Phí đổi tiền lên đến 20%
Các dịch vụ đổi tiền lẻ những ngày cận Tết Ất Tỵ như bùng nổ trên các "chợ mạng" zalo, facebook... với đầy đủ các mệnh giá, số lượng. Tại các nhóm này, bài đăng về nội dung đổi tiền lẻ có đến cả trăm bài viết mỗi ngày với đủ lời mời chào hấp dẫn như: “tiền thật”, “tiền mới”, “giá rẻ nhất thị trường”, “tiền nguyên tem”...
Ảnh minh họa.
Đơn cử như nhóm “Đổi tiền mới” với khoảng 23.000 thành viên, hàng chục tài khoản Facebook đăng tin nhận đổi tiền với cam kết “sẵn đủ các mệnh giá”, "số lượng không giới hạn”. Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu hay tuyển cộng tác viên đăng bài. Một Facebook có tên Hoa Nguyễn quảng cáo tiền mới nguyên series, phí đổi “ưu đãi”.
Đối với mệnh giá 10.000 đồng - 20.000 đồng - 50.000 đồng, phí đổi dao động từ 6 - 8%. Còn với những mệnh giá cao hơn như 100.000 đồng - 200.000 đồng - 500.000 đồng, phí đổi khoảng 4 - 5%. Mức phí này đã tăng khoảng 1% so với dịp Tết năm ngoái.
Trong khi đó, nick name K.K đăng bài với lời chào mời dịch vụ đổi tiền mới 100%, nguyên seri, giá lại khác: 50.000 đồng là 3%, 10.000 - 20.000 đồng là 8%, 2.000 - 5.000 đồng là 10%...
Nhưng khi liên hệ, người này cho biết, đó là đổi nhiều, còn đổi lẻ thì mức cao hơn. Ngoài ra, phí thay đổi theo ngày, càng gần Tết mức phí càng tăng. Như cọc 100 tờ 20.000 đồng mất phí khoảng 120.000 - 150.000 đồng; cọc 100 tờ 50.000 đồng mất phí khoảng 140.000 - 150.000 đồng; cọc 100 tờ 100.000 đồng mất phí khoảng 200.000 đồng...
Như vậy mức phí đã tăng lên tới 12%. Riêng loại mệnh giá nhỏ 10.000 - 5.000 - 2.000 đồng sẽ lên tới 15 - 20%. Ngoài tiền mới, còn có khái niệm “tiền lướt”, tức là tiền đã qua sử dụng, mức phí đổi tiền rẻ hơn so với tiền mới khoảng 50%.
Việc NHNN không in tiền mới là động thái đáng ghi nhận để hạn chế bớt chi phí của Nhà nước. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan đến việc đổi tiền, giúp người dân nâng cao nhận thức và giảm thiểu các hành vi vi phạm. Về nguồn tiền mới vẫn được các đầu nậu tuồn ra thị trường, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để làm rõ điều này. TS Nguyễn Minh Phong |
Bên cạnh dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Nhiều chủ tài khoản rao bán các tờ tiền USD may mắn như; cặp tiền xu Úc rắn mạ vàng, bạc kèm túi gấm đỏ có giá 80.000 đồng/cặp; tiền xu Phật tổ Như Lai có giá 60.000 đồng/xu; tiền xu Hồng Kông thần tài mạ vàng giá 60.000 đồng/xu… Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế.
Ngân hàng nói “không” với đổi tiền
Kể từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng chính sách hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là các mệnh giá dưới 10.000 nhằm kiểm soát nguồn cung tiền mặt, giảm chi phí in ấn và hạn chế các hành vi lợi dụng đổi tiền trong dịp Tết.
Điều này vô tình đẩy nhu cầu đổi tiền mới thành “nỗi ám ảnh” đối với nhân viên ngân hàng. Họ phải khéo léo từ chối các yêu cầu đổi tiền từ khách hàng và người thân, tránh mất lòng nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định.
Một cán bộ của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, theo quy định của NHNN, việc đổi tiền cũ sang tiền mới chỉ được thực hiện khi đồng tiền bị rách, nát hoặc không đủ điều kiện lưu thông. Việc rao đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của NHNN. "Năm nào NHNN cũng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá. Những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.
Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định 88/2019/NÐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.
Tại điểm a, Khoản 5, Ðiều 30 quy định: “phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”. Ðây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trong khi mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức từ 40 - 80 triệu đồng (điểm b, Khoản 3, Ðiều 3, Nghị định 88/2019/NÐ-CP”.
Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều cho biết: “cách thức đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cận Tết Nguyên đán khiến người đổi tiền có nguy cơ bị lừa rất cao. Bởi phần lớn các tài khoản quảng cáo đổi tiền qua mạng không có thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, người đổi tiền lại phải chuyển trước một khoản tiền đặt cọc. Điều này khiến người đổi tiền rơi vào thế bị động, dễ bị lừa đảo".
Cẩn trọng với “bẫy” đổi tiền
Chị T.V (quận Nam Từ Liêm) kể, do có nhu cầu đổi tiền các mệnh giá 20.000 đồng và 100.000 đồng để mừng tuổi nên chị đã vào nhóm “đổi tiền mới, đổi tiền lì xì” trên Facebook tìm hiểu. Sau khi "chat" với chủ tài khoản “dịch vụ chuyên nghiệp”, chị được nickname này cho biết tỷ lệ đổi là 5%, trong khi nhiều nơi là 10% nên đã đồng ý. Sau khi gặp trực tiếp và chuyển khoản cho chủ tài khoản này chị nhận được tiền. Về đến nhà đếm lại thì mỗi cọc tiền bị "rút ruột” tổng cộng 3 triệu đồng.
“Nếu tính mức lãi 5% cộng với 3 triệu bị "rút ruột", thì chênh lệch tiền đổi đã lên đến mấy chục phần trăm mà tôi vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt” - chị V cho hay.
Mới đây, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Thực tế đã có nhiều người giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả.
Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách. Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng, do đó chủ trương của NHNN đến nay vẫn là tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ. NHNN chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu - chi tiền mặt để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại.
NHNN luôn có chủ trương bảo đảm tốt nhất nguồn tiền cho lưu thông. Đại diện NHNN cũng khuyến cáo người dân thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua các loại tiền độc, lạ. Các loại tiền này chỉ nên được dùng với mục đích sưu tầm, bởi nếu mua nhầm tiền giả mà dùng để giao dịch, mua bán là hành vi vi phạm pháp luật.
Muốn xóa bỏ tình trạng đổi tiền ăn chênh lệch, cần phải xóa bỏ nhu cầu cần đổi tiền mới mỗi dịp Tết đến. Cơ quan chức năng nên cân nhắc áp dụng việc tăng nặng hình phạt với những đối tượng thực hiện hành vi đổi tiền nhằm hưởng phần chênh lệch. Có cơ chế quản lý kịp thời tránh tình trạng việc đổi tiền diễn ra tự phát gây ảnh hưởng đến việc quản lý tiền mặt. Luật sư Nguyễn Minh Long - Đoàn Luật sư TP Hà Nội |