Mới đây, Shinsei Bank (Nhật Bản) đã ký kết hợp đồng mua 49% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng MCredit do Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) sở hữu 100% vốn. Sau thương vụ này, MCredit được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei.
Được biết, Shinsei Financial - công ty con của Shinsei Bank - đang đứng thứ 3 tại thị trường Nhật Bản về cho vay tiêu dùng. Với kinh nghiệm lâu năm và thế mạnh công nghệ, Sinsei Bank hứa hẹn sẽ biến MB Shinsei trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường tài chính tiêu dùng. Ông Yukio Nakamura, Phó chủ tịch Shinsei Bank cho biết, ngân hàng này đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Việc MCredit may mắn sớm tìm được đối tác ngoại để kết duyên cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang rất hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hiện thị trường tài chính tiêu dùng nước ta khá nhộn nhịp, với sự hiện diện của 16 công ty. Chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là FE Credit, tiếp theo là Home Credit. Lợi nhuận mà FE Credit thu về năm 2015 ước đạt 1.000 tỷ đồng, trong khi Home Credit cũng không thua kém là mấy.
Không chỉ Shinsei Bank, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, một nhà đầu tư Nhật Bản sừng sỏ khác cũng đang tích cực đàm phán với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để mua 49% cổ phần công ty con là Công ty Tài chính FE Credit.
Ngoài các công ty tài chính, rất nhiều fintech non trẻ hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử Việt Nam cũng đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê của Topica Founder Institute cho thấy, trong số những thương vụ gọi vốn của start-up công nghệ ở Việt Nam, nhóm fintech là lĩnh vực đầu tư nhiều thứ 3, xếp sau thương mại điện tử và truyền thông.
Mới đây, OnOnPay, công ty khởi nghiệp của Việt Nam cung cấp dịch vụ ví điện tử, thanh toán điện, nhận được một khoản đầu tư từ Quỹ Gobi Partners trị giá 800.000 USD để nâng cấp hạ tầng dịch vụ và phát triển công nghệ. Trước đó, OnOnPay còn nhận được một khoản đầu tư khác từ Công ty Captii Ventures.
Ngoài OnOnPay, cách đây không lâu, Công ty Truyền thông VMG cũng bán toàn bộ 62,25% cổ phần đang sở hữu tại VNPT Epay cho Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc. VNPT Epay hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Quý I/2016, một fintech khác là M-Service JSC - sở hữu thương hiệu MoMo - cũng đã được Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs rót 28 triệu USD để đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại, Việt Nam, với mức tăng trưởng dự báo trên 6%, sẽ vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nợ công gia tăng, thì đầu tư công không còn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nữa, mà nhu cầu tiêu dùng mới là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.
Thực tế, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh (tăng 27%) và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này đến năm 2020. Ngoài ra, số người giàu và trung lưu ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 - 20 năm. Đây là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn “thèm khát” miếng bánh tài chính tiêu dùng Việt Nam. Và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.