Thông tin ban đầu, sáng 31/1, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) bất ngờ kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU- số 01 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân hầu như không quan tâm đến vấn đề giá cả có được bán đúng giá hay không. Từng đoàn người vẫn chen lấn, xô đẩy nhau để giành cho mình những hộp khẩu trang.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có cũng như cam kết bán đúng giá đã niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội, trong thời gian tới, Đội QLTT số 1 tiếp tục tập trung kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa là khẩu trang y tế các loại, sản phẩm sát khuẩn tay-chân-miệng các loại trên các khâu lưu thông hàng hóa bao gồm cả kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vi phạm.
Cũng trong sáng nay, Tổng cục QLTT đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch corona.
Cụ thể, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona.
Đồng thời, phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT là đầu mối theo dõi, phối hợp kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục khi được yêu cầu và sau khi công tác chống dịch kết thúc.