
Hệ thống Co.op mart tại Hà Nội cho biết, đã tăng thêm 1.000 tỷ đồng hàng hóa dự trữ. Người dân Hà Nội có thể yên tâm về nguồn cung hàng hóa thiết yếu, không nên hoang mang, đi mua thực phẩm tích trữ.
Trong hai ngày 1 và 2/4 lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, giám sát 97 cơ sở, xử lý 17 cơ sở, phạt tiền hớn 53 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 02/4/2020 kiểm tra, giám sát, xử lý 7.526 cơ sở, nâng tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến 3.095.881.000 đồng |
Tình hình thị trường hàng hóa tại Đà Nẵng tương đối ổn định. Lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa vẫn dồi dào, giá cả bình ổn. Tại các chợ truyền thống, các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, luôn có sự hiện diện của cán bộ QLTT kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng tăng giá bán bất hợp lý.
Tại Quảng Nam, lượng cung các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, đồ hộp, thực phẩm tươi sống,… cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Giá cả của các nhóm hàng này hầu hết ổn định. Những ngày trước có hiện tượng một số cửa hàng chỉ nhập số lượng xăng dầu hạn chế do giá xăng giảm nên có tình trạng hết xăng cục bộ. Hiện nay nhiều cửa hàng đã trở lại hoạt động bình thường..
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phục vụ công tác phòng tránh dịch, các nhà hàng, quán ăn, quán bar; các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu vui chơi giải trí tại TP Hồ Chí Minh đều đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Nhìn chung trong những ngày gần đây tình hình kinh doanh tại các siêu thị diễn ra rất sôi động. Tại các chợ truyền thống tình hình mua sắm vẫn diễn ra bình thường, giá cả không biến động, riêng giá thịt heo đã có giảm so với trước. Một số siêu thị lớn như Big C, AEON Mall đang giảm giá hàng loạt các mặt hàng tươi sống, hàng hóa phong phú, dồi dào.
Người dân có thể yên tâm về nguồn cung hàng hóa thiết yếu - Ảnh Tổng cục QLTT
Tại Cần Thơ, các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường và đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; giá bán các mặt hàng thiết yếu ổn định.
Để hạn chế đi lại, tập trung đông người, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc mua sắm hàng hóa qua điện thoại, qua mạng, Sở Công cũng cung cấp danh sách, địa chỉ, website, điện thoại của các siêu thị, trung tâm thương mại bán khẩu trang vải kháng khuẩn và các đơn vị bán hàng trực tuyến qua mạng để phục vụ người dân.
Trong lúc các hoạt động thị trường khá ổn định, thì vẫn còn nhiều người lợi dụng mùa dịch để thu lợi bất chính. Điển hình như vụ Đội QLTT số 9 của TP. Hồ Chí Minh tạm giữ 30 lít gel rửa tay khô nguyên liệu không có hóa đơn, và 1.632 chai gel rửa tay khô thành phẩm loại 90ml không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh khi kiểm tra Công ty TNHH SX TM DV N.Y.C tại 443/1 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9.
Tại Long An, ngày 02/4/2020, Đội QLTT số 2, tiến hành khám phương tiện mang biển kiểm soát 51D-278.44 phát hiện và tạm giữ 12.000 chiếc khẩu trang y tế chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, Đội QLTT số 3, Cục QLTT An Giang qua kiểm tra 01 trường hợp vận chuyển hàng hóa đã phát hiện và tạm giữ chờ xử lý 25.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp nhãn hiệu Vinh Quang Mask có nhãn ghi không đúng, không đủ, nội dung bắt buộc theo quy định về nhãn hàng hóa…
Cục QLTT Long An bắt quả tang cơ sở tái chế 100.000 khẩu trang y tế
Kiểm tra nhà dân ở huyện Đức Hòa (Long An), lực lượng chức năng phát hiện gần 100.000 chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng được tái chế chuẩn bị bán ra thị trường. Khoảng 9h ngày 3/4, Cục QLTT Long An bất ngờ kiểm tra căn nhà của bà Nguyễn Thị Tím 42 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, lực lượng chức năng phát hiện trong nhà bà này có nhiều thùng hàng chứa khẩu trang y tế cũ. Bà Tím cho biết thời gian qua qua bà thu mua khẩu trang y tế đã qua sử dụng về tái chế và bỏ vào vỏ hộp mới, bán ra thị trường kiếm lời.Lực lượng chức năng đã tịch thu lô hàng gần 100.000 chiếc khẩu trang y tế qua sử dụng, được tái chế chuẩn bị bán ra thị trường và tiếp tục điều tra xử lý vụ việc. |