Chiều ngày 30/1 (giờ địa phương), tại Geneva (Thụy Sĩ), WHO chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với virus corona một ngày sau các báo cáo về sự gia tăng số người tử vong tại Trung Quốc bởi chủng virus mới này, theo AFP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ chiều 30/1 (giờ địa phương) - Ảnh: REUTERS |
Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc lúc đầu đã hạ thấp mối đe dọa bởi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới. Thế nhưng, qua các cuộc họp quan trọng, tổ chức này đã đánh giá lại các rủi ro của dịch bệnh.
"Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus lây lan sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn", Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết trong cuộc họp chiều ngày 30/1. "Tất cả chúng ta phải hành động ngay bây giờ để hạn chế sự lây lan hơn nữa. Chúng ta phải cùng nhau ngăn chặn nó”.
Theo đài CNBC , một khi tình trạng khẩn cấp toàn cầu được công bố, điều này sẽ giúp WHO đẩy mạnh khả năng tăng cường, phối hợp và phản ứng của chính phủ các quốc gia về nguồn nhân-vật lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.
Ngoài ra, tuyên bố này sẽ giúp người dân các quốc gia có người nhiễm bệnh tuân thủ các khuyến nghị về sức khỏe và vệ sinh.
Tuyên bố mới nhất được đưa ra sau khi số người chết do virus corona lên đến 170 người. |
“Tất cả các quốc gia nên chuẩn bị để ngăn chặn, như giám sát tích cực, phát hiện sớm, cách ly và quản lý trường hợp, truy tìm dấu vết và ngăn chặn sự lây lan rộng của virus corona”, CNBC dẫn tuyên bố từ WHO.
Tổng Giám đốc WHO nói rằng không đến mức quá nghiêm trọng khi hạn chế đi lại và thương mại với Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
"WHO không khuyến nghị hạn chế thương mại và đi lại. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi có nhiều trường hợp lây truyền nhóm người dễ bị mắc bệnh, thì các biện pháp như vậy có thể "tạm thời hữu ích", ông Tedros nói thêm.
Những trường hợp khẩn cấp toàn cầu từng được WHO tuyên bố trước đây: Cúm lợn (2009): Vi-rút H1N1 lan rộng khắp thế giới vào năm 2009 giết chết hơn 200.000 người. Polio (Viêm tuỷ xám/bại liệt - 2014): Mặc dù đã gần như được loại bỏ vào năm 2012, số lượng bệnh nhân bại liệt vẫn tăng trong năm 2013. Zika (2016): WHO tuyên bố Zika là một cấp cứu y tế công cộng vào năm 2016 sau khi căn bệnh này lan nhanh ra khắp châu Mỹ. Mặc dù đối với nhiều triệu chứng Zika ở chỉ mức độ nhẹ, nó vẫn có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Ebola (2014 và 2019): Căn bệnh chết người đã 2 lần được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Lần đầu tiên kéo dài từ tháng 8/2014 - tháng 3/2016 khi có gần 30.000 người bị nhiễm bệnh và hơn 11.000 người chết ở Tây Phi. Trường hợp khẩn cấp thứ 2 đã được tuyên bố vào năm ngoái khi căn bệnh này lan rộng ở Congo. |