Thông tin trên được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng Quí I/2024 diễn ra sáng vào sáng nay (ngày 19/4).
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo ông Quang, việc NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Đây là biện pháp mạnh mẽ của NHNN nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
“Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của NHNN”, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.
Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.
Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước gửi các ngân hàng vào trưa nay (ngày 19/4), tỷ giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD, bằng tỷ giá bán ra niêm yết tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
So với mức trần được phép bán ra vào ngày hôm nay là 25.473 đồng/USD, giá bán ngoại tệ can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đang thấp hơn 23 đồng/USD.
Đối tượng được bán ngoại tệ can thiệp là các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Mức bán ngoại tệ tối đa cho mỗi ngân hàng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của ngân hàng đó về mức cân bằng.
Trạng thái ngoại tệ xem xét duyệt bán là trạng thái ngoại tệ của ngân hàng đó vào cuối ngày làm việc liền trước ngày Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ.
Các ngân hàng có nhu cầu mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước phải đăng ký trước nhu cầu, số lượng dự kiến và gửi đề nghị về cho Ngân hàng Nhà nước.