“Đổi bao nhiêu cũng có…”
Chị Thu Trang, nhân viên tín dụng một ngân hàng quốc doanh cho biết, từ cuối tháng 12, chị phải đau đầu khi khách hàng, người quen, bạn bè liên tục gọi điện đến nhờ đổi tiền mới. Trong khi đó, từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là tiền mệnh giá từ 10.000-50.000 đồng. Nguồn cung hạn chế, trong khi tình trạng “nhờ vả” đổi tiền mới luôn tiếp diễn nên thời điểm này là “ác mộng” đối với nhiều nhân viên ngân hàng khi họ luôn phải tìm cách từ chối khéo, không để mất lòng khách hàng, người thân.
Nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến với dịch vụ đổi tiền dịp Tết qua mạng xã hội. Ảnh Thảo Nguyên
Tuy nhiên, hoạt động đổi tiền mới vẫn diễn ra khá tràn lan trên “chợ” mạng. Hiện nay, theo một số quảng cáo trên các ứng dụng mạng xã hội (Google, Facebook, Zalo,...), phí đổi tiền mới cao, thấp tùy thuộc vào số lượng và mệnh giá.
Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lì xì tết” trên mạng xã hội là hàng trăm bài đăng, hội nhóm hiện ra với những lời mời gọi, cam kết “tiền thật”, “tiền mới”, “giá rẻ nhất thị trường”; thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu.
Với dịch vụ đổi tiền mới, mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, phí đổi từ 5 - 6%. Với mức tiền cao hơn hoặc đổi nhiều tiền hơn thì mức phí đổi sẽ rẻ hơn một chút. Thậm chí, còn có khái niệm “tiền lướt”, tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2-3%...
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, nhiều tài khoản trên mạng Internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.
Các đối tượng còn mời chào, sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng… “Tiền đổi cho khách nhà tôi đều nguyên seri, nguyên cọc. Mức phí thấp. Giao dịch nhanh chóng, an toàn. Đổi sớm phí rẻ. Người có nhu cầu có thể đến đổi trực tiếp hoặc giao đi sau vài giờ hoặc vài ngày tùy xa, gần”- tài khoản Facebook Ngô Thị Hạnh cho biết.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng loạt các group đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên đông đảo. Không chỉ liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền, các bình luận liên quan cũng nhộn nhịp không kém.
Tiềm ẩn rủi ro
Theo quy định, ngoài NHNN, các chi nhánh và Sở giao dịch NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thì mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều người phớt lờ những lệnh cấm để đạt được mục tiêu lợi nhuận, khách hàng cũng không quá quan tâm đến việc nơi đổi tiền là hợp pháp hay bất hợp pháp, miễn là đáp ứng được nhu cầu. Nhìn vào quy trình có thể thấy mọi giao dịch đều rất công khai, minh bạch, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn. Đã có những người khi nhận về cọc tiền bị rút ruột, không đúng seri lẫn tiền cũ nát, thậm chí không kiểm tra kỹ càng còn có thể nhận về tiền giả. Không ít trường hợp người đổi tiền chuyển khoản xong thì chủ Fanpage chặn liên lạc và mất tích.
Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.
Theo NHNN, việc hạn chế in tiền lẻ mới trong những năm gần đây đã giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Chủ trương của NHNN đến nay vẫn là tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.
Được biết, từ năm 2021, NHNN đã chỉ đạo Sở Giao dịch NHNN tuyệt đối không được đổi tiền mới cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN.
NHNN chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu phải chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu - chi tiền mặt, ưu tiên chi tiền đã qua lưu thông mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Người dân chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, người dân hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường.
Người dân hãy cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, người dùng kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Mừng tuổi qua ứng dụng ngân hàng Chị Ngọc Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ từ Tết Nguyên đán năm trước, tôi đã không còn chạy khắp nơi tìm đổi tiền mới để làm quà mừng tuổi nữa, vừa mất công mất sức, lại còn tiếp tay cho những kẻ trục lợi. “Năm nay, thu nhập sụt giảm nên khoản chi cho mừng tuổi Tết cũng sẽ co hẹp lại nên nhu cầu đổi tiền mới lại càng không cần thiết đối với gia đình tôi. Tôi vẫn mừng tuổi cho người thân bằng tiền, nhưng thay vì tiền mặt thì chuyển khoản số tiền đẹp mang ý nghĩa tài lộc như 9999, 8888, 6666…” - chị Hà cho hay. |